>>> Bài 1: Bộ đội Không quân trưởng thành từ trong chiến đấu
Những thay đổi thường xuyên về chiến thuật, kỹ thuật tác chiến của Bộ đội Không quân Việt Nam trong chiến đấu đã khiến cho không quân Mỹ hết sức bất ngờ. Những kinh nghiệm ấy ngày nay tiếp tục được Bộ đội PK-KQ phát huy trong huấn luyện ở tầm mức cao hơn, khoa học hơn.
Giữ vững nguyên tắc, sáng tạo trong vận dụng kinh nghiệm
Nghe các tướng lĩnh, các phi công xuất sắc của Quân chủng PK-KQ trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, huấn luyện Bộ đội Không quân trong buổi tọa đàm ngày 4-11, chúng tôi nhận ra việc huấn luyện của Bộ đội Không quân là rất phức tạp và luôn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong quá trình huấn luyện, đào tạo các phi công cả nhà trường và đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, nguyên tắc gần như đã được chuẩn hóa ở tầm quốc tế. Bên lề cuộc tọa đàm, Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân có cuộc trò chuyện với chúng tôi. Ông kể: “Tôi vốn là một anh lính bộ binh (trước ông ở Sư đoàn 320) được tuyển chọn để đi đào tạo thành phi công. Sang nước bạn học tập, khi ấy điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Vì thế chúng tôi đã nỗ lực học tập và vượt khó, với mục đích cao nhất là học sao cho giỏi, cho tốt, để nhanh được về phục vụ đất nước. Thế nhưng cũng phải mất tới 8 năm (1956-1964) tôi mới được về nước thực hiện nhiệm vụ. Thật may là khi về nước, trình độ của chúng tôi đã tương ứng với trang bị của Bộ đội Không quân mà đất nước ta có được lúc bấy giờ (MiG 17F), nên chúng tôi thích ứng khá nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, chúng tôi đã vào trực ban chiến đấu, nhận lệnh xuất kích và lập được những chiến công đầu. Nói để các bạn biết thêm, huấn luyện bộ đội không quân luôn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ngay cả khi anh đã có đủ mọi điều kiện về kỹ thuật, trang bị. Thế cho nên để đào tạo được một lứa phi công giỏi, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, từ lựa chọn đầu vào, chuẩn bị trang bị, cơ sở vật chất cho đến tổ chức huấn luyện, đào tạo... Rồi trong quá trình huấn luyện, đào tạo phải chú trọng khâu giám sát chất lượng, bảo đảm cho các phi công luôn đầy đủ về tố chất, có đủ trình độ hiểu biết về trang bị mình hiện có và điều quan trọng là rèn luyện được cho họ có bản lĩnh thực sự của một phi công, dám xả thân hy sinh, dám đương đầu với mọi khó khăn bất trắc trên không…”. Theo dõi việc huấn luyện, đào tạo của Bộ đội Không quân chúng tôi nhận thấy, những năm qua Bộ đội Không quân đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, tăng cường đầu tư. Hệ thống vũ khí, trang bị, phương tiện nhiều loại đã ngang tầm khu vực và thế giới. Do đó cán bộ, chiến sĩ Bộ đội PK-KQ nói chung và Bộ đội Không quân nói riêng đã rất nỗ lực trong huấn luyện, đào tạo và tích cực vận dụng những kinh nghiệm của thế hệ đi trước, để nhanh chóng làm chủ các loại vũ khí, trang bị hiện đại, đưa các phương tiện, trang bị này vào phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Máy bay Su-30MK2 cất cánh làm nhiệm vụ. Ảnh: CTV
Trong câu chuyện của mình, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân đem đến thông điệp về tình yêu và lòng đam mê bầu trời. Theo ông, đã làm phi công thì phải có tình yêu bầu trời và niềm đam mê được bay. Thế nên việc huấn luyện, đào tạo, việc truyền cảm hứng và nuôi dưỡng niềm đam mê cho các phi công là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. “Khi còn làm phi công, một ngày mà chúng tôi không nhìn thấy cái máy bay của mình thì nhớ lắm. Vả lại có đam mê thì mình mới chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi về chiến thuật, kỹ thuật nhất là các kỹ thuật bay phức tạp như thắt vòng đứng, vòng bằng, khoan... Đó chính là các kỹ thuật mà khi đạt đến mức thuần thục thì sẽ giúp người phi công vừa tiến công được địch, vừa bảo toàn được mình”, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cho biết.
Chúng tôi hiểu từ tiếp thu kinh nghiệm, đến vận dụng trong thực tiễn huấn luyện, đào tạo là cả một lộ trình. Trên lộ trình đó đòi hỏi sự có quyết tâm lớn từ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho tới từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng không quân. Trao đổi với chúng tôi trong buổi sáng 7-11, Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho biết: “Việc vận dụng kinh nghiệm trong huấn luyện, đào tạo đối với Bộ đội Không quân là rất quan trọng. Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân chủng đã nhiều lần mời các đồng chí phi công kỳ cựu, có bề dày kinh nghiệm từ trong chiến đấu đến trao đổi, phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị. Những kỹ thuật khó, phức tạp, những phương pháp xử lý các sự cố trên không... đều được truyền thụ rộng rãi tới các phi công, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện bay, quân chủng cũng chủ trương và đang thực hiện xây dựng lực lượng phi công mũi nhọn, chuyên sâu để gửi đào tạo nước ngoài hoặc bay cùng với các chuyên gia, từ đó nhân rộng ra ở các đơn vị. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị, vừa kèm cặp các phi công trẻ mới ra trường, các phi công bay chuyển loại máy bay, nhằm giúp cho anh em vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa nâng dần trình độ và bản lĩnh của phi công chiến đấu. Nếu không làm như thế thì sẽ rất khó để chúng ta có được đội ngũ phi công quân sự như ngày hôm nay...”.
