Yak-130 - máy bay đa năng của Không quân Nga
Năm 2002, Không quân Nga (nay là lực lượng Không quân vũ trụ Nga) nhận vào biên chế “máy bay phản lực huấn luyện chiến đấu” Yak-130 đầu tiên. Hiện nay, Yak-130 có vai trò chính là phương tiện đào tạo phi công trước khi họ chuyển lên các dòng máy bay chiến đấu chủ lực. Ngoài ra, Yak-130 còn có nhiều tính năng khác rất có ích trong chiến tranh phòng ngự.
Hiện tại, Yak-130 là máy bay huấn luyện chính cho phi công trước khi chuyển loại sang các loại máy bay hiện đại của Không quân vũ trụ Nga như Su-30SM, Su-35 và tương lai là MiG-35, Su-57. Tổ bay 2 người với thiết kế buồng lái hiện đại, tương đương với các máy bay chiến đấu chủ lực. Máy bay có khối lượng cất cánh tối đa chỉ 9 tấn (so với Su-30 là 34 tấn), tải trọng vũ khí 3 tấn gồm súng máy, bom, tên lửa không-đối-không hoặc không-đối-đất. Bán kính chiến đấu 550km, có thể xa hơn nếu mang thùng dầu phụ. Nga dự kiến sẽ trang bị 200-300 máy bay Yak-130.
Năm 1992, Viện Nghiên cứu Yakovlev đã liên kết với Công ty Hàng không Alenia Aermacchi (Italia) cùng chế tạo một mẫu máy bay huấn luyện cho Không quân Nga. Yakovlev cung cấp thiết kế hình dạng máy bay và Aermacchi được quyền tùy biến trang thiết bị để chào hàng cho các nước phương Tây. Sản phẩm của Aermacchi có định danh M346, hiện nay được không quân Italia, Israel và Singapore sử dụng.
Vai trò chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, không phận của không quân được chú trọng hàng đầu. Trước kia, các loại máy bay chiến đấu có nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện trên không, trên biển và trên bộ của đối phương được phân biệt rõ ràng. Điều này khiến lực lượng không quân phải duy trì nhiều loại máy bay, khiến công tác hậu cần, bảo dưỡng, đào tạo gặp nhiều khó khăn. Các quốc gia có nền khoa học hàng không phát triển đều tìm cách “đa năng hóa” máy bay, có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ khi cần.
Một trong những giải pháp để tổng hòa các yếu tố trên là dòng tiêm kích đa năng nhỏ, nhẹ, có thể hoạt động trong mọi điều kiện và phù hợp với những nhiệm vụ không cần sử dụng máy bay lớn.
Yak-130 có thể đảm đương vai trò tấn công mặt đất với khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và chi phí thấp. Chiến thuật trên đã được sử dụng hiệu quả bởi quân đội Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tấn công các vị trí của phát-xít Đức bằng máy bay cánh quạt Po-2 làm từ gỗ và vải, gây ra thiệt hại lớn và áp lực tâm lý nặng nề cho kẻ thù.
Với tốc độ tối thiểu chỉ 165km/giờ, Yak-130 có khả năng bay thấp bám địa hình tốt, vốn là đặc tính quan trọng của máy bay cường kích. Viện Nghiên cứu Yakovlev cũng đã phát triển một phiên bản chú trọng cường kích, định danh Yak-131, có thêm thiết bị đo xa và dẫn đường bằng laser. Yak-130 được vũ trang sẽ là giải pháp tối ưu về chi phí, phản ứng nhanh trong trường hợp cần chi viện hỏa lực bằng không quân. Vũ khí máy bay mang theo có thể dễ dàng tiêu diệt tàu đổ bộ, bộ binh, xe thiết giáp, trực thăng, máy bay vận tải và máy bay không người lái. Thậm chí, với tên lửa không-đối-không tầm ngắn, Yak-130 hoàn toàn có thể hiệp đồng với các “anh lớn” không chiến với tiêm kích đối phương, giống như tiêm kích MiG-17 chỉ mang pháo nhưng bằng chiến thuật tốt vẫn có thể tấn công máy bay F-4 mang tên lửa.
Trong trường hợp chống xâm nhập, khủng bố, cướp biển, tội phạm có tổ chức, Yak-130 là phương tiện tuần tra, phản ứng có thể cân bằng được các khả năng tác chiến của máy bay đa nhiệm, phù hợp với những xung đột nhỏ tầm cỡ khu vực.
Trong tình hình không xung đột, Yak-130 có vai trò quan trọng khác là trở thành phương tiện huấn luyện phi công chiến đấu hiệu quả. Với hệ thống điều khiển tương đương với các máy bay chủ lực, việc thực hành trên Yak-130 đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho phi công trước khi được phép bay trên các loại máy bay hiện có cũng như sắp được trang bị. Yak-130 có độ bền cao, dễ bảo dưỡng, dễ điều khiển, tính an toàn cao nhờ tổ lái 2 người. Chi phí vận hành thấp của máy bay khiến việc đào tạo phi công đỡ tốn kém hơn, điều này khiến quá trình học tập, thực hành của phi công mới hiệu quả hơn các máy bay huấn luyện thế hệ cũ.
Theo qdnd.vn