13 giờ:19 phút Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 , 2024

Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6

Khi người lính làm báo

Tôi còn nhớ có lần một đồng nghiệp nói với mình một câu đầy hình ảnh, rằng “Phóng viên Báo Phòng không - Không quân nhạc nào cũng nhảy”; ngẫm lại thấy rằng câu ví von đó cũng có phần đúng với cánh phóng viên chúng tôi.

Khi người lính làm báo
Phóng viên Báo PK-KQ tác nghiệp tại Sân bay Điện Biên Phủ.
Ảnh: HOÀNG CÔNG

Xét về góc độ kỹ thuật, trong thời đại bùng nổ của thông tin kỹ thuật số, truyền thông, báo chí không thể bó hẹp trong khuôn khổ một vài loại hình báo chí mà phải truyền thông đa phương tiện: báo nói, báo viết, báo hình, mạng xã hội…Trong khi nhu cầu của độc giả ngày càng lớn về độ nhanh, nhạy, chính xác, thậm chí phải mới lạ, cuốn hút. Chính vì thế, phóng viên phải nắm vững về nghiệp vụ làm báo, sử dụng thành thạo các loại phương tiện tác nghiệp tối thiểu như: máy ảnh, máy quay, máy ghi âm, máy tính và những kỹ thuật cao hơn như: photoshop, dựng phim, kỹ xảo truyền hình… Những nghiệp vụ này tuy không khó, nhưng đòi hỏi các phóng viên phải yêu nghề, tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

Về góc độ nghiệp vụ, ngoài chuyên môn vững, đội ngũ phóng viên phải có cái tâm và lòng nhiệt huyết. Các đơn vị của Quân chủng PK-KQ đóng quân ở 49 trên 63 tỉnh thành, còn lực lượng phòng không lục quân có mặt hầu hết các địa phương trên cả nước. Và ở đâu có lực lượng PK-KQ, thì ở đó có đội ngũ phóng viên Báo PK-KQ đến tác nghiệp. Đặc thù hoạt động của Bộ đội PK-KQ rất đa dạng phong phú, nhiều lĩnh vực trong huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn, hiệp đồng quân binh chủng… Để phản ánh sinh động, kịp thời những hoạt động, những tâm tư, tình cảm của bộ đội, các phóng viên, biên tập viên đã phải đi sâu, đi sát, cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động với bộ đội, từ huấn luyện chiến sĩ mới, sinh hoạt, học tập, diễn tập, bắn ném bom, đạn thật, hội thao, hội thi…

Thiếu tá Vũ Văn Hạ - Phó Tổng biên tập Báo PK-KQ chia sẻ, để hoàn thành được 1 phóng sự, phóng viên phải hòa mình với nhân vật, phải lắng nghe, thấu hiểu và san sẻ với cuộc sống của bộ đội. Chính vì thế nhiều lúc phải mất thời gian cả tháng trời để nghiên cứu đặc điểm tình hình của đơn vị, tính cách nhân vật, rồi các mối quan hệ để làm nổi bật chủ đề, nhân vật mình lựa chọn. Anh cho biết, như tác phẩm “Chuyện của May” đạt giải B trong Liên hoan truyền hình toàn quân năm 2018, anh và đồng nghiệp đã nghiên cứu rất kỹ cuộc sống, sinh hoạt của các đài quan sát phòng không. Sau khi chuẩn bị kịch bản, anh lại cùng cán bộ, chiến sĩ khuân hàng leo lên đỉnh núi nơi Đài quan sát D751 (Tiểu đoàn 10, Sư đoàn 375) đóng quân, cùng ăn ở, sinh hoạt với bộ đội; rồi lên tàu hỏa theo nhân vật ra tận vùng miền núi huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa mới có những thước phim, những tâm tư tình cảm chân thật của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt nhân vật là Đại úy QNCN Đoàn Bá May - Đài trưởng Đài quan sát D751 trong điều kiện làm nhiệm vụ hết sức khó khăn, khắc nghiệt nhưng anh vẫn luôn lạc quan, phấn đấu rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao. Hơn 20 năm cắm chốt, đồng chí May luôn được khen thưởng, trên 10 lần là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…”.

Bộ đội PK-KQ ngoài nhiệm vụ SSCĐ, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: bảo vệ chuyên cơ, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bay đổ bộ cho lực lượng đặc nhiệm, trinh sát… Chính vì vậy, đội ngũ phóng viên cũng luôn sẵn sàng bám sát bộ đội thực hiện nhiệm vụ. Khi có lệnh, cánh phóng viên ngoài quân tư trang cá nhân, lại lỉnh kỉnh bao nhiêu phương tiện tác nghiệp như: Máy ảnh, máy quay, máy tính rồi phương tiện đi kèm như thẻ nhớ, bộ sạc pin, micro phỏng vấn…. Nếu thiếu một thứ thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, nên lúc nào công tác chuẩn bị cũng phải chặt chẽ, kỹ lưỡng. Quá trình tác nghiệp luôn phải nhạy bén, chớp đúng thời cơ mới có những hình ảnh chân thật, sinh động nhất.

Tôi còn nhớ sự kiện dở khóc, dở cười khi cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn bay trên các chuyến trực thăng của Sư đoàn 372 làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu hộ cứu nạn ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam năm 2020. Khi có lệnh, tôi cũng đã chuẩn bị các phương tiện tác nghiệp để sẵn sàng bay cùng lực lượng cứu hộ. Do Quân chủng ưu tiên cho việc chở hàng tiếp tế và lực lượng cứu hộ cứu nạn nên chỉ cho phép 2 phóng viên lên 1 chuyến bay. Ở khu tập kết, tôi đã hiệp đồng với phóng viên Truyền hình Quốc phòng Việt Nam là một người quay phim, một người phụ trách chụp ảnh và biên tập. Tuy nhiên, sau khi bay được một chuyến tiếp tế ở thủy điện Rào Trăng 3, thì người đồng nghiệp kia lại không đi nữa vì lý do đơn vị triệu tập về. Trước tình thế đó, tôi phải vận động mọi khả năng để có những hình ảnh tốt nhất có thể. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã tận dụng điện thoại thông minh và máy ảnh để vừa quay, vừa chụp, vừa phỏng vấn, kịp thời đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng…

Báo PK-KQ lực lượng mỏng, phương tiện tác nghiệp chưa đầy đủ, song để phản ánh kịp thời hoạt động của bộ đội, đưa nhịp sống, hơi thở của người lính PK-KQ đến với độc giả, những phóng viên, biên tập viên luôn nỗ lực cố gắng, “Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng” để tờ Báo luôn là món ăn tinh thần, được cán bộ, chiến sĩ Quân chủng và độc giả trong và ngoài Quân đội yêu quý, đón chờ.

HỮU LỆ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website