14 giờ:13 phút Thứ hai, ngày 27 tháng 3 , 2023

Chiến công của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Vừa mới ra đời, Trung đoàn đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến công của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cao xạ pháo lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Ảnh tư liệu

Sáng 21-12-1953, tại cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong đội hình chiến đấu của Đại đoàn công pháo 351. Chấp hành nhiệm vụ được giao, Trung đoàn nhanh chóng quán triệt nhiệm vụ, tổ chức cho 2 Tiểu đoàn 383 và 394 hành quân về nước. Sau 17 ngày đêm hành quân vất vả, vượt qua phà Tạ Khoa, đỉnh Lũng Lô, các đèo Cò Nòi, Pha Đin trên chặng đường dài 500km. Sáng sớm ngày 8-1-1954, toàn bộ đội hình hành quân cơ giới của Đại đoàn 351 đã đến khu vực tập kết chiến dịch tại Tuần Giáo. Nếu tính từ Tân Dương (Trung Quốc), toàn thể cán bộ, chiến sĩ 2 Tiểu đoàn 383 - 394 đã cùng đoàn xe kéo 24 khẩu pháo cao xạ đầu tiên hành quân 25 ngày đêm, vượt chặng đường hơn 1000km đến vị trí tập kết bí mật, an toàn. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được cấp trên tặng thưởng huân chương chiến công và được Bộ chỉ huy mặt trận khen ngợi “Hành quân cơ giới giỏi”.

Thực hiện phương châm chỉ đạo “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, sau 9 ngày kéo pháo ròng rã đầy khó khăn gian khổ, đến đêm 25-1-1954, tất cả các khẩu pháo cao xạ đã nằm trên đường vào trận địa, nhưng do lựu pháo 105 vào trước bị sa lầy trên suối cạn nên chỉ 1 đại đội pháo cao xạ được kéo vào triển khai chiến đấu theo kế hoạch.

Từ trung tuần tháng 1-1954, trước sự thay đổi về tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Trung đoàn 367 được lệnh hoãn tiến công, kéo pháo trở lại vị trí cũ. Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó khăn gấp bội. Phát hiện ra con đường kéo pháo của ta, hằng ngày, các loại máy bay trinh sát, máy bay khu trục luân phiên nhau chỉ điểm, bắn phá, ném bom na-pan. Đêm đến đại bác địch từ Mường Thanh bắn ra. Đến rạng sáng 4-2-1954, đợt kéo pháo bằng tay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Đây là sự kiện lịch sử phi thường, đầy gian lao thử thách, hi sinh nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Bộ đội Pháo cao xạ.

Thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, từ cuối tháng 1-1954, Bộ đội Pháo cao xạ tập trung mở đường cơ động, tiếp tế đạn dược và làm công sự, hầm hào cho pháo và người. Trung đoàn 367 đã khẩn trương xây dựng hệ thống trận địa trên hướng Bắc và hướng Đông Bắc đặc trách chiến đấu với không quân địch, yểm hộ bộ binh tiến công; bảo vệ trận địa pháo binh mặt đất từ Nà Lời đến Hồng Cúm; chuẩn bị phát triển lực lượng vào phía Đông và phía Tây Bắc Mường Thanh. Ngày 11- 3-1954, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 367 đã sẵn sàng nổ súng đánh máy bay địch.

Trong 2 ngày đầu của đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 7 máy bay Hen-đi-vơ và Hen-cát của địch, hầu hết rơi tại chỗ. Sự xuất hiện của pháo cao xạ trên chiến trường Điện Biên Phủ là một bất ngờ lớn đối với thực dân P háp. Địch quyết định tăng cường máy bay đánh phá và ném bom để khống chế lực lượng của ta. Kết thúc đợt 1 của Chiến dịch, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay địch các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác.

Để tăng cường lực lượng chiến đấu, bảo đảm “đánh chắc, tiến chắc” ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh điều 4 tiểu đoàn còn lại và cơ quan Trung đoàn 367 rời Tân Dương (Trung Quốc) về nước. Cuối tháng 3-1954, trước khi mở màn đợt hai Chiến dịch, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bao gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực đã có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ.

17 giờ 30 ngày 30-3-1954, đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Nhiệm vụ của Trung đoàn 367 trong đợt tiến công này là yểm hộ bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, hạn chế tiến tới triệt hẳn đường tiếp tế hàng không của chúng. Trong 6 ngày đầu đợt 2, ta đã bắn rơi 6 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Trung đoàn 367 cơ động các đại đội súng máy cao xạ 818, 830, 834… xuống cánh đồng Mường Thanh, áp sát các cứ điểm địch để đón đánh các máy bay vận tải tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Đến ngày 11-4-1954, Bộ đội phòng không, pháo binh đã bắn rơi và phá hủy 49 máy bay các loại, bắn bị thương hàng chục chiếc khác.

Đêm 1-5-1954, ta mở đợt tiến công thứ 3, khép chặt vòng vây tại Điện Biên Phủ. Từ ngày 5 đến ngày 7-5, cuộc chiến đấu giữa Bộ đội Pháo cao xạ với không quân địch diễn ra liên tục và vô cùng quyết liệt, máy bay địch với nhiều kiểu loại liên tục bị bắn rơi, sân bay Mường Thanh từng bước bị ta khống chế, cắt đứt con đường tiếp tế hàng không duy nhất của địch.

Qua 55 ngày đêm chiến đấu mưu trí, kiên cường, các lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh ta đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác.

Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 25 Huân chương Quân công hạng Ba, 27 Huân chương Chiến công hạng Nhất (cho các đơn vị), 200 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện dũng cảm hi sinh thân mình cứu pháo được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

CÔNG GIANG (Theo “Lịch sử Sư đoàn 367”)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website