Hồ Chủ tịch thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo (25-9-1966). Ảnh tư liệuTrong 12 ngày, đêm cuối tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật hết sức tối tân, hiện đại, mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu trên Miền Bắc. Đây là cuộc đối đầu không cân sức về lực lượng, phương tiện; song, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, sau 12 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta, nòng cốt là Bộ đội Phòng không, Không quân, đã làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử. Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô giá: Về tầm nhìn xa, trông rộng, sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; về tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ cùng quân, dân thủ đô Hà Nội anh hùng; bài học về sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, của sự quả cảm, khát vọng độc lập, tự do, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao đẹp, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Trong đó, bài học về xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội là bài học thành công nhất, quyết định đến thắng lợi của chiến dịch.
Trước hết, chúng ta đã thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội.
Ở mọi thời điểm, trong mọi cuộc chiến tranh, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, trực tiếp tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và bản lĩnh, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ, nhằm giúp cho họ giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nêu cao truyền thống yêu nước, khắc sâu lòng căm thù giặc, củng cố bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, quyết tâm chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về chủ trương, quyết tâm chiến lược của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, xây dựng ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” trên khắp các chiến trường, trận địa, trên từng mâm pháo, đài, trạm ra đa hay trên sân bay. Ở đâu, cán bộ, chiến sĩ cũng sôi sục lòng căm thù, hừng hực khí thế cách mạng, tinh thần lạc quan, niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã đi sâu vào từng đối tượng, từng nhiệm vụ, bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, đa dạng và phong phú, phù hợp với điều kiện tác chiến của từng cơ quan, đơn vị cũng như đặc điểm, tâm lý của bộ đội; các phong trào thi đua nghiên cứu tìm tòi cách đánh B-52, “vạch nhiễu tìm thù”, với khẩu hiệu “địch phá, ta sửa, ta bay”, “một người, một máy bay vẫn tấn công”… đã không ngừng khích lệ, tạo động lực cho bộ đội quyết tâm tiêu diệt địch. Nhờ đó, bản lĩnh chính trị tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Bộ đội PK-KQ không ngừng được củng cố và phát huy.
Có thể thấy, coi trọng xây dựng bản lĩnh chính trị tinh thần, thực hiện tốt công tác tư tưởng, gắn chặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức để củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội là kinh nghiệm quý được rút ra từ Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972. Cũng từ thắng lợi đó, chúng ta còn rút ra bài học: Khi có phương châm và kế hoạch tác chiến chiến dịch đúng, thì việc nhạy bén trong lãnh đạo tư tưởng, giáo dục quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” cho bộ đội càng có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến để giành thắng lợi của toàn chiến dịch.
Hai là, thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì trong mọi hoạt động, bảo đảm thực sự là tấm gương mẫu mực về ý chí và hành động.
Đây là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, có quyết tâm chiến đấu cao, chịu đựng gian khổ hy sinh, khắc phục khó khăn, với tinh thần tự lực cánh sinh, không chủ quan khinh địch. Mọi biểu hiện lỏng lẻo về kỷ luật, giảm sút ý chí, niềm tin, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chiến đấu đều được cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục kịp thời. Hơn nữa, do đặc điểm, tính chất của cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt, các đơn vị đã thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn cấp ủy, chi bộ, người lãnh đạo, chỉ huy bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên liên tục. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các đơn vị, thông qua việc nâng cao trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ và sự gương mẫu của cán bộ chủ trì là “mệnh lệnh không lời”, có sức cảm hóa to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Nhờ thực hiện tốt những mặt công tác đó mà bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội không ngừng được củng cố và tăng cường.
Ba là, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nắm vững và sử dụng tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội.
Với phương châm “người trước, súng sau”, cấp ủy và người chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, thấy rõ vai trò quan trọng của vũ khí trong chiến đấu; trong đó, con người là nhân tố quyết định. Vì vậy, chỉ có xây dựng bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu kiên cường cho bộ đội mới phát huy được uy lực của vũ khí, trang bị và vận dụng được mọi khả năng để đánh thắng kẻ thù; bộ đội dám đánh phải đi đôi với biết đánh thì mới củng cố, giữ vững được bản lĩnh chính trị và ý chí quyết chiến, quyết thắng trong chiến đấu.
Để đối phó với những thủ đoạn đánh phá ác liệt của địch trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972, các cấp ủy, tổ chức đảng đã coi trọng công tác giáo dục, động viên bộ đội ra sức học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí, trang bị và phương tiện kỹ thuật. Bộ đội PK-KQ đã mở các “Hội nghị Diên Hồng” dân chủ bàn bạc, nghiên cứu, tìm ra cách đánh B-52 để huấn luyện, thống nhất các phương án tác chiến. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tự lực, tự cường, làm chủ vũ khí, trang bị, Bộ đội PK-KQ đã khắc phục những khó khăn, tìm ra cách đánh độc đáo, hiệu quả nhất. Qua mỗi trận chiến đấu, mỗi tình huống đều được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội.
Bốn là, quán triệt, thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân trong xây dựng bản lĩnh chính trị và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ.
Trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972, các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ đã tập trung giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần vì nhân dân mà chiến đấu và luôn dựa vào dân để xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân liên hoàn, vững chắc, tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp. Trong mọi tình huống, Bộ đội PK-KQ luôn chủ động thực hiện tốt công tác dân vận, giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ. Biểu hiện sinh động của sức mạnh của Nhân dân là những “trận địa lòng dân”, phong trào toàn dân bắn máy bay, vây bắt giặc lái, toàn dân tham gia bảo vệ giao thông vận tải, là tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, sẵn sàng dỡ nhà, phá ruộng để xây dựng trận địa bắn máy bay địch… góp phần củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự gắn bó máu thịt với Nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn để cán bộ, chiến sĩ PK-KQ luôn xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.
Tự hào và phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ được giao, trọng tâm là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, tập trung huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, cải tiến; coi trọng huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, tăng cường huấn luyện đêm, diễn tập chiến đấu, hiệp đồng quân, binh chủng, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ biển, đảo, rèn luyện khả năng cơ động trong điều kiện tác chiến phức tạp, khó khăn… Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc chấn chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thiếu tướng HOÀNG VĂN LÂU - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