Chuyện may dù giảm tốc cho máy bay chiến đấu
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến Phân xưởng May dù hàng không (Phân xưởng 9), Nhà máy A41, đó là không khí lao động khẩn trương, nghiêm túc, sôi động của các nữ thợ may trong dây chuyền may dù giảm tốc DGT-41-22, dùng cho máy bay Su-22 hạ cánh.
May Dù giảm tốc DGT-41-22 tại Phân xưởng May dù hàng không, Nhà máy A41.Đưa chúng tôi tham quan một vòng Phân xưởng, Trung tá Nguyễn Thành Trung - Quản đốc Phân xưởng giới thiệu về những bộ Dù giảm tốc DGT-41-22 sử dụng cho máy bay Su-22 hạ cánh do Phân xưởng sản xuất. Anh Trung cho biết trước đây Dù giảm tốc sử dụng cho máy bay chiến đấu phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao và thiếu tính chủ động. Với chủ trương phát huy nội lực trong công tác bảo đảm bay và giảm chi phí, từ năm 1998 Phân xưởng được trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất Dù của Cộng hòa Séc để sản xuất Dù giảm tốc cho máy bay MiG-21. Từ năm 2004 đến nay, Phân xưởng chuyển sang may Dù giảm tốc cho máy bay Su-22 với nguyên liệu vật tư nhập từ Liên bang Nga. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm bay trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục sản xuất Dù giảm tốc cho máy bay Su-22, Phân xưởng cũng được trên giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất Dù giảm tốc DGT-41-C và DGT-41-D sử dụng cho máy bay Su-27 và Su-30. Hiện nay, Phân xưởng đã may xong 2 bộ sử dụng cho máy bay Su-27 và Su-30, đang trong quá trình chờ nghiệm thu kỹ thuật. Nếu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật, các sản phẩm này sẽ được Phân xưởng sản xuất đồng loạt theo chỉ tiêu số lượng trên giao. Đối với Dù giảm tốc sử dụng cho máy bay Su-22, sản lượng hằng năm của Phân xưởng không cố định mà tùy vào nhu cầu sử dụng của các đơn vị trong Quân chủng. Bình quân, mỗi năm Phân xưởng sản xuất khoảng gần 70 bộ. Thường thì dây chuyền may hoạt động theo giờ hành chính, song có thời điểm do yêu cầu nhiệm vụ nên các chị em cũng phải làm tăng ca, tăng giờ để kịp thời bảo đảm cho hoạt động bay của các đơn vị.
Trực tiếp theo dõi quá trình may Dù theo dây chuyền tại Phân xưởng, chúng tôi thấy được tinh thần nỗ lực, sự cẩn thận tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ của những nữ thợ may. Quy trình sản xuất hoàn thiện một bộ Dù phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước khác nhau, trong đó công đoạn đo cắt các chi tiết, may gia công các chi tiết, cụm, ráp và hoàn thiện Dù chính là những khâu quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có trình độ cao, thực hiện công việc một cách tỉ mỉ, chính xác. Đại úy QNCN Nguyễn Thị Nhài - Thợ may Dù hàng không, người đảm nhiệm khâu kiểm tra vật tư nguyên liệu đầu vào, đo, cắt các chi tiết chia sẻ: “Để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, bản thân cũng như tất cả các chị em trong dây chuyền may đều phải nắm chắc quy trình công nghệ sản xuất Dù giảm tốc; phải đọc được bản vẽ kỹ thuật; nắm chắc phiếu công nghệ sản xuất. Đối với công việc kiểm tra vật tư đầu vào, đòi hỏi phải luôn tập trung cao, cụ thể, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng, không để các vật tư bị thủng, trầy xước được đưa vào sản xuất. Việc đo cắt các chi tiết đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ, tập trung cao vào công việc, đặt vải, căn chỉnh, vẽ đường cắt và cắt phải hết sức chính xác”. Còn chị Hoàng Thị Vân Anh - Thợ may Dù hàng không, người đảm nhiệm khâu may Dù chính thì trải lòng: “Để bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, Dù phải được may theo đúng kích thước bản vẽ; đường chỉ phải đều cả trên và dưới, không được nổi, đồng thời phải tuân thủ quy định về số mũi chỉ trên đơn vị diện tích, không được quá thưa cũng không được quá dày. Để đạt được những yêu cầu khắt khe đó, bản thân đã phải rèn luyện rất nhiều, nhất là các kỹ năng phối hợp giữa chân, tay, mắt khi may, rèn luyện sự tập trung, đức tính nhẫn nại, cụ thể, tỉ mỉ”.
Nếu nói rằng “Thắng lợi trên không bắt nguồn từ mặt đất”, thì không chỉ có sự đóng góp của các lực lượng trực tiếp làm công tác bảo đảm mặt đất trên các sân bay, mà những nữ thợ may Dù giảm tốc ở Nhà máy A41 cũng đã và đang lặng thầm cống hiến, góp phần làm nên những chuyến bay an toàn, thắng lợi.
Bài, ảnh: CÔNG GIANG