Nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật tại Nhà máy A29
Bài cuối: Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Những năm qua, Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy A29 xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; góp phần tăng năng suất lao động, giảm thời gian, nhân công, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực sửa chữa khí tài trang bị.
Các kỹ sư Nhà máy A29 trao đổi kinh nghiệm về đề tài nghiên cứu khoa học.Hằng năm, Nhà máy A29 tiếp nhận và cơ động đi sửa chữa nhiều loại VKTBKT từ các đơn vị trong Quân chủng đã qua nhiều năm sử dụng, cường độ hoạt động cao nên thường xuyên phát sinh hư hỏng, thiếu đồng bộ; vật tư, linh kiện thay thế khan hiếm, trong khi kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ sửa chữa còn hạn chế. Do vậy, Nhà máy xác định đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là biện pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đại tá Đỗ Văn Huy - Giám đốc Nhà máy cho biết: “Thời gian qua, Nhà máy tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật về vị trí, vai trò của Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; thường xuyên khảo sát, thống kê những hỏng hóc đặc trưng, những chủng loại vật tư khan hiếm... để định hướng công tác nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc trên cơ sở nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, nhân viên đăng ký, triển khai thực hiện đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; đồng thời phân công cán bộ hướng dẫn và tạo điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong thực hiện Phong trào, Nhà máy lựa chọn các cán bộ, kỹ sư đầu ngành làm nòng cốt; lấy chất lượng, hiệu quả công tác này làm cơ sở đánh giá, bình xét thi đua hằng năm; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích cao để tạo động lực, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho bộ đội”.
Từ cách làm trên, từ năm 2015 đến nay, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thành công hàng trăm mô đun, mảng mạch điện tử của khí tài thế hệ mới như Tên lửa C300-PMU1, C125-2TM, Ra đa 36D6M1...; sửa chữa, phục hồi nhiều linh kiện, vật tư phục vụ sửa chữa khí tài và cung cấp cho các đơn vị, góp phần khắc phục khó khăn về vật tư thay thế, chủ động trong công tác sữa chữa, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm lợi cho ngân sách hàng tỷ đồng.
Tiêu biểu trong Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của Nhà máy trong những năm qua là đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo thành công nhiều vật tư kỹ thuật thay thế thuộc khí tài tên lửa phòng không cải tiến C125-2TM. Tiêu biểu như các mô đun YB-56-2TM-M và YB-57-2TM-M do Thiếu tá Phan Thanh Đức - Trưởng Phòng Kỹ thuật và Thiếu tá Nguyễn Hào Hùng - Trợ lý Phòng Kỹ thuật thực hiện, đã đạt giải nhất trong tham gia Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng năm 2019. Mô đun YB-56-2TM là mô-đun điều chế lệnh điều khiển tên lửa và xung hỏi. Còn Mô đun khuếch đại công suất sơ bộ YB-57-2TM nằm trong thành phần an ten phát lệnh YB-12-2TM. Cả hai mô đun đều thuộc hệ thống máy phát lệnh vô tuyến УПК, làm việc ở tần số cao tần. Mỗi tổ hợp C125-2TM đều sử dụng đồng thời hai mô-đun này, nhưng một bộ ZIP (sử dụng cho 3 tổ hợp) chỉ có một mô-đun dự phòng nên hiện nay một số ZIP dự phòng đã hết. Việc mua bổ sung mới vào các ZIP nhóm gặp nhiều khó khăn do giá thành cao, không chủ động; bên cạnh đó, việc sửa chữa, khắc phục các mô đun tại đơn vị không thể thực hiện do thiếu trang thiết bị kiểm tra cần thiết và không có sẵn nguồn vật tư thay thế dự phòng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo đảm kỹ thuật cho khí tài trực ban SSCĐ tại đơn vị. Từ yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm khí tài cho các đơn vị, Nhà máy A29 đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo mới các mô-đun có chức năng tương đương mô đun YB-56-2TM và YB-57-2TM nhằm tạo ra nguồn vật tư thay thế kịp thời, bảo đảm tốt khí tài tên lửa cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị; đồng thời từng bước làm chủ công nghệ khí tài C125-2TM, hạn chế sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Đại tá Trương Đắc Tuấn - Phó Giám đốc Nhà máy cho biết, tiếp nối thành công đó, năm 2020, Nhà máy tiếp tục nghiên cứu, thiết kế chế tạo một số loại mô-đun cho khí tài cải tiến, nổi bật là 3 loại mô-đun gồm: Mô-đun kênh xung định pha YB-24-702-M; Mô-đun tự động điều chỉnh điện áp sợi đốt ma-nhê-trôn YB-211-2TM và Mô-đun thu phát tín hiệu RS-422 YЛ-41-2TM-M thuộc khí tài tên lửa phòng không C125-2TM. Cả 3 sáng kiến đều đạt giải nhì trong tham gia Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng năm 2021. Hiện nay, Nhà máy đang tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu, thiết kế chế tạo nhiều mô đun, vật tư kỹ thuật thay thế, bảo đảm cho khí tài TLPK C125-2TM như: Cụm 1 của khối điều chỉnh tự động tần số Ma-nhê-trôn YB-24-2TM; Mô đun tạo dao động ngoại sai YB-343-2TM; Mô-đun đo và hiển thị tần số - công suất dao động ngoại sai ИЧ-4-M và Mô đun tạo giả tín hiệu tên lửa ИЧ-4-M...
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Đại tá Bùi Quang Vinh - Chính ủy Nhà máy khẳng định, Nhà máy xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm cho hoạt động này trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, khơi dậy và phát huy tiềm năng, sáng tạo của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, đột kích vào một số lĩnh vực khoa học công nghệ mới như: Khai thác, làm chủ các giá thử công nghệ cao đã và đang được đầu tư trang bị cho Nhà máy; nghiên cứu mở rộng tính năng của hệ thống các giá thử phục vụ quá trình sửa chữa, hiệu chỉnh khí tài... Qua đó, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, khai thác, vận hành hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ sửa chữa VKTBKT, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị trong tình hình mới.
CÔNG GIANG, ĐỨC LƯU