8 giờ:7 phút Thứ sáu, ngày 19 tháng 5 , 2023

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2023)

Bộ đội Phòng không - Không quân lập công mừng sinh nhật Bác

Đầu tháng 5-1967, Bộ Tư lệnh Quân chủng phát động đợt thi đua “Luyện hay đánh giỏi, lập công dâng Bác”, lập thành tích mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 77 tuổi. Các binh chủng, sư đoàn, trung đoàn trong toàn Quân chủng đã nhiệt liệt hưởng ứng đợt thi đua. Một đợt sinh hoạt chính trị được tổ chức rộng khắp nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ xác định trách nhiệm và vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Bộ đội Phòng không - Không quân lập công mừng sinh nhật Bác
Hồ Chủ tịch thăm Đoàn cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966.
Ảnh tư liệu

Thời điểm đó, liên quân Mỹ đã triển khai kế hoạch đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ. Với quyết tâm dìm Hà Nội trong bóng tối, chúng sử dụng loại vũ khí mới là loại bom điều khiển bằng sóng vô tuyến, một loại bom tinh khôn, có xác suất đánh trúng mục tiêu rất cao. Ở mỗi đầu quả bom có hệ thống tự động điều chỉnh bom rơi đúng mục tiêu theo ảnh chuẩn đã chụp. Sau lần thử nghiệm thành công đánh vào doanh trại của Sư đoàn bộ binh 312 ở Sầm Sơn (11-3-1967), chúng bắt đầu tiến hành sử dụng rộng rãi loại bom này để đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta trên khắp Miền Bắc. Lúc này, lực lượng trực tiếp bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ lên tới 18 đại đội pháo 57mm, 3 đại đội pháo tự hành AM của 3 trung đoàn; ngoài ra còn có lực lượng pháo trung cao ở vòng ngoài. Dọc sông Hồng từ cầu Long Biên, cầu phao Đông Trù đến cầu Đuống còn có lực lượng pháo 37mm, súng máy 14,5mm và 12,7mm của các tàu hải quân neo đậu trên sông.

Ngày 19-5-1967, từ sáng sớm Phủ Chủ tịch điện thông báo cho Quân chủng: Nhân dịp ngày sinh của Hồ Chủ tịch, Người gửi 8 lẵng hoa cho những đơn vị lập công xuất sắc trong tháng 5 lịch sử. Tin vui lập tức được truyền xuống khắp các trận địa, sân bay đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Đâu đâu cũng tràn ngập không khí náo nức thi đua lập công dâng Bác.

Vào 8 giờ 30 phút, 2 đại đội ra đa cảnh giới 35 và 37 của Trung đoàn 292 phát hiện được những tình báo đầu tiên, triệu chứng đánh lớn của không quân địch. Ngay sau đó, vào lúc 9 giờ 30 phút, toàn Quân chủng đã sẵn sàng chiến đấu. Đúng như dự đoán, vào lúc 10 giờ, 40 lần chiếc máy bay địch từ biển bay vào Thanh Hoá, theo hướng lên Vụ Bản, Kim Bôi rồi vào Hà Nội. Chúng đánh khu Văn Điển, Thường Tín và khu vực Bạch Mai. 8 tiểu đoàn tên lửa của các Trung đoàn 278, 257, 236 đã phóng 22 quả đạn, tiêu diệt tại chỗ 4 máy bay. Lực lượng cao xạ cũng bắn rơi 3 chiếc. Kết thúc buổi sáng, toàn Quân chủng bắn rơi 7 máy bay địch.

Trong buổi trưa, Bộ Tư lệnh Quân chủng điện nhắc các đơn vị: Buổi chiều, có khả năng địch đánh Nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên với quy mô lớn. Các đơn vị làm công tác chuẩn bị chiến đấu… Đúng như ta nhận định, 12 giờ 25 phút, địch huy động 20 chiếc máy bay A-4, F-8, F-4, A-6 đánh chế áp các trận địa pháo và chặn Không quân ta ở vòng ngoài, tạo điều kiện cho 2 chiếc A-4E phóng bom. Trong khi đó, các tốp F-4 lượn ở vòng ngoài liên tiếp phóng tên lửa sơ-rai làm cho các đài ra đa ngắm bắn của pháo và đài điều khiển tên lửa gặp rất nhiều khó khăn. Do được chuẩn bị chu đáo, các đơn vị tên lửa và pháo đã chủ động đánh địch. 8 tiểu đoàn tên lửa phóng hơn 20 quả đạn, phá vỡ đội hình của địch từ vòng ngoài. Cũng thời điểm đó, lúc 14 giờ 24 phút, 2 biên đội MiG-17 xuất kích từ Sân bay Gia Lâm lên chặn đánh địch ở khu vực Thanh Oai, Quốc Oai và phát hiện đội hình lớn máy bay địch với F-4, F-8, A-4. Không quân ta lao vào quần nhau với địch. Máy bay địch trút bỏ bom đạn, lao vào quần nhau với máy bay ta. Kết quả ta bắn rơi 2 máy bay F-4, nhưng lực lượng phi công cũng có tổn thất, hy sinh. Ta đã bẻ gẫy được một đoàn tiến công nguy hiểm của địch vào Hà Nội.

Gần kết thúc trận đánh chiều ngày 19-5, máy bay trinh sát A-3J bay thẳng vào trận địa của Đại đội 1, Trung đoàn 241. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tân hạ lệnh cho toàn đại đội nổ súng. Chiếc máy bay trúng đạn, cháy rực giữa trời Hà Nội và rơi trên đường phố Lê Trực. Tham gia bắn rơi chiếc máy bay này còn có hoả lực của Đại đội 33, Trung đoàn 234 bố trí ngay trước cửa Nhà máy điện Yên Phụ.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc vào đúng ngày sinh của Bác năm 1967, quân dân Hà Nội đã vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trên khắp các trận địa và sân bay sôi nổi mít tinh đón mừng phần thưởng cao quý của Bác. Một lần nữa, hình ảnh của Bác Hồ vô vàn kính yêu với lời nhắc nhở: “Các chú cứ bắn rơi thật nhiều máy bay là Bác khoẻ, Bác vui” là mạch nguồn sức mạnh lớn lao đối với Bộ đội PK-KQ.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website