10 giờ:31 phút Chủ nhật, ngày 7 tháng 5 , 2023

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2023)

Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu và đánh trận mở đầu chiến dịch. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã tham gia 20 trận đánh lớn.

 Nhờ vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và bộ đội chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 17 đại đội địch, bắt hơn 4.000 tù binh, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng...

Tập trung binh lực, hiệp đồng binh chủng đánh công kiên, tiêu diệt các cứ điểm kiên cố của địch

Bước vào chiến dịch, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm Him Lam. Phân tích tình hình, địa hình, khả năng tác chiến, Bộ chỉ huy Đại đoàn quyết định sử dụng Trung đoàn 141 tiến công trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 209 tiến công hướng thứ yếu và chặn viện. Chiều 13-3-1954, trên cả hai hướng, các đơn vị của Đại đoàn chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát xung phong cũng là lúc pháo binh ta dồn dập bắn vào Him Lam và các khu vực trọng yếu của tập đoàn cứ điểm. Sau 30 phút, pháo ta chuyển làn bắn sâu vào phía trong; trên các hướng, bộ đội áp sát các cửa mở, dùng bộc phá liên tục phá rào. Trước sức công phá của bộ đội ta, cứ điểm Him Lam của địch thất thủ, quân địch hoảng loạn bỏ chạy. Trên đường chạy về Mường Thanh, chúng bị Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) chặn đánh, tiêu diệt hơn một đại đội. Đêm 13-3, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam. 

Đánh cứ điểm Độc Lập (đêm 14-3-1954), Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) được giao đảm nhiệm tiến công hướng chủ yếu, cùng với Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308), hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội cối 120mm phối thuộc. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, sáng 15-3, Trung đoàn 165 và các đơn vị đã chiếm được cứ điểm Độc Lập. 

Hai trận đánh thắng lợi trong 3 ngày chiến đấu, cũng là hai trận công kiên lớn nhất trong lịch sử Quân đội ta cho đến thời điểm đó đã mở toang hai cánh cửa chính để tiến vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu 
Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu 

Ở các trận đánh trên, bên cạnh tập trung binh lực theo sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 312 đã sử dụng súng cối, lựu pháo, pháo ngắm bắn trực tiếp tập trung bắn chế áp, tiêu diệt các ụ súng, hỏa điểm của địch ở hai bên đầu cầu, chi viện cho bộ binh tiến hành mở cửa và xung phong, sau đó bắn vào sâu trong trận địa địch; bộ binh cơ động theo giao thông hào, chiến hào, trận địa xuất phát tiến công đã được chuẩn bị để áp sát địch, thực hiện mở cửa, đánh phá lần lượt các mục tiêu. 

Thắng lợi của hai trận đầu chứng tỏ khả năng hiệp đồng tác chiến đánh cứ điểm kiên cố của Đại đoàn 312 đã có nhiều tiến bộ, bộ đội được rèn luyện về cách đánh công kiên tương đối chính quy, khẳng định sự phát triển chiến thuật về cách đánh của Đại đoàn.

Tổ chức lực lượng nhỏ, xây dựng trận địa bao vây, đánh lấn tiêu diệt các vị trí địch

Bước vào đợt 2 chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực tiêu diệt toàn bộ quân địch ở khu Đông, chiếm lĩnh một số trận địa pháo và các điểm cao, biến thành trận địa của ta để uy hiếp khu trung tâm Mường Thanh; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 cùng các đơn vị phối thuộc, các phân đội hỏa lực có nhiệm vụ tiến công các cứ điểm gồm D1, D2, E và 210, nơi được mệnh danh là “bức tường chắn” cho trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm. 

12 giờ ngày 30-3-1954, Trung đoàn 209 bắt đầu xuất phát chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị tiến công đồi D1. Đánh xong đồi D1, Trung đoàn 209 lệnh cho Tiểu đoàn 154 tổ chức phòng ngự và xẻ một đường hào từ đỉnh xuống chân đồi để tiện cho cơ động quân từ phía sau lên. Tiểu đoàn 130 (dự bị của Trung đoàn 209) được lệnh cơ động tiếp tục phát triển đánh sang đồi D2. Ở hướng đồi E, Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 (Trung đoàn 141) được hỏa lực của Đại đoàn và Trung đoàn 209 chi viện, sau 1 giờ 45 phút xung phong đã đánh chiếm được đồi E, nhưng bị địch chiếm lại. Chỉ huy Trung đoàn 141 quyết định sử dụng Đại đội 243 tiến sâu, phối hợp với lực lượng bên ngoài đánh vào, tiêu diệt sinh lực địch, đánh vào cứ điểm giành thắng lợi. 

