13 giờ:18 phút Thứ hai, ngày 5 tháng 6 , 2023

“Mắt thần” nơi đầu sóng ngọn gió

Trở thành người lính canh trời đã là một niềm tự hào, nhưng sẽ càng vinh dự hơn nữa khi được trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc ở Quần đảo Trường Sa. Đó là tâm sự của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 khi chúng tôi được đến thăm họ.

“Mắt thần” nơi đầu sóng ngọn gió
Huấn luyện SSCĐ tại Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377.

Theo những người lính Hải quân, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6 là thời điểm sóng êm biển lặng, rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra kiểm tra, thăm hỏi, động viên bộ đội và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa. Vậy mà trong suốt hải trình, nhiều người trong đoàn công tác của chúng tôi cũng phải thấy nôn nao mỗi khi mưa dông, biển động. Tuy nhiên, khi thấy “thủ đô” của Huyện đảo Trường Sa thấp thoáng ẩn hiện giữa mênh mông biển trời, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Từ trên âu cảng, chúng tôi đã thấy bóng áo xanh của lính canh trời hòa cùng với quân dân trên đảo đứng chờ đón đoàn. Nhận ra tôi trong đoàn công tác, Đại úy Hoàng Công Thịnh - Chính trị viên Trạm Ra đa 11 nhanh chóng chạy đến tay bắt mặt mừng. Vừa giúp tôi chuyển thùng hoa quả gửi từ đất liền ra tặng bộ đội, anh nói “Đã lâu rồi mới có phóng viên của Báo PK-KQ đến thăm đơn vị, anh em ở Trạm mong nhà báo lắm!”. Sự nhiệt tình và trân trọng của anh khiến tôi cảm thấy thân quen như vừa gặp lại một người bạn cũ.

Cùng anh rảo bước trên đường tới Trạm Ra đa 11, chúng tôi mới cảm nhận được khí hậu khắc nghiệt ở Quần đảo Trường Sa quanh năm nắng gió. Đang là mùa khô nên thời tiết oi bức kéo dài đến tận chiều tối, ngay cả những cơn gió muối thoảng qua cũng phả ra hơi nóng hầm hập khó chịu. Đại úy Hoàng Công Thịnh chia sẻ: “Mùa khô ở Đảo Trường Sa Lớn tuy nắng nóng và ít nước ngọt nhưng đây lại là thời điểm mà mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, quân dân trên đảo trở nên sôi động hơn bởi được đón các đoàn khách từ đất liền tới thăm. Đây là niềm vui lớn đối với chúng tôi khi được giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chuyện để phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ đất liền”. Câu chuyện giữa chúng tôi tạm gián đoạn khi gần tới cổng Trạm, từ đằng xa tôi đã nhận thấy 2 quả cầu đặc trưng của các đơn vị ra đa.

Biết có nhà báo đến thăm, ngoài các thành phần làm nhiệm vụ trên đài, sở chỉ huy, bộ đội đã có mặt đông đủ ở Phòng Hồ Chí Minh. Rót mời tôi ly trà mát lạnh, Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ - Trạm trưởng Trạm Ra đa 11 phấn khởi giới thiệu: Những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và sự yêu thương, đùm bọc của quân và dân trên Đảo Trường Sa Lớn, đơn vị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là huấn luyện SSCĐ, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động bay trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Trạm phối hợp với các lực lượng trên đảo làm nhiệm vụ canh gác, quản lý tình hình trên không, trên biển, thông báo, báo động khi có tình huống. Cùng với đó, Trạm đẩy mạnh thực hiện XDCQ, QLKL, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ gìn mối đoàn kết nội bộ và mối quan hệ với các lực lượng trên đảo; bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần, đời sống để bộ đội yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ. Đó là cơ sở vững chắc để 2 năm liền (2021, 2022), Trạm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; năm 2022 được Tư lệnh Quân chủng tặng Bằng khen về xây dựng đơn vị VMTD “mẫu mực, tiêu biểu” và Sư đoàn 377 tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Vì thời gian ở trên đảo không nhiều nên khi biết bộ đội đang mở máy phát sóng trực ban chiến đấu, chúng tôi đề nghị được lên tham quan đài ra đa. Trên đài ra đa, các thành phần đã có mặt đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ. Thiếu úy Nguyễn Mạnh Thành - Đài trưởng cho biết: “Đây là khí tài được số hóa, trong khi mặt bằng trình độ chưa đáp ứng yêu cầu nên ngay khi về đơn vị, chúng tôi thường xuyên kèm cặp, giúp đỡ các trắc thủ nắm chắc lý thuyết tính năng, kỹ chiến thuật của đài, ghi nhớ các núm nút trên mặt máy, luyện tập thuần thục các thao tác, chỉ tiêu cá nhân để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh trực trên đài”. Ngồi bên cạnh, ánh mắt của Hạ sĩ Bùi Khắc Tình - Trắc thủ như dán chặt vào màn hình. Anh cẩn thận quan sát, làm rõ các tốp mục tiêu trong phạm vi quản lý để truyền tình báo về sở chỉ huy. Hạ sĩ Bùi Khắc Tình chia sẻ: “Tiếp xúc với khí tài mới, ban đầu chúng tôi còn khá bỡ ngỡ, đặc biệt là thao tác trên máy; song nhờ cán bộ luôn tận tình chỉ bảo, rồi thực hành nhiều thành quen, tôi đã tự tin vào khả năng của mình và có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Đình Tứ, chúng tôi được biết, bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, đơn vị cũng chú trọng duy trì nền nếp, chế độ quản lý, sử dụng, bảo quản VKTBKT luôn tốt, bền, SSCĐ cao. Đặc biệt, trong điều kiện các linh kiện khí tài thường xuyên bị ăn mòn, rỉ sét do gió muối nhưng đơn vị đã thường xuyên chủ động trong việc che chắn, tăng cường công tác kiểm tra, lau chùi, bảo quản kỹ lưỡng, qua đó bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ của đơn vị không bị gián đoạn, quản lý vững chắc vùng trời được giao.

Tranh thủ chút thời gian ít ỏi còn lại ở trên đảo, chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác trên đảo. Dù ở nhiều miền quê khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung một niềm tự hào khi được phục vụ, chiến đấu trên Quần đảo Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc. Chia tay những chiến sĩ canh trời nơi đầu sóng ngọn gió để trở về đất liền, chúng tôi vẫn thấy lâng lâng niềm tự hào bởi dù còn nhiều khó khăn song với tinh thần “Trường Sa vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Trường Sa”, cánh sóng nơi đảo xa ấy vẫn ngày đêm thầm lặng quản lý vùng trời để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng không thể xâm phạm của đất nước.

Bài, ảnh: THÁI SƠN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website