Bài học về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 12 năm 1972
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng có tính chất quyết định đến thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, đó là Quân chủng PK-KQ đã làm tốt CTĐ, CTCT, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng cho bộ đội; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng... trong toàn Quân chủng.
Tiểu đoàn 77 rút kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệuTừ thực tiễn hoạt động và kết quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Chiến dịch, có thể đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, xây dựng ý chí và quyết tâm chiến đấu cao, bền vững, kỷ luật chiến đấu nghiêm minh cho bộ đội. Ngày 27-10-1972, Đảng ủy Quân chủng PK-KQ họp phiên bất thường quán triệt tinh thần nghị quyết Quân ủy Trung ương về tình hình và nhiệm vụ mới; đặc biệt là nhiệm vụ của Quân chủng về nhanh chóng nâng cao sức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, chủ động đánh trả các cuộc tập kích đường không, kể cả B-52 vào miền Bắc, nhất là Hà Nội, Hải Phòng.
Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ, Quân chủng đã coi trọng công tác chính trị, tư tưởng trong xây dựng phát huy ý chí, quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng cho bộ đội, tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn gian khổ, không sợ hi sinh trong chuẩn bị và trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Các lực lượng trong toàn Quân chủng đã bước vào chiến đấu với tinh thần dám đánh, quyết đánh, biết đánh và niềm tin chiến thắng. Trong suốt Chiến dịch, chúng ta đã kịp thời giải quyết tốt những phát sinh về tư tưởng, nêu cao cảnh giác, khắc phục tâm lý thiếu tự tin khi đánh B-52, càng đánh càng trưởng thành và càng chiến thắng.
Hai là, quán triệt, giáo dục cho bộ đội nhận thức sâu sắc về nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên về tình hình, nhiệm vụ và phương án chiến đấu. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, nắm rõ và vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo tác chiến, giải quyết tốt cách đánh của các lực lượng tham gia chiến dịch; cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung giáo dục, tuyên truyền cho bộ đội nhận thức rõ nhiệm vụ được giao, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, hiểu rõ tính chất gay go, ác liệt trong chiến đấu, khắc phục mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động, thiếu lòng tin vào chiến thắng, động viên tinh thần khắc phục khó khăn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh phương án tác chiến, chủ động sáng tạo, rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh địch có hiệu quả nhất.
Ba là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Bám sát nhiệm vụ và thực tiễn chiến đấu, kịp thời rút kinh nghiệm và bổ sung nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành nhằm giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng cho bộ đội. Qua tổng kết và từ kết quả thực tế, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn chủ động và bám sát từng nhiệm vụ, từng lực lượng, từng con người, từng trận địa, từng trận đánh... nắm chắc tình hình mọi mặt của đơn vị, bộ phận, kịp thời đề ra chủ trương lãnh đạo, biện pháp thực hiện sát thực, hiệu quả qua từng trận đánh, từng giai đoạn... nhằm củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu, khắc phục mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động, thiếu lòng tin vào chiến thắng, giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong chiến đấu ác liệt, trong các tình huống; động viên khích lệ tinh thần khắc phục khó khăn, củng cố niềm tin chiến thắng cho bộ đội.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp và vai trò của tổ chức đảng, chỉ huy, quần chúng và các lực lượng. Trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được các tổ chức đảng, chỉ huy và các tổ chức quần chúng tiến hành chặt chẽ, chủ động, liên tục, kịp thời ở tất cả các đơn vị, các cấp, thông qua các hình thức giáo dục, thi đua, tuyên truyền, nắm và quản lý tư tưởng; bởi vậy, các đơn vị bước vào cuộc chiến đấu với tư thế chủ động cả về lực lượng, phương tiện, cả về tổ chức, cả về chính trị và tư tưởng, với niềm tin chiến thắng và tâm lý vững vàng, với tinh thần quyết đánh và quyết đánh thắng.
Trong quá trình chiến đấu, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp luôn sâu sát thực tế, trực tiếp tiến hành công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc, kịp thời động viên, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của các tập thể, cá nhân trong chiến đấu... đặc biệt là hoạt động thi đua lập công trong chuẩn bị chiến đấu và trong quá trình chiến đấu cho bộ đội...
Những bài học kinh nghiệm về tiến hành công tác giáo dục, chính trị tư tưởng trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tiếp tục chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội; chống tư tưởng coi nhẹ, giản đơn trong tiến hành, trong nắm và quản lý tư tưởng bộ đội. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải bám sát đặc điểm nhiệm vụ để xác định nội dung tiến hành, có hình thức, biện pháp đổi mới, bám sát thực tế, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng, nâng cao yếu tố chính trị tinh thần cho bộ đội.
QUÁCH NHƯ THÀNH