MiG-17, MiG-21 và cách đánh "Chặn từ xa, tạo thế, tạo đà vào công kích"
Từ những ngày cuối tháng 8 đến đầu tháng 11 năm 1967, lực lượng MiG-17 và MiG-21 của ta liên tục đánh thắng. Trong 12 trận không chiến giành thắng lợi của giai đoạn này, Trung đoàn 921 đã sử dụng 12 biên đội với 24 máy bay, bắn rơi 18 máy bay Mỹ, trong khi MiG-21 chỉ bị rơi 1 chiếc; MiG-17 bắn rơi 8 chiếc, chỉ bị rơi 1 chiếc. Con số đó đã khẳng định được cách đánh hiệu quả của máy bay MiG - chặn từ xa, tạo thế, tạo đà vào công kích.
Những ngày cuối tháng 10/1967, Không quân Mỹ đánh phá dữ dội Sân bay Nội Bài - căn cứ chính của Không quân Việt Nam, quân dân đã được huy động cùng bộ đội công binh sửa chữa bất kể ngày đêm để những cánh én có thể cất cánh làm nhiệm vụ. Ngay trong buổi tối 24/10, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu và nhận định ngày hôm sau Không quân Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá các mục tiêu sâu trong Hà Nội và các sân bay.
Phi công Đoàn Không quân Sao Đỏ trong những ngày đầu chiến đấu. Ảnh Tư liệu.Vào lúc 16 giờ 20 phút, nhận định sau một ngày đánh lớn không thấy Không quân Việt Nam xuất kích, có thể phía Mỹ sẽ sơ hở. Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng biên đội MiG-17 gồm phi công Nguyễn Hữu Tào, Nguyễn Phú Ninh, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Phi Hùng tấn công đội hình cường kích của Không quân Mỹ.
Trong ngày biên đội đã cất cánh 2 lần nhưng không gặp đối phương, lần thứ 3, sau khi cất cánh lúc 15 giờ 50 phút. Sau khi lấy độ cao gần 3.000 m, biên đội bay vòng về phía Tam Đảo. Khi vòng đến phía Đông sân bay, biên đội phát hiện 4 chiếc F-4 phía bên phải, độ cao từ 2.000 đến 2.500 m, cự ly khoảng 5.000 m. Đúng như dự kiến, các tốp máy bay Không quân Mỹ cho rằng các sân bay bị đánh phá hư hỏng nặng khiến MiG không thể cất cánh được. Nhưng khi đến khu vực giảm tốc độ và độ cao để chuẩn bị vòng vào ném bom sân bay thì bị MiG tấn công, đội hình ném bom rối loạn, các máy bay tiêm kích buộc phải quay lại đối phó với MiG. Chúng liên tiếp phóng tên lửa về biên đội máy bay ta. Các máy bay MiG nhanh chóng cơ động tránh tên lửa và vòng gấp lao về phía đội hình F-4. Số 2- Nguyễn Phú Ninh lao vào nổ súng vào một chiếc F-4 ở cự ly 300 – 400 m, đạn chùm lên thân chiếc máy bay. Khi thấy những máy bay F-4 khác tiếp tục lao về hướng Vĩnh Yên, số 3 và số 4 cũng cắt bán kính bám theo nhưng không có cơ hội nổ súng. Các máy bay Mỹ đã thoát ra khỏi khu chiến. Trong trận này, biên đội đã bắn rơi một máy bay F-4 của địch và gây rối loạn đội hình tấn công của Không quân Mỹ.
Sau những trận chiến đấu của những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/1967, Bộ Tư lệnh quyết định tăng thêm nhiệm vụ cho máy bay MiG-21. Trong giai đoạn này, Trung đoàn 921 cơ động về Sân bay Gia Lâm vì sân bay Nội Bài bị hư hỏng nặng. Song nhận thấy các phương tiện đảm bảo ở Gia Lâm không đầy đủ nên họ lại cơ động trở lại Nội Bài trực chiến và sẽ sẵn sàng cất cánh trên đường lăn chỉ rộng 16 m.
Ngày 7/11, căn cứ vào các thông tin tình báo chiến lược và quy luật gây nhiễu của Không quân Mỹ, lúc 15 giờ 9 phút, sở chỉ huy lệnh biên đội hai chiếc MiG-21 do phi công Nguyễn Hồng Nhị và phi công Nguyễn Đăng Kính cất cánh, bay chờ trên đỉnh sân bay. Khi phát hiện tốp mục tiêu ở phía Nam Sầm Nưa bay vào, biên đội được lệnh lên độ cao 6.000 m, bay hướng 360 độ, cự ly 15 km. Ngay sau đó, số 2 phát hiện mục tiêu, số 1 lệnh cắt thùng dầu phụ, tăng tốc vào công kích. Đội hình máy bay Mỹ bay dài F-4 yểm hộ đầu đuôi, F-105 bay giữa.
Với quyết tâm đánh máy bay cường kích, phi công Nguyễn Hồng Nhị quyết định xông vào sườn bên trái đội hình F-105, nhanh chóng đưa 1 chiếc F-105 vào vòng ngắm, đến cự ly phù hợp, anh ấn nút phóng tên lửa, quả tên lửa sượt qua đuôi chiếc F-105 (có tài liệu khẳng định mảnh đạn tên lửa vẫn găm vào đuôi máy bay khi nó về căn cứ hạ cánh), tốp F-105 hoảng loạn vòng gấp chui xuống phía bụng máy bay của phi công Nguyễn Hồng Nhị, anh lao qua tốp F-105 này và ép độ nghiêng trái bám theo tốp F-105 bay phía trước, khi điểm ngắm ổn định, âm lượng tên lửa kêu tốt, phi công Nguyễn Hồng Nhị phóng quả tên lửa thứ 2, trúng ngay một chiếc F-105 bay phía ngoài, dù đã bốc cháy nó cố bay tiếp một đoạn nhưng do bị thương nặng nên đã rơi cách Sân bay Kép 40 km phía Tây Nam. Tên phi công điều khiển máy bay này nhảy dù nhưng đã tử trận, đồng bọn của chúng thấy vậy hoảng hốt quăng bom tháo chạy.
Số 2 Nguyễn Đăng Kính trong khi bám theo yểm trợ cho số 1 đã phát hiện 8 chiếc đang bám theo phía sau của số 1, để bảo vệ đội trưởng, số 2 đã phóng một tên lửa vào tốp F-4. Quả nhiên, 2 tốp F-4 vòng phải gấp, bỏ không bám theo mục tiêu nữa. Và số 2 thoát ly về sân bay Kiến An hạ cánh an toàn.
BÍCH PHƯỢNG
(Theo Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam)