9 giờ:6 phút Thứ năm, ngày 10 tháng 3 , 2022

“Ông chủ gánh hát rong”

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi gặp Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng và được nghe chia sẻ nhiều kỷ niệm thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng.

Từ “điểm hẹn” Điện Biên Phủ...

Đồng chí Vũ Xuân Vinh (1923-2012) quê ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm 1944, tốt nghiệp tú tài Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An), ông tích cực hoạt động thanh niên cứu quốc và từng bị kẻ địch bắt giam. Thoát khỏi nhà tù đế quốc, ông trở về quê tham gia khởi nghĩa giành chính quyền rồi làm chủ tịch ủy ban hành chính xã. Sau đó, ông được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khóa 1.

Năm 1954, ông là Tham mưu trưởng Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiều 7-5-1954, đơn vị ông thọc sâu vào khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm. Trung tướng Vũ Xuân Vinh kể: “Khi còn cách hầm tướng De Castries vài trăm mét, tôi gặp nữ y tá Genevieve Degala khi cô đang chăm sóc thương binh ngay dưới chiến hào. Thấy tôi mang khẩu súng ngắn, đoán là chỉ huy nên cô đề nghị xin được mang thương binh lên khỏi chiến hào để họ hít thở bầu không khí trong lành. Sau này tôi được biết, khi trả lời báo chí, cô đã kể lại sự việc trên và nói rằng, nếu biết trước được lòng khoan dung của Cụ Hồ, quân đội và nhân dân Việt Nam thì cô đã xin làm tù binh sớm hơn!”.

“Ông chủ gánh hát rong”

Cuốn cách đánh B-52 hiện đang được trưng bày và lưu giữ

tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Ảnh chụp lại

Tháng 7-1954, trong khi ở Thụy Sĩ, cuộc đấu trí trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneva đang diễn ra thì ở trong nước, Hội nghị quân sự Trung Giã bàn về trao trả tù binh và việc thực thi Hiệp định Geneva cũng được tổ chức. Phái đoàn ta do đồng chí Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Do giỏi tiếng Pháp, lại từng trực tiếp chiến đấu nên đồng chí Vũ Xuân Vinh được triệu tập làm sĩ quan liên lạc kiêm thư ký trong phái đoàn của ta. Là phiên dịch cho hội nghị này, có thời gian gần hai tháng làm việc cùng đồng chí Vũ Xuân Vinh từ khi làm công tác chuẩn bị hội nghị, Đại tá Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ từng nhận xét: “Anh Vinh là người quân sự nhưng khi làm công tác ngoại giao cũng rất chuyên nghiệp, khôn khéo. Các ý kiến của anh hầu như đều được đồng chí trưởng đoàn tiếp thu, ủng hộ”.

... Đến “ông chủ gánh hát rong”

Hoàn thành nhiệm vụ tại Hội nghị quân sự Trung Giã, đồng chí Vũ Xuân Vinh trở lại Trung đoàn 36 một thời gian rồi đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh, sau đó sang Liên Xô đào tạo chuyên ngành tên lửa tại Học viện Pháo binh tên lửa Leningrad. Ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị ở các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) với những đóng góp quan trọng. Đặc biệt, Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” kết thúc thắng lợi có phần đóng góp không nhỏ của Phó tham mưu trưởng quân chủng Vũ Xuân Vinh trong vai trò chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng tài liệu và tổ chức huấn luyện cách đánh B-52 cho bộ đội PK-KQ.

Còn nhớ, khoảng tháng 4-1972, Mỹ đưa máy bay B-52 tăng cường đánh phá Quảng Bình và một số địa phương ở Khu 4. Đồng chí Vũ Xuân Vinh báo cáo, đề nghị Bộ tư lệnh PK-KQ thành lập lực lượng nghiên cứu khắc phục cách đánh của bộ đội tên lửa để “nhất định bắn rơi máy bay B-52”. Sau đó, ông được giao phụ trách Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 và tổ chức huấn luyện cho bộ đội. Những sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu, như: Nguyễn Sinh Huy, Tô Ngội, La Văn Sàng, Vũ Lai Trường, Nguyễn Xuân Minh, Quách Hải Lượng, Trần Xanh, Hoàng Bảo... tham gia tổ biên soạn được yêu cầu phải gấp rút hoàn chỉnh tài liệu (đã được chuẩn bị từ năm 1968) về cách đánh B-52 cho bộ đội tên lửa với những cập nhật mới. Cuốn “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” hay còn gọi là “Cẩm nang bìa đỏ” dày 30 trang đánh máy, in rô-nê-ô trên những tờ giấy giang đen sạm, thô sơ với một tờ bìa màu đỏ bọc ngoài ra đời sau đó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Hồi tưởng những năm tháng ấy, Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ, thành viên tổ biên soạn cuốn sách từng kể với chúng tôi: “Anh Vinh là người có kiến thức sâu rộng, lại có tính kế hoạch cao và chỉ đạo sát sao. Không kể ngày đêm, anh thường xuyên đến kiểm tra công việc của tổ, đồng thời yêu cầu chúng tôi tranh thủ ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng. Kết quả áp dụng thực tế thành công, quân chủng tiếp tục giao cho anh phụ trách lực lượng trực tiếp đến huấn luyện bổ sung cho các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội. Chúng tôi vẫn nói vui là “gánh hát rong” của ông chủ Vũ Xuân Vinh là vì thế!”.

