13 giờ:14 phút Thứ sáu, ngày 10 tháng 9 , 2021

Thượng tá, Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng

Chống dịch bằng cả trái tim

“Là người bác sĩ quân y, chúng tôi xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình nên luôn chuẩn bị tốt tâm thế, sẵn sàng lên đường đi bất cứ nơi đâu khi tổ chức phân công và thực hiện nhiệm vụ bằng cả trái tim để góp phần cùng chính quyền, người dân cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh” - Đó là khẳng định của Thượng tá, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại - Hồi sức cấp cứu, Viện Y học Phòng không - Không quân (PK-KQ), sau khi anh hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 tại tỉnh Bắc Giang.

Chống dịch bằng cả trái tim
Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng thăm khám cho các bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bắc Giang tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2. Ảnh: CTV

Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đầu tháng 5-2021, Bắc Giang là tỉnh nằm trong tâm dịch với số ca mắc tăng cao từng ngày. Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), rạng sáng 19-5, 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng của Viện Y học PK-KQ do Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng làm trưởng đoàn đã lập tức lên đường để cùng với các lực lượng của Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Viện Y học cổ truyền Quân đội thành lập Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2, là cơ sở tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ban đầu, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng được giao làm Chủ nhiệm Khoa Ngoại - Tổng hợp, song, do yêu cầu nhiệm vụ, anh được phân công làm Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị bệnh nhân nặng và vừa, rồi Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị bệnh nhân ổn định. Dù ở cương vị công tác nào, anh cũng luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trung bình mỗi ngày, Khoa Điều trị bệnh nhân ổn định tiếp nhận hàng chục ca COVID-19 vào điều trị, cao điểm có ngày lên tới hàng trăm bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đông, nhiều thành phần, từ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… với tình trạng bệnh khác nhau trong khi lực lượng mỏng, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên công tác chăm sóc, điều trị càng khó khăn. Ngoài việc điều trị SARS-CoV-2, các y, bác sĩ còn kiêm luôn cả bảo mẫu, người phục vụ bởi ngoài họ không ai được phép vào trong khu điều trị của bệnh nhân truyền nhiễm. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y, bác sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, tận tâm trong mọi công việc để điều trị cho các bệnh nhân.

Vừa trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân, lại là cán bộ khoa nên khối lượng công việc nhiều, song Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để điều trị cho các bệnh nhân. Hằng ngày, trực tiếp thăm khám và lấy hàng chục mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao; chính vì vậy, anh luôn động viên, nhắc nhở đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, đặc biệt, thực hiện đúng trình tự các bước quy tắc chống nhiễm khuẩn để không bị lây nhiễm; thực hiện nhiệm vụ một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác; bởi nếu như lơ là, chủ quan dễ dẫn đến kết quả sai lệch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân, bản thân mình và cộng đồng. “Quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất vất vả, nguy hiểm khi chúng tôi phải đứng đối diện với bệnh nhân để lấy dịch ở vùng hầu họng và mũi. Những động tác này dễ kích thích bệnh nhân ho, sặc, có nguy cơ phát tán mầm bệnh. Đặc biệt, mặc bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết nắng nóng trong thời gian dài nên mồ hôi ra rất nhiều, cơ thể tăng nhiệt và mất điện giải. Mỗi lần cởi bộ đồ bảo hộ sau khi kết thúc ca trực, cơ thể mất nước, tay chân nhợt nhạt, quần áo ướt sũng mồ hôi” - Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng  chia sẻ.

Thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch, hằng ngày anh không có nhiều thời gian để liên lạc với gia đình, hỏi thăm mẹ vợ đang điều trị bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai; hay động viên cô con gái thứ 2 đang ôn luyện chuẩn bị thi vào cấp 3. Anh tâm sự: “Công việc cứ cuốn mình hằng ngày không lúc nào ngơi nghỉ. Nhiều lúc đang thăm khám cho bệnh nhân, con gái nhớ bố gọi điện cũng không biết. Đến khi kết thúc ca trực gần nửa đêm mới có thời gian gọi về động viên con và căn dặn: Khi nào hết dịch bố sẽ về”.

Với tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn, vất vả, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 2 đã điều trị cho gần 500 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh. Với những kết quả, thành tích đạt được, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang.

ĐỨC LƯU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website