Triển khai quyết liệt, giám sát chặt chẽ tới từng chuyến bay
Trong những ngày làm việc tại Quân chủng PK-KQ, chúng tôi cảm nhận rõ sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của quân chủng về công tác huấn luyện. Sự quyết liệt ấy hiện rõ từ Bộ tư lệnh quân chủng cho tới các sân bay thuộc các đơn vị. Có mặt tại sân bay của các Trung đoàn Không quân như 916, 917, 923... chúng tôi thấy không khí luyện tập của các đơn vị đang diễn ra hết sức khẩn trương. Tại sân bay của Trung đoàn 916, mặc dù là ngày nghỉ, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn có mặt đầy đủ để làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật, chuẩn bị cho các chuyến bay huấn luyện trong tuần. Đúng như lời Thiếu tướng Bùi Anh Chung: “Bộ đội Không quân huấn luyện một phần phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Hơn nữa các đơn vị không quân đều phải vừa huấn luyện, đào tạo, vừa phải trực sẵn sàng chiến đấu và cứu hộ, cứu nạn, vì thế cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ anh em vẫn phải làm việc như thường”.
Quả đúng vậy, vào lúc 6 giờ sáng 7-11, khi chúng tôi có mặt tại Sở chỉ huy quân chủng thì cũng đúng lúc sở chỉ huy đang giám sát, điều hành một chuyến bay của Trung đoàn 917 đi cứu nạn ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Để thực hiện được chuyến bay này, công tác chuẩn bị phải được tiến hành từ trong đêm (6-11). Tham quan Phòng điều hành, quản lý bay tại Sở chỉ huy quân chủng chúng tôi nhận thấy, các chuyến bay, máy bay đều được giám sát chặt chẽ. Các thông số, dữ liệu về tổ bay, hành trình... hiện rõ trên màn hình. Chúng tôi cảm nhận được, sau những sự cố về an toàn bay, không khí luyện tập và thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị không quân vẫn diễn ra tích cực, với quyết tâm cao hơn bao giờ hết. Thiếu tướng Bùi Anh Chung nói với chúng tôi: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện của Bộ đội Không quân, Quân chủng PK-KQ đã quán triệt kỹ Nghị quyết số 765/NQ-QUTW về Đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đảng ủy Quân chủng ra Nghị quyết số 558 về nâng cao chất lượng huấn luyện từ năm 2010-2020 và mới đây chúng tôi cũng đã ra nghị quyết chuyên đề về Huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay và phòng ngừa tai nạn, cùng nhiều chỉ thị, hướng dẫn khác. Trong các nghị quyết, chỉ thị đều xác định rõ các chỉ tiêu, giải pháp về công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn cho các lực lượng nói chung và lực lượng không quân nói riêng. Việc cụ thể hóa các nghị quyết được triển khai thực hiện quyết liệt đến từng chi bộ và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở tất cả các cấp ủy, chi bộ. Điều đó đã từng bước tạo ra hiệu quả thực tế trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Không quân”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để bảo đảm cho các chỉ tiêu trong nghị quyết biến thành kết quả thực tế, thời gian qua Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân chủng đã tổ chức rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị. Các đơn vị đều duy trì nghiêm chế độ công tác huấn luyện. Để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các khâu, các bước trong quy trình huấn luyện, Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã thực hiện tốt việc phân công, phân nhiệm cán bộ chỉ huy bám nắm từng đơn vị theo phân cấp. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện hằng ngày, hằng tuần và được tiến hành ở mọi giai đoạn bay, đối với cả các thành phần bay và lực lượng bảo đảm. Nhìn vào bảng tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay của quân chủng chúng tôi thấy, đến thời điểm này (tháng 11-2016) các đơn vị cơ bản vẫn đang bảo đảm được về mặt thời gian và chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ. Ở một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu do yếu tố thời tiết, quân chủng sẽ áp dụng các biện pháp tích cực, khoa học để đẩy nhanh tiến độ huấn luyện theo kế hoạch. Mục đích cao nhất là để hạn chế tối đa giãn cách bay của các phi công, đồng thời nâng cao trình độ của các phi công sau mỗi chuyến bay, giờ bay.
Từ sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng huấn luyện của toàn lực lượng, đến nay chất lượng huấn luyện của Bộ đội Không quân vẫn được bảo đảm tốt. Trong các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, lực lượng không quân luôn hoàn thành tốt các yêu cầu về tác chiến. Tháng 5-2016, quân chủng thực hiện đợt diễn tập bay biển xa và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn một cách toàn diện về công tác huấn luyện của Bộ đội không quân, chúng tôi có thể khẳng định: Bộ đội Không quân hiện nay luôn làm chủ trang bị, khí tài hiện đại. Các trung đoàn không quân đều có thể nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trên không, trên mặt đất và mặt nước (không đối không, không đối đất và không đối hải) trong cả điều kiện ban ngày và ban đêm. Trong các trung đoàn đều có những phi công mũi nhọn có thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong điều kiện phức tạp. Vì vậy sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước chính là các nhân tố đặc biệt quan trọng giúp cho Bộ đội PK-KQ nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng thêm vững niềm tin, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
(còn nữa)
Theo qdnd.vn