Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống Quân chủng PK-KQ (22-10-1963/22-10-2022)
Nòng cốt của lực lượng phòng không ba thứ quân
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo phát triển lực lượng vũ trang cách mạng trong đó có các lực lượng Bộ đội PK-KQ. Các đơn vị pháo cao xạ, không quân, ra đa, tên lửa lần lượt được hình thành. Để chuẩn bị đối phó với những bước leo thang mới của địch, Quân ủy Trung ương quyết định tranh thủ thời gian miền Bắc hòa bình để nâng cao sức mạnh và trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc Phòng ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng PK-KQ, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Đại tá Phùng Thế Tài - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không được bổ nhiệm làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Tính - nguyên Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính ủy Quân chủng PK-KQ. Quân chủng PK-KQ ra đời đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết Đoàn Không quân Sao đỏ (tháng 2-1967). Ảnh tư liệuCuối năm 1963, đầu năm 1964. Đảng ta đã huy động toàn dân tham gia mặt trận phòng không bảo vệ miền Bắc, chuẩn bị lực lượng ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, lấy Bộ đội PK-KQ làm nòng cốt trong cuộc đọ sức với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ trong thế trận phòng không nhân dân rộng khắp.
Với ý chí “Dám đánh, biết đánh và quyết thắng”, Bộ đội PK-KQ đã ra quân đánh thắng trận đầu ngày 5-8-1964, khi Mỹ dùng máy bay phản lực tập kích ồ ạt ra miền Bắc. Lần đầu tiên đọ sức với lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, Bộ đội Phòng không trên bộ và trên tàu Hải quân đã nêu cao ý chí cách mạng tiến công kiên quyết giáng một đòn chí mạng vào cái gọi là “Uy thế không lực Hoa Kỳ”, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Chiến công đầu trong cuộc chiến đấu với Không quân Mỹ có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, khẳng định sức mạnh to lớn của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân; trong đó, Bộ đội PK-KQ là lực lượng nòng cốt.
Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Cao xạ, Ra đa, ngày 3-4-1965, Không quân nhân dân Việt Nam lần đầu xuất kích đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 2 máy bay F-8U của Mỹ. Chiến công này đã đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Bộ đội Không quân trẻ tuổi, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Mở mặt trận trên không thắng lợi”. Bộ đội Tên lửa là lực lượng ra đời sau cùng trong 4 binh chủng thuộc Quân chủng (Trung đoàn 236 thành lập ngày 7-1-1965). Sau thời gian ngắn xây dựng và phát triển lực lượng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày 24-7-1965, tại các trận địa thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây (cũ), Trung đoàn ra quân đánh trận đầu, tiêu diệt gọn một tốp F-4 của Không quân Mỹ; trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, đây cũng là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Từ chiến công đó, ngày 24-7-1965 được ghi vào lịch sử truyền thống là ngày “Ra quân đánh thắng trận đầu” của Bộ đội Tên lửa.
Phát huy những thành tích đã đạt được, trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc (5-8-1964/1-11-1968), Bộ đội PK-KQ đã bắn rơi 1.137 máy bay Mỹ; trong đó có 6 chiếc B-52 góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta.
Tiếp sau đó, Bộ đội PK-KQ tiếp tục chiến đấu, chiến thắng và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận phía Bắc cuối tháng 12-1972 làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Với chiến công bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 máy bay F-111 và 42 máy bay chiến thuật của quân và dân ta, riêng Quân chủng đã bắn rơi 32 chiếc B-52 và nhiều máy bay chiến thuật khác; Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh sập ý tưởng “Thương lượng trên thế mạnh” của Nixon và buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán Paris vào ngày 27-1-1973, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, lực lượng Quân chủng chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bộ đội PK-KQ đã chiến thắng cả trên không, mặt đất và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, đánh sâu vào hậu cứ của địch, bắn rơi nhiều máy bay tầm thấp, tầm cao, cả máy bay chiến thuật và chiến lược, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái sừng sỏ, góp phần to lớn vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng đất nước, thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Hiện nay, Quân chủng PK- KQ đang cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)