13 giờ:49 phút Thứ hai, ngày 26 tháng 7 , 2021

Kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2021)

Những chiến công của anh hùng, liệt sĩ phi công Ngô Đức Mai

Phi công Ngô Đức Mai sinh ngày 6-11-1938, quê ở Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông là phi công trong đoàn học lái máy bay chiến đấu thứ 2 của Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi được đào tạo ở nước ngoài trở về nước tham gia chiến đấu; phi công Ngô Đức Mai đã dũng cảm, mưu trí, linh hoạt xuất kích 63 lần, đánh địch có hiệu suất cao: Bắn rơi 3 máy bay Mỹ; trong đó có 2 chiếc F-4 và 1 chiếc A-4, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội bắn rơi nhiều chiếc khác.

Những chiến công của anh hùng, liệt sĩ phi công Ngô Đức Mai
Anh hùng, liệt sĩ, phi công Ngô Đức Mai.

Ngày 4-3-1966, Ngô Đức Mai cùng đồng đội xuất kích đánh địch, phát hiện địch bay vào đánh tuyến đường sắt Yên Bái - Phú Thọ, biên đội nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Ở vị trí số 2, được số 1 yểm trợ, đồng chí đã bắn rơi 1 chiếc F-4 của địch. Trên đường trở về sân bay, biên đội phát hiện có máy bay địch bám theo, được đồng đội yểm trợ, Ngô Đức Mai đã quay lại phản kích, buộc địch phải bỏ chạy. Trận đánh ngày 4-3-1966 là trận đầu lập công của Trung đoàn Không quân 923; góp phần xây dựng nên truyền thống “Đã cất cánh là đánh thắng”. Trận đánh đã góp phần bổ sung phương án đánh địch ở độ cao trung bình được ứng dụng hiệu quả cho các trận đánh sau này. Với chiến công này, tháng 4-1966, phi công Ngô Đức Mai cùng với 5 phi công: Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu, Phan Như Cẩn vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác tặng huy hiệu của Người.

Tiếp đó, ngày 12-5-1967; Không quân nhân dân Việt Nam đã có một trận thắng lớn. Tại trận không chiến này, với 10 máy bay MiG-17 và 2 MiG-21 xuất kích, ta đã bắn hạ 5 máy bay Mỹ, bảo toàn được máy bay ta. Đặc biệt, người bắn rơi Đại tá Norman Gaddis là Thượng úy Ngô Đức Mai. Lúc ấy viên Đại tá Mỹ đã có 4.300 giờ bay, từng là Phó Ban Tác chiến thuộc Bộ Tham mưu Không quân Mỹ, được cử sang Việt Nam với chức danh Phó Tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 12 để nghiên cứu chiến thuật không chiến và tìm diệt MiG. Còn Thượng úy Ngô Đức Mai lúc ấy chỉ mới có vẻn vẹn 300 giờ bay.

Trận đánh đặc biệt ấy được diễn ra ngày 12-5-1967, các tốp máy bay Mỹ bay vào từ hướng Tây Nam với ý đồ tấn công các mục tiêu quanh Hà Nội và Sân bay Hòa Lạc. Sở chỉ huy Không quân quyết định cho MiG-17 đánh trước ở vòng trong (chặn đội hình tấn công của không quân Mỹ trên khu vực Ba Vì - Hòa Bình). Còn MiG-21 sẽ xuất kích sau, đánh ở vòng ngoài khi đội hình máy bay Mỹ bay ra. Tại Trung đoàn Không quân 923, biên đội MiG-17 (4 chiếc) do Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai, Hoàng Văn Kỷ điều khiển. 15 giờ 31 phút, Biên đội nhận lệnh cất cánh từ Sân bay Gia Lâm, lấy độ cao 3.500m, bay về hướng Tây đến khu vực chiến đấu trên Sân bay Hòa Lạc. Khi đến ngang đỉnh sân bay thì gặp 4 chiếc F-4 của Không quân Mỹ. Đây là đội hình máy bay F-4 của Không đoàn 366 do Đại tá Gaddis dẫn đầu. Trong trận này, lần đầu máy bay địch mang theo pháo Cannon M-61(20mm) để không chiến với MiG của ta. Khi đội hình máy bay Mỹ bay ở góc tiếp cận 120 độ, đi từ hướng Đông sân bay, ven theo núi Viên Nam, số 1 - Cao Thanh Tịnh phát hiện F-4 và F-105 ở cự li 6km. Đài chỉ huy bổ trợ dẫn các phi công của ta bám sát máy bay địch; đồng thời đội hình Không quân Mỹ cũng đã phát hiện ra MiG; trận không chiến diễn ra quyết liệt trên bầu trời Hòa Lạc, chỉ trong 4 phút.

Các máy bay F-4 và F-105 của Mỹ liên tục phóng tên lửa, riêng các máy bay F-105 còn nổ súng rất quyết liệt vào máy bay MiG của ta. Được sự dẫn dắt của đài chỉ huy bổ trợ, biên đội MiG của ta đã tách thành 2 tốp chiến đấu kiên cường với máy bay địch. Số 1- Cao Thanh Tịnh và số 2 - Lê Hải quần nhau với F-105 ở tầng thấp, sau những phút bám sát quyết liệt, phi công Tịnh đã nổ súng vào một chiếc F-105, nhưng không trúng. Ngay sau khi thoát ly, số 1 - Cao Thanh Tịnh phát hiện 2 chiếc F- 4 đang bay phía trước đã bám theo, khi đến cự ly thích hợp đã nổ súng chính xác bắn rơi 1 chiếc F-4.

Trong khi đó, phi công Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ đang quần nhau với chiếc F-4C chui từ dưới mây lên, họ lập tức bám riết trên lưng chiếc máy bay đó. Đây chính là chiếc máy bay do Đại tá Gaddis điều khiển. Đến cự ly 300m, độ cao 1.500m, Ngô Đức Mai nổ 2 loạt súng vào chiếc F-4 của Gaddis. Do các máy bay hai bên lúc ẩn lúc hiện trong các đám mây, Gaddis chưa kịp định thần xem chiếc MiG-17 đang ở đâu thì đã bị trúng loạt đạn tiếp theo của Ngô Đức Mai. Chiếc F- 4C bùng cháy, rơi cách Sân bay Hòa Lạc 20km. Gaddis nhảy dù và bị lực lượng dân quân bắt sống.

Ngày 3-6-1967, trong một trận đánh không cân sức với đội hình F-105 và F-4 của Mỹ trên vùng trời Hà Bắc; Thượng úy, phi công Ngô Đức Mai đã anh dũng hi sinh. Ngày 30-8-1995, ông vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Để tưởng nhớ, ghi nhận công lao của liệt sĩ phi công, Anh hùng LLVTND Ngô Đức Mai, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định đặt tên ông cho một đường phố mới ở TP Vinh vào ngày 10-12-2010.

THÀNH SƠN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website