Trong đợt 2 của chiến dịch, Đại đoàn 312 chủ trương tổ chức các lực lượng nhỏ, hoạt động rộng khắp dưới hình thức đánh lấn, lần lượt đánh chiếm từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí của địch; tổ chức các đội dũng sĩ luồn sâu vào bên trong đánh phá kho tàng, bắt tù binh, tập kích các vị trí địch; tổ chức các tổ bắn tỉa, tổ đoạt dù tiếp tế; những đội hỏa lực cơ động hoạt động rộng khắp, tiêu hao sinh lực địch, làm cho chúng luôn lo sợ, căng thẳng, tinh thần suy sụp, tuyệt vọng. Cùng với đó, thực hiện cơ động một số phân đội hỏa lực phòng không tiến sâu vào cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, sử dụng các loại hỏa lực bắn máy bay bay thấp, buộc chúng phải thả dù ở trên cao nên không chính xác, phần lớn số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta. Chiến thuật đánh nhỏ đã phát huy khả năng tác chiến của bộ đội, tạo hiệu quả cao trong bao vây, tiêu diệt sinh lực địch. 

Bao vây chặt các khu vực địch cố thủ, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm

17 giờ ngày 1-5-1954, pháo chiến dịch tập trung nã đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Sau gần một giờ pháo kích, các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Tiểu đoàn 166 (Trung đoàn 209) tiến công cứ điểm 505 là cứ điểm quan trọng nằm ở phía Đông Bắc khu trung tâm, cách hầm chỉ huy của tướng De Castries khoảng 1,5km. Sau khi đánh chiếm đầu cầu, các đơn vị của Đại đoàn 312 không thể phát triển vào sâu trong trung tâm, do địch dựa vào công sự và sự chi viện của pháo cối khống chế, ngăn chặn các đợt xung phong của ta. Để tạo xung lực mạnh, áp đảo địch, Tiểu đoàn 166 đưa hai đại đội vào chiến đấu, vừa bao vây chặt các hầm cố thủ, vừa thọc sâu chia cắt, diệt chỉ huy cứ điểm. Đến 0 giờ 30 phút ngày 2-5, đơn vị đã làm chủ cứ điểm 505. Cũng trong đêm 1-5, Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) đánh chiếm cứ điểm 505A. Sau đó, các cứ điểm 506, 507 đều bị các đơn vị của Đại đoàn phối hợp với các đơn vị bạn đánh chiếm, bắt tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ.

Đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị của Đại đoàn 312 đã tổ chức lực lượng tập trung tiêu diệt các điểm cố định, khi địch cố thủ thì tiến hành chiến đấu giữ vững trận địa, kết hợp bao vây chặt, không cho địch phản kích; tận dụng thời cơ, phối hợp các lực lượng đánh thẳng vào trung tâm, giải quyết dứt điểm từng cứ điểm, tạo thế để đánh chiếm các điểm còn lại.

Như vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phù hợp với thực tế chiến trường là yếu tố quan trọng để Đại đoàn 312 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ tập trung lực lượng, hiệp đồng binh chủng đánh chiếm các cứ điểm quan trọng đến vây hãm, đột phá các cứ điểm đơn lẻ với lực lượng ít, khoảng thời gian dài cho đến tiến công vào khu vực có bố trí phòng ngự kiên cố, phức tạp của địch. Đó còn là quá trình vây lấn kết hợp với đột phá, tiến công chính diện kết hợp với vu hồi sau lưng, bên sườn, thọc sâu, luồn sâu; chấp hành chủ trương, mệnh lệnh, bám sát thực tiễn chiến đấu để vận dụng các chiến thuật phù hợp, phát huy khả năng của bộ đội và toàn đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website