Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Quân chủng Phòng không - Không quân
Bài 4: Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo
Thời gian qua, Quân chủng đã chỉ đạo xây dựng các học viện, nhà trường chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, quy trình, phương pháp đào tạo phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực toàn diện; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ mô phỏng, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào công tác GD-ĐT.
Giờ học lý thuyết của học viên đào tạo Kỹ sư hàng không, Học viện PK-KQ. (Ảnh chụp trước 27-4-2021)Đổi mới về quy trình, chương trình, nội dung đào tạo
Bám sát sự chỉ đạo của Cục Nhà trường (BTTM); hằng năm Học viện PK-KQ đều có sự đổi mới nội dung đào tạo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, theo hướng phát triển của sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức, biên chế, trang bị, vũ khí của Quân chủng và Quân đội. Đại tá, TS Tạ Văn Trung - Phó Giám đốc Học viện PK-KQ chia sẻ: Trong chương trình đào tạo, tùy từng đối tượng đào tạo mà Học viện xây dựng chương trình phù hợp, đào tạo theo hướng chuyên sâu, bám sát theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo bảo đảm tính liên thông giữa đào tạo theo học vấn và đào tạo theo chức vụ, không để trùng lặp các môn học ở các bậc học. Học viện thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh chương trình môn học, thống nhất về tên gọi và quy cách; điều chỉnh thời lượng, nội dung phù hợp. Đồng thời xin ý kiến của các chuyên gia, lấy ý kiến phản hồi của cựu học viên cũng như ý kiến tham khảo của các đơn vị trong Quân chủng, Quân khu, Quân đoàn để bổ sung, điều chỉnh chương trình giáo dục bảo đảm sát với thực tiễn huấn luyện và chiến đấu của đơn vị. Bên cạnh đó, Học viện xác định lấy dạy học tích cực làm chính, người học làm trung tâm; chủ động mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV, CBQLGD); tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy và học; đổi mới phương pháp học tập của học viên theo hướng chủ động nâng cao chất lượng tự học, phát huy tính độc lập, sáng tạo của học viên.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong quá trình đào tạo, Trường SQKQ đã đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn đầu ra, bảo đảm đúng đối tượng, sát thực tế đơn vị. Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường SQKQ cho biết: Đối với đào tạo phi công quân sự, việc đổi mới quy trình, chương trình đào tạo phải phù hợp với đặc điểm trang bị khí tài và khả năng bảo đảm các mặt trong tình hình hiện nay, đồng thời phải phù hợp với trang thiết bị, khí tài, máy bay thế hệ thứ 4, thứ 5 và tương lai. Do đó, Trường đã xây dựng quy trình, chương trình đào tạo phi công quân sự thời gian thực hiện từ 4 năm lên 5 năm. Đối với đào tạo nhân viên CMKT, Nhà trường đổi mới nội dung chương trình đào tạo từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư số 03 của Bộ LĐTB&XH; Hướng dẫn số 106 của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp kỹ thuật hàng không. Kết hợp với đổi mới quy trình, chương trình, Trường đã tổ chức lựa chọn các nội dung giảng dạy sát với thực tiễn, gắn với các đặc điểm hoạt động của đơn vị không quân, học viên được đào tạo một cách toàn diện cả về kiến thức và năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ khi ra trường.
Xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục
Đối với Trường SQKQ, đội ngũ GV, CBQLGD không chỉ là nhà sư phạm, mà còn là người lãnh đạo, chỉ huy, người quản lý mọi hoạt động của học viên; người trực tiếp truyền thụ tri thức khoa học, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội, kinh nghiệm tiến hành các hoạt động bay quân sự; là người trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng phẩm chất tốt đẹp cho học viên. Chính vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường SQKQ đã quan tâm xây dựng chuẩn từng chức danh và quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, trong đó có đội ngũ GV, CBQLGD chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc giữa các thế hệ cán bộ. Các nguồn kế cận, kế tiếp của từng vị trí chức danh đều bảo đảm chất lượng tốt, cơ cấu, độ tuổi phù hợp. Đại tá Lại Công Hoan - Phó Hiệu trưởng Huấn luyện-Đào tạo, Trường SQKQ nhấn mạnh: Nhà trường đã tích cực bồi dưỡng, tăng cường điều động lực lượng giảng viên cho các khoa, bảo đảm đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, NCKH, cử đi đào tạo, bồi dưỡng cũng như thực tế các chức danh chỉ huy, quản lý ở các đơn vị. 100% giảng viên được bồi dưỡng kiến thức sư phạm, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đội ngũ giảng viên của Trường có 100% giảng viên đạt trình độ đại học trở lên, sau đại học đạt 47,07%, trong đó tiến sĩ là 4,0%. Hiện GV, CBQLGD có 36,6% sử dụng thành thạo phần mềm chuyên dụng, 18,6% sử dụng thành thạo công nghệ mới, 33% sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Nằm trong lộ trình xây dựng các học viện chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại; những năm qua, Học viện PK-KQ xác định xây dựng đội ngũ GV, CBQLGD theo hướng chuẩn hóa là khâu đột phá, quyết định, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo (GD, ĐT). Thiếu tướng Bùi Đức Thành - Chính ủy Học viện PK-KQ, cho biết: “Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện PK-KQ lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định: Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ GV, CBQLGD đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực toàn diện; có trình độ học vấn tương xứng bậc giảng dạy; phối hợp với các học viện, nhà trường bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, kinh nghiệm trong giảng dạy, NCKH. Trên cơ sở kiện toàn lại tổ chức biên chế của Học viện PK-KQ, năm 2020, Học viện đã có kế hoạch kiện toàn đội ngũ GV, CBQLGD đủ số lượng, cơ cấu hợp lý; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ GV, CBQLGD đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quy hoạch đội ngũ GV, CBQLGD bảo đảm tính vững chắc, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, gắn việc điều động, bổ nhiệm, lựa chọn đi đào tạo với bồi dưỡng nguồn kế cận, kế tiếp; tập trung lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ GV, CBQLGD có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH”.
Xây dựng, phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra bước đột phá về chất lượng GD&ĐT, NCKH, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đồng thời, qua đó tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của các học viện, nhà trường Quân chủng trong hệ thống giáo dục quốc gia và quốc tế.
>>> Bài cuối: Tạo điều kiện mọi mặt để thu hút nguồn nhân lực
NGUYỄN THÀNH TRUNG