18 giờ:22 phút Thứ tư, ngày 12 tháng 10 , 2016

Thầm lặng lính công binh thời bình:

Kỳ 1: Gian nan và lẽ sống

23 giờ đêm 5-9-2016, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 28, nòng cốt là Đại đội 10, Tiểu đoàn 31 vẫn tất bật với những mẻ bê tông cho con đường mới ở Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ. Mặc dù trời đang gầm gừ đổ mưa, họ vẫn thoăn thoắt, lặng lẽ dưới ánh đèn đêm vì nhiệm vụ.

 Gian nan

Nhận được cuộc điện thoại của Đại tá Phạm Đức Dũng - Trưởng Phòng Tuyên huấn, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn 28 vào đêm muộn, khi anh cho biết, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 28 vẫn đang làm đường trong mưa đêm… những kí ức về những ngày tôi được cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị này trên một số cung đường đất nước lại ùa về. Thế là tôi khoác máy ảnh, ra nơi công trường họ đang thi công.

Kỳ 1: Gian nan và lẽ sống
Chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 31 thi công Công trình
Nhà xe Bộ Tham mưu Quân chủng.

Gạt giọt nước mưa vấn vít trên mặt, Thượng tá Đoàn Văn Liêm - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, Chỉ huy trưởng công trình, tâm sự: “Nếu làm ban ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, làm việc của các phòng, ban, cơ quan, hơn nữa xe và phương tiện vào cũng không tiện nên anh em tranh thủ làm đêm. Làm đêm có vất vả hơn, nhưng anh em xác định nhiệm vụ chung là quan trọng, cách làm nào hợp lý nhất thì làm, nên không cán bộ, chiến sĩ nào phàn nàn…”.

 Rồi từ dòng chảy truyền thống thân thuộc trong huyết mạch, anh Liêm phác thảo lại những nét khó khăn đặc trưng của Lữ đoàn: “Bên cạnh các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ quốc phòng - an ninh như đường tuần tra biên giới, sân bay, bến, bãi, hầm, ụ… thì nhiệm vụ rà phá bom mìn, tham gia xử lý chất độc đi-ô-xin sau chiến tranh khá nặng nề và chúng tôi luôn phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí là hy sinh. Nhưng dù ở trong lòng núi, biên cương hay hải đảo xa xôi, người chiến sĩ công binh vẫn luôn đoàn kết, quyết mang trí, lực, sẵn sàng xông pha để thực hiện và thực hiện tốt các nhiệm vụ”.

Nhìn những giọt mồ hôi xen lẫn nước mưa bóng nhoáng trên những khuôn mặt đen nhẻm mới thấu hiểu hết sự vất vả của người lính công binh. “Thế này có thấm vào đâu phóng viên ơi! Có nhiều khi thi công trong hầm, không khí làm việc ngột ngạt đến mức nếu là người lần đầu đến đó chỉ cần đứng vài phút là cảm giác chóng mặt, khó thở. Vậy mà chúng tôi vẫn phải làm việc từ 8-10 tiếng mỗi ngày với cường độ cao. Chưa kể cả sự hiểm nguy luôn rình rập từ những đợt phá đá nổ mìn, từ vách núi cao thăm thẳm, hoặc những phiến đá khổng lồ chênh vênh trên dốc núi…” -  Đại úy Vương Quốc Đạt - Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 31 cho biết.

Và lẽ sống 

Khi tôi tìm hiểu cách khắc phục những khó khăn, thách thức của Lữ đoàn, Đại tá Nguyễn Duy Cấn - Chính ủy Lữ đoàn 28 cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn đặc thù luôn đeo đuổi, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn qua các thời kỳ luôn xác định, phải triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trước đây là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện hiệu quả vấn đề này sẽ tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Trong phút giải lao ít ỏi, tôi ngồi trò chuyện với chiến sĩ Đại đội 10. Binh nhì Nguyễn Minh Trường, sinh năm 1997, quê Yên Dũng, Bắc Giang chia sẻ chân thành: “Em cưới vợ năm ngoái và đã có con nhỏ. Những ngày đầu mới về đơn vị và làm nhiệm vụ đại loại như thế này, ngoài nỗi nhớ vợ, thương con, bản thân em cũng có chút phân vân. Nhưng rồi, những phân vân ấy cũng qua nhanh khi cán bộ các cấp gần gũi, hỏi han, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chúng em. Qua chỉ huy và tìm hiểu thực tiễn, chúng em ý thức được rằng, nhiệm vụ nào cũng đều có khó khăn riêng và đều cao cả nếu ta làm tốt. Người khác làm được mình cũng phải làm được. Mình không làm thì ai sẽ làm? Thế là anh em động viên nhau, yên tâm làm nhiệm vụ và gắn bó với đơn vị, tất cả vì nhiệm vụ chung”. Tiếp nối cảm xúc của Trường, Binh nhất Trần Quang Thành nói nhè nhẹ mà lòng tôi rung động: “Chúng em mỗi người một quê, một hoàn cảnh riêng. Nhưng giờ chúng em coi đơn vị như mái nhà chung của mình. Con người ta có quan điểm sống khác nhau, nhưng anh em chúng em đã hứa với nhau, phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình trong những tháng ngày quân ngũ. Đó là sống, làm việc tử tế với mình, với đồng đội mình, với công việc mình được giao, với đơn vị có bề dày truyền thống mà bao thế hệ đã làm nên, gìn giữ…”. Tôi bảo Thành nói như “ông cụ” ấy, Thành xa xăm: “Bố em mất năm em lên 6 tuổi. Cuộc sống của em vất vả, thiệt thòi, nhưng mẹ em và cuộc sống dạy em nhiều điều và em nghĩ, sống tử tế thì bao giờ lòng cũng thanh thản và nhẹ nhàng hơn…”. Chúng tôi đều im lặng. Trong bóng tối, lòng tôi bừng rạng trong ánh mắt  và những cái gật đầu tán thưởng của những người lính trẻ. Tôi lặng im đợi họ hoàn thành mẻ bê tông mới để tiếp tục câu chuyện.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 2: Khi cán binh “3 cùng”

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website