Nhằm cứu vãn nguy cơ phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam, ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, dùng không quân đánh phá ồ ạt ra miền Bắc nước ta. Bộ đội Phòng không cùng với quân, dân miền Bắc đã giáng đòn chí mạng vào cái gọi là "uy thế không lực Hoa Kỳ", bắn rơi 8 máy bay Mỹ (12,5% tổng số máy bay Mỹ huy động vào một trận đánh). Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ đã thất bại nặng nề.Trong lễ tuyên dương công trạng các đơn vị phòng không và hải quân ngày 7-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc, vừa rồi lại nghe tin 4 chiếc máy bay Mỹ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt...”.
|
Trung đoàn 213, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân) huấn luyện kíp chiến đấu. Ảnh: ĐỨC LƯU |
Chiến thắng ngày 5-8-1964 một lần nữa góp phần chứng minh đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ý chí kiên cường, dũng cảm chiến đấu của quân và dân miền Bắc; nòng cốt là Bộ đội Phòng không và Bộ đội Hải quân. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị-tinh thần, trí thông minh, sáng tạo và tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân và dân miền Bắc. Chiến thắng mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phát huy tinh thần chiến thắng ngày 5-8-1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần củng cố sức mạnh quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, trong đó trọng tâm:
Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tin chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Trong trận chiến ngày 5-8-1964, sức mạnh chủ nghĩa yêu nước được phát triển lên một tầm cao mới bằng ý chí “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù” của quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Bộ đội Phòng không, Bộ đội Hải quân. Chỉ với súng phòng không 14,5mm, song chúng ta giăng “lưới lửa” bủa vây, vít cổ “chim ưng nhà trời” (A-4D) phơi xác trên biển Hạ Long, bắt sống phi công Alvarez. Đây là viên phi công Mỹ đầu tiên bị quân và dân ta bắt sống trên miền Bắc.
Việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Thứ hai, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày 27 và 28-3-1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại. Người kêu gọi mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt; đồng thời yêu cầu Quân đội và LLVT nhân dân phải luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an, kiên quyết đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ và tay sai. Sau hội nghị này, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng họp phiên đặc biệt, quyết định mở Cuộc vận động “Phát huy truyền thống quyết chiến quyết thắng, mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm bắn rơi máy bay địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, Bộ đội Phòng không đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý chí, quyết tâm chiến thắng kẻ thù ngay từ những loạt đạn đầu. Chiến thắng ngày 5-8-1964 chính là chiến thắng của ý Đảng, lòng dân, bắt nguồn từ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh, kết thành sức mạnh, niềm tin, động lực to lớn để quân và dân ta vượt qua thời khắc ác liệt, dũng cảm chiến đấu, giành chiến thắng vẻ vang.
Là lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, phát huy truyền thống vẻ vang, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị luôn quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến phòng không-không quân, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, có niềm tin tất thắng vào cuộc chiến tranh chính nghĩa; ra sức củng cố, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, hình thành hệ thống phòng không-không quân liên hoàn vững chắc, có thể đánh địch từ xa, từ nhiều hướng, nhiều độ cao, tiêu diệt được nhiều phương tiện bay, bắt sống nhiều giặc lái, làm nhụt ý chí chiến đấu của địch ngay từ trận đầu.
Thứ ba, chăm lo xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp vững mạnh, tiến hành hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư cách của người chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội; người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt, người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ đội ấy không tốt”. Hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra thì đó là cuộc chiến tranh rất khốc liệt, không gian mở rộng gần như không hạn chế, thời gian chiến dịch rút ngắn. Do đó, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp quan tâm xây dựng cho bộ đội-những người trực tiếp tham gia chiến đấu-có tâm thế vững vàng, tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” mọi kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng...". Việc chăm lo củng cố, nâng cao chất lượng cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp là một trong những yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách trong xây dựng Quân chủng Phòng không-Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thứ tư, nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho bộ đội nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong mọi tình huống.
Việc định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Các cơ quan, đơn vị chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", lấy xây làm phương thức hữu hiệu để chống, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; sử dụng khéo léo, linh hoạt các hình thức, biện pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Năm là, chăm lo công tác chính sách, hậu phương Quân đội; bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, động viên bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế công tác chính sách, hậu phương Quân đội phù hợp với đặc thù nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở, những người trực tiếp canh trực sẵn sàng chiến đấu; chuyên gia đầu ngành giỏi; người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm...
Thiếu tướng HOÀNG VĂN LÂU, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân
Theo qdnd.vn