Những mùa trăng tròn mãi
Với trẻ con lớn lên ở thành phố, các bạn chỉ có duy nhất một đêm Trung thu; nhưng với chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra ở lũy tre làng, Tết Trung thu được kéo dài đến hết mùa trăng.
Bước sang tháng Tám âm lịch, khi mặt trăng chỉ mới cong cong như một vành môi con gái, treo chênh vênh trên ngọn tre làng; thế mà trên khoảng sân đình rộng mênh mông, tiếng trống ếch đã rộn ràng thúc giục. Bọn con trai tụ tập đánh khăng, đánh đáo, bọn con gái nhảy dây, đánh chuyền, còn các anh chị trong đoàn thanh niên, hội phụ nữ tất bật bàn kế hoạch đi quyên góp tiền để mua bánh kẹo, mua hoa quả, chuẩn bị cỗ trông trăng cho con em trong xóm. Xôm tụ nhất, ồn ào náo nhiệt nhất có lẽ là đội múa lân.
Tôi cũng được chọn vào đội múa lân nhưng chỉ được phân công phết hồ, dán giấy màu lên cái đầu lân hoặc dán bóng kính lên những chiếc đèn ông sao đủ kích cỡ. Khi đội lân bắt đầu luyện tập, thằng Toản to con, khỏe mạnh được đảm nhiệm phần đầu lân. Thằng Quốc nhanh nhẹn, láu lỉnh được đóng vai Tề thiên đại thánh. Thằng Bình mập mạp, tròn trịa được vào vai Trư Bát giới. Riêng vai ông Địa, chúng tôi cãi nhau chí chóe mất mấy buổi trưa mới chọn được thằng Lộc đảm nhiệm vai này. Lộc dong dỏng cao, dáng đi đủng đỉnh, giọng nói vang to, ấm áp. Khó nhất là chọn người đánh trống. Danh sách đề cử thì nhiều, cuối cùng chúng tôi chọn anh Phan, bộ đội phục viên mới về làng, bởi sức vóc anh khỏe, nhịp đánh lại dứt khoát nên tiếng trống lúc khoan thai, lúc lại rất rộn ràng. Tối nào chúng tôi cũng kéo nhau ra sân đình, tập chán thì bắt đầu thử biểu diễn quanh xóm.
Cứ thế, trăng từ hình hài của chữ C viết ngược, chuyển thành chữ D hoa rồi tròn đầy như chiếc mâm con, nhìn rõ cả cây đa, chú Cuội. Khắp nơi, từ cánh đồng lúa mướt xanh đến bụi tre, khóm chuối... đều được tắm dưới ánh trăng ngời ngợi sáng. Chỉ đợi có thế, chẳng đứa nào rủ đứa nào, chúng tôi náo nức kéo nhau ra sân đình. Trên tay mỗi đứa nhấp nháy những chiếc đèn ông sao. Tiếng trống ếch, tiếng bước chân dịch chuyển, tiếng nói cười và cả tiếng cãi nhau chí chóe tạo thành mớ âm thanh huyên náo rất cuốn hút. Mãi rồi trật tự cũng được lập lại. Dưới sự dẫn dắt của các anh, chị phụ trách đội, chúng tôi cùng nhau múa hát, xem đội lân biểu diễn rồi tưng bừng phá cỗ trông trăng. Từng mâm, từng thau quà được chuyển ra, chúng tôi nắm tay nhau tạo thành vòng tròn, háo hức nhận phần quà của mình là dăm chiếc kẹo, vài múi bưởi, quả chuối, quả hồng, miếng bánh nướng, bánh dẻo. Chỉ thế thôi mà vui đến nổ trời.
Vui nhất là màn rước đèn Múa lân. Từ sân đình, chúng tôi rồng rắn kéo nhau ra đường chính rồi rẽ vào từng ngõ xóm, tay giơ cao những chiếc đèn tự tạo, tiếng cười nói, reo hò, tiếng trống dập dồn lan tỏa…Mỗi khi đội lân được gia đình nào đó mở cổng cho vào, cả đội hình lại như đàn chim vỡ tổ. Có đứa trèo cả lên cây mít, cây ổi, thậm chí trèo cả lên đống rơm, chuồng gà. Sau mỗi màn múa lân đẹp mắt, có đứa còn mang cả thau nhôm, mâm đồng ra gõ khiến không gian làng quê thêm phần xao động.
Cứ thì thùng, tùng rinh như thế cho đến khi ánh trăng chênh chếch đỉnh đầu, lúc ấy đã quá nửa đêm, đám rước thưa dần, thưa dần rồi chỉ còn tiếng hát đồng dao vẳng lại: “Ông giẳng ông giăng/xuống chơi với tôi/có bầu có bạn/có ván cơm xôi/có nồi cơm nếp/có nệp bánh chưng/có lưng hũ rượu…”
Rất nhiều năm đã trôi qua, trong tâm trí tôi, những mùa trăng ngọt ngào nơi miền quê thôn dã năm nào thì mãi còn in đậm. Mỗi năm đến dịp Tết Trung thu, tôi lại háo hức mong chờ với những cảm xúc đan xen của tuổi ấu thơ. Tròn mãi trong tôi vầng trăng tháng Tám với kí ức tươi rói sâu đằm, bởi dưới ánh trăng quê, chúng tôi đã từng có thế giới của chị Hằng, chú Cuội với những câu hát đồng dao, những trò chơi dân gian và nhiều nhất là những nụ cười trong sáng hồn nhiên…
BÌNH YÊN