20 giờ:31 phút Thứ bảy, ngày 1 tháng 10 , 2016

Hai cha con cùng hội ngộ ở Trường Sa

Có lẽ, không nhiều người trong số chúng ta có đến 5 lần theo tàu Hải quân ra thăm bộ đội và nhân dân ở Trường Sa như Thượng tá Phạm Nam Yến - Phóng viên Tạp chí Phòng không - Không quân. Với chị, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đặc biệt sâu sắc. Nhưng ấn tượng nhất, khó quên nhất là hải trình cùng với Đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) trên tàu Kiểm ngư 781 vào tháng 5-2015. Trong chuyến đi này, chị đã bất ngờ khi gặp chính cha ruột của mình tại đảo Trường Sa Lớn.

Hai cha con cùng hội ngộ ở Trường Sa
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan và con gái tại Đảo Trường Sa Lớn.

Cha chị là Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan - Anh hùng LLVT nhân dân. Ông không chỉ là người đánh trận mở màn, cùng Biên đội “Lan - Túc - Quỳ - Phương” làm nên chiến thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam ngày 3 và 4-4-1965 mà còn là một trong những người tổ chức cho Phi đội Quyết Thắng dùng máy bay A37 của địch ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ông đã 3 lần được gặp Bác Hồ và được tặng thưởng gần 20 huân, huy chương chiến công các loại.

Ngày 30-5-2015, khi đã tròn 81 tuổi, ngay sau chuyến xuyên Việt trở lại chiến trường xưa kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan đã hào hứng cùng Đoàn công tác của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân ra thăm đảo Trường Sa Lớn trên máy bay DHC-6 của Quân chủng Hải quân.

Thượng tá Phạm Nam Yến nhớ lại: “Sáng sớm 30-5, sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng đảo Trường Sa Lớn cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Mặt trời nhô lên đỏ au tựa chiếc mâm vàng, mặt biển bừng sáng, cũng là lúc tàu KN-781 thả neo. Tiếng loa “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” vang vọng. Khi đang nhoài người nâng máy ảnh chụp cảnh bình mình trên biển, tôi bất ngờ nhận được thông báo: Trên chuyến máy bay ra thăm Trường Sa Lớn hôm nay sẽ có cả ba tôi. Lúc đó với tôi là cả sự bấn loạn, vỡ òa với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Tôi luýnh quýnh không biết làm cái gì trước, cái gì sau và phải đón ba như thế nào nữa.

Khoảng 8 giờ sáng, đoàn công tác của tôi đã cùng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn xếp thành đội hình đón đoàn công tác trên chiếc máy bay DHC-6 chuẩn bị hạ cánh. Muốn lưu lại những khoảnh khắc quý từ khi ba bước xuống máy bay rồi đặt chân lên đường băng của đảo Trường Sa Lớn nên tôi đã đứng tách hẳn ra, chọn vị trí đẹp và chuẩn bị sẵn máy ảnh. Cảm xúc sung sướng đến tột cùng khi thấy ba cùng các bác vui vẻ tươi cười, bắt tay các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Rồi ba cũng nhận ra tôi, hai ba con ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động khó tả. Như mọi người cha bình thường khác, ông quay ra giới thiệu “Đây là con gái tôi” với ánh mắt và giọng nói đầy yêu thương, trìu mến. Tôi ríu rít bên ba, cùng ba đi thắp hương đài liệt sĩ, nhà thờ Bác Hồ, thăm ngôi chùa tĩnh lặng và trò chuyện với bộ đội trên đảo Trường Sa. Trong niềm tự hào không cần giấu giếm, tôi dẫn ba lên cả tàu KN-781, giới thiệu ba với tất cả anh chị em cùng chuyến công tác, với anh em thủy thủ đoàn. Vui nhất là khi ba được anh em bầu làm “thuyền trưởng”, đôi mắt ông bỗng sáng lên, rạng rỡ nụ cười. Sau chuyến đi này, tôi đã đem lá cờ Tổ quốc bạc màu nắng gió ở Trường Sa đem tặng lại Bảo tàng PK-KQ. Đó cũng là kỷ vật quý giá mà hai cha con tôi có được trong chuyến đi này”.

Trung tá Nguyễn Huy Lương - Nguyên Đội trưởng Đội Bảo đảm Sân bay Trường Sa chia sẻ với chúng tôi: Hai cha con bác Phạm Ngọc Lan hội ngộ tại Trường Sa là khoảnh khắc xúc động, khó quên. Cả 2 đoàn công tác hôm ấy đều thấy rưng rưng khi chứng kiến 2 người lính - 2 cha con cùng chụp chung tấm hình kỷ niệm bên cột mốc thiêng liêng giữa trùng dương cuộn sóng. Cuộc hội ngộ hiếm hoi này đã khiến tôi nhận ra một điều giản dị, rằng Trường Sa luôn ở trong mỗi con người theo cảm nhận riêng.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website