9 giờ:51 phút Thứ sáu, ngày 28 tháng 1 , 2022

Bên trận địa “rồng lửa”

Mỗi lần đến thăm Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng PK-KQ lại dâng trào cảm xúc về những ngày bên trận địa “rồng lửa” chiến đấu với không quân địch.

Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội vào tháng 12-1972, khi các tiểu đoàn khác trong Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ đã lập được chiến công thì Tiểu đoàn 57, một đơn vị được mệnh danh đánh nhiễu tốt, vẫn chưa bắn được chiếc B-52 nào.

Với quyết tâm thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ: Mỗi quả đạn diệt 1 máy bay địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn hăng say luyện tập, rút kinh nghiệm và chỉ với 2 lần phóng đã tiêu diệt được 2 máy bay B-52 địch (một chiếc rơi tại chỗ).

Bên trận địa “rồng lửa”
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt và chắt nội thăm Bảo tàng Phòng không-Không quân, năm 2021. 

Giọng ông trầm xuống khi kể về đồng đội. Hồi đơn vị đóng quân ở Đông Anh, nhờ làm tốt công tác dân vận nên ông và một số cán bộ Tiểu đoàn 57 đã mai mối cho đồng chí Trần Đức Thắng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 94 với cô Đỗ Thị Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh khi ấy. Đám cưới quân-dân được tổ chức ngày 17-12-1972 thì hôm sau, 18-12, chiến dịch 12 ngày đêm bắt đầu.

Đồng chí Thắng phải lập tức ra trận địa chiến đấu, 9 ngày sau thì hy sinh. Từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, bà Nhàn vẫn ở vậy thờ chồng. Hằng năm, vào dịp Tết, bà lại lặng lẽ bắt xe về Thái Bình thăm mẹ chồng và giỗ người chồng mới kịp cho bà một ngày làm vợ.

Đã đi qua bao mùa xuân của đất nước, ấn tượng nhất đối với Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt là lần đầu ông vừa đánh giặc, vừa đón Tết ở miền Trung. Tham gia bảo vệ bầu trời Thủ đô đến ngày 29-12-1972, kíp chiến đấu của ông nhận lệnh cơ động vào Nghệ An. Cả năm đánh giặc gian khổ, thường xuyên ăn đói, mặc rét, 3 ngày Tết được Nhà nước và quân đội bảo đảm tiêu chuẩn thịt, bánh chưng, mứt, bánh kẹo, lại được tổ chức hái hoa dân chủ và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong lều bạt dã chiến nên ai cũng cảm thấy ấm lòng.

Để tăng thêm tình đoàn kết quân dân, đơn vị ông tổ chức đội văn nghệ vừa để phục vụ tại chỗ, vừa đi biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhờ chất giọng hay, ông Phiệt là một hạt nhân của đội. Tiếng là đội văn nghệ cấp đại đội nhưng cũng rất hoành tráng. Trong bộ quân phục nhuốm mùi thuốc súng, đội văn nghệ đi khắp các xã, giao lưu và hát phục vụ nhân dân, được bà con vui mừng chào đón. Có cô gái địa phương khi nghe giọng hát của ông đã đem lòng yêu mến.

Nhắc lại chuyện xưa, ông mỉm cười chia sẻ: “Khi cô gái ấy ngỏ lời, tôi giải thích mình đã lập gia đình, nhưng cô ấy vẫn không tin. Chỉ đến khi theo về tận quê tôi ở Hưng Yên, gặp vợ tôi, cô mới tin đó là sự thật. Sau đó, hai người phụ nữ nói chuyện, tâm sự với nhau và thỏa theo ước vọng, vợ tôi nhận cô ấy làm chị em kết nghĩa”.

Giờ đây, đã sang tuổi 83 nhưng Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở Trung tâm Nhân đạo Hồng Đức (Hà Nội), giúp đỡ các cháu khuyết tật và những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Được đem lại niềm vui cho người nghèo, trong đó có những đôi trẻ tàn tật đến được với nhau, nên duyên chồng vợ, ông cảm thấy mình vẫn có ích cho cuộc đời, vẫn là một nhành xuân không có tuổi.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website