Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt
"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Gỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Câu ca ấy không chỉ khẳng định vị trí vững chắc của Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức người Việt mà còn là biểu tượng của sự tôn kính cội nguồn dân tộc, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Một góc phần Lễ trong Giỗ Tổ Vùng Vương tại Phú Thọ.
Giỗ Tổ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, phải đến năm 1995, Giỗ Tổ Hùng Vương mới chính thức trở thành ngày lễ lớn trong năm. Đặc biệt, năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan nhà nước chủ trì tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 của Chính phủ Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài…
Hiện nay, trên cả nước có hơn 1.400 di tích. Riêng tại tỉnh Phú Thọ có khoảng 350 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Từ Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Người Việt Nam ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sáng tạo những không gian thờ cúng Hùng Vương riêng, xin chân nhang, đất, nước từ Đền Hùng về thờ cúng ông Tổ của dân tộc. Đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.
Ngày nay, ngoài địa điểm chính là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước, trong đó nhiều tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ cho đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Kiên Giang... Đặc biệt, tại các quốc gia khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thành kính tổ chức tri ân vào ngày Quốc giỗ 10-3 âm lịch hàng năm. Các kiều bào trong ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức các hoạt động nghi lễ truyền thống, dâng sản vật, hoa quả, thắp hương tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng xây đất nước. Đây cũng là dịp để những người con xa xứ hướng về nguồn cội.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang bản sắc tâm linh cộng đồng mà sâu sắc hơn, đây là một hình thức biểu hiện tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ của văn hoá tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay. Đây cũng là một tín ngưỡng độc đáo, minh chứng cho nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh, trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần của dân tộc Việt Nam trên chặng đường dựng nước và giữ nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
PHÚ THỌ