Và những dấu ấn ngoại giao quốc phòng

Nửa thế kỷ trong quân ngũ, Trung tướng Vũ Xuân Vinh kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng có lẽ để lại nhiều dấu ấn nhất là 15 năm ông làm Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại (nay là Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng).

Ngày 5-1-1980, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định bổ nhiệm Đại tá Vũ Xuân Vinh-Chủ nhiệm Khoa Phòng không, Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng) giữ chức Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại. Đây cũng là giai đoạn đặc biệt của nước ta, bởi tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc còn rất phức tạp. Với bản lĩnh của người chỉ huy cơ quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại, đồng chí Vũ Xuân Vinh đã cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Cục Liên lạc đối ngoại triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, góp phần khẳng định vị trí trọng yếu của đối ngoại quốc phòng trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. “Mỗi khi tiếp đoàn khách quốc tế, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh thường kể chuyện chiến đấu của quân, dân ta trong kháng chiến hay những câu chuyện về đối ngoại quốc phòng của các danh nhân Việt Nam qua các thời kỳ. Qua đó, ông muốn truyền đi thông điệp, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai”-Thiếu tướng Lê Văn Cầu, nguyên Phó cục trưởng Cục Đối ngoại, từng có nhiều dịp làm thư ký, phiên dịch cho Cục trưởng Vũ Xuân Vinh trong nhiều chuyến công tác, kể với chúng tôi.

“Ông chủ gánh hát rong”

Đồng chí Vũ Xuân Vinh (ngoài cùng, bên trái, hàng đầu) cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng

trong một lần tiếp tùy viên quân sự các nước (năm 1989).  Ảnh tư liệu

Trong công tác nội bộ, đồng chí Vũ Xuân Vinh đặc biệt quan tâm đến xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đề án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, từ năm 1980, ngoài gửi cán bộ đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài nước, ông còn chỉ đạo tăng cường mở các lớp bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Bản thân ông dù thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga nhưng luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học, nâng cao trình độ. Mỗi khi có dịp đi công tác nước ngoài, ông đều bố trí thời gian đến các hiệu sách nổi tiếng để tìm mua các xuất bản phẩm mới bằng hai ngôn ngữ nói trên.

Những cộng sự của Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đều có chung cảm nhận, ông là vị tướng quyết đoán, đồng thời cũng là nhà ngoại giao xuất sắc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã ghi dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn mới trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Với chính sách đó, nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung, đối ngoại quân sự nói riêng hết sức nặng nề. Chúng ta cùng một lúc phải phá cho được “tảng băng” bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây; tạo lập môi trường hòa bình, ổn định với các nước trong khu vực và trên thế giới, vừa phải từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới... Trước những vấn đề đặt ra, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh đã tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ký một số hiệp định, hiệp ước hợp tác với quân đội các nước.

Đầu tiên là mở đột phá trong quan hệ với Ấn Độ-một nước lớn ở châu Á; Indonesia ở Đông Nam Á. Từ đó, các nước trong khu vực bắt đầu xây dựng mối quan hệ quốc phòng với ta. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Thiếu tướng Lê Văn Cầu nhớ lại: “Đầu thập niên 1990, quan hệ quân sự, quốc phòng của ta với một số nước như Mỹ và các nước phương Tây rất phức tạp, nhạy cảm. Thủ trưởng Vinh đã đề xuất phối hợp thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước đấu tranh đòi Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với ta. Sau nhiều lần đàm phán, cục đã giúp bộ tổ chức cuộc gặp giữa Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam với đoàn của tướng John Vessey (hai lần) và đoàn thượng nghị sĩ John Kerry sang bàn về việc chuyển từ vấn đề POW (tù binh chiến tranh) sang MIA (người mất tích trong chiến tranh). Hai bên đã đạt được thống nhất chung về nội dung này, sau đó còn chuyển sang nhiều hoạt động nhân đạo như chương trình phẫu thuật nụ cười với những ca đầu tiên được thực hiện ở các bệnh viện của Quân đội ta”.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website