Chính ủy Đặng Tính
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Quân chủng PK-KQ (22-10-1963 / 22-10-2023) và tròn 50 năm ngày hi sinh của Đại tá Đặng Tính (1973 - 2023); Ban Liên lạc Cựu chiến binh PK-KQ đã biên soạn, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính” để tri ân đến người anh hùng, Chính ủy đầu tiên của Quân chủng PK-KQ.
Cuốn sách là tập hợp thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gửi Ban liên lạc chiến sĩ Trường Sơn và gia đình đồng chí Đặng Tính, bên cạnh đó là những bài viết ghi lại ký ức, kỷ niệm của đồng đội về đồng chí Đặng Tính, những lá thư mà đồng chí gửi cho người thân, những bức ảnh tư liệu gắn với quá trình hoạt động, công tác của ông. Mỗi bài viết, mỗi tác giả, trên cương vị của mình, đều có những đánh giá rất cao về đức, về tâm, về tài của đồng chí Đặng Tính, đồng thời cung cấp cho bạn đọc những chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người Chính ủy đầu tiên của Quân chủng PK-KQ, luôn trung thành, tận tụy, hết lòng phục vụ cách mạng; dũng cảm, gương mẫu trong chiến đấu, công tác; đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội.
Bìa cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính”.
Đồng chí Đặng Tính tức Đặng Văn Ty (1920 - 1973), quê ở thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội); trú quán ở Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Ông tham gia cách mạng năm 1944 trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Ông là một trong những người sáng lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông vào Đảng năm 1945, tiếp đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Giang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương (1946); Chính ủy Mặt trận đường số 5 Hà Nội-Hải Phòng (1950-1951); Chính ủy Liên khu 3 rồi Tư lệnh kiêm Phó Bí thư khu Tả Ngạn Sông Hồng (1951-1953); Cục trưởng Cục Dân quân; Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu; Cục trưởng Cục Không quân (1954-1962). Khi Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ được thành lập năm 1963, Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Chính ủy. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng Quân chủng trưởng thành nhanh chóng, chiến đấu thắng lợi. Từ năm 1971 đến 1973, ông làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, góp phần cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông hi sinh ngày 4-4-1973 tại Trường Sơn.
Đồng chí Đặng Tính được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa III và khóa IV. Ông được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được phong quân hàm Đại tá (tháng 8-1958), truy phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (2-2010).
Được rèn luyện thử thách trong phong trào đấu tranh cách mạng và trong cuộc đấu tranh vũ trang, ông đã nêu cao phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, luôn đem hết sức mình phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Trong suốt quá trình đó, ông thể hiện là một cán bộ vững vàng, có ý thức tổ chức và kỷ luật cao, luôn tôn trọng tập thể giàu nghị lực, giàu sáng tạo, chịu khó học tập, khiêm tốn và giản dị, lạc quan cách mạng, gần gũi quần chúng, đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội, được mọi người tin yêu. Suốt 30 năm liên tục chiến đấu, đồng chí Đặng Tính đã đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Khẳng định những công lao đóng góp của đồng chí Đặng Tính, trong bức thư gửi Ban liên lạc Chiến sĩ Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn và 25 năm Ngày hi sinh của đồng chí Đặng Tính, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Có thể nói, đồng chí Đặng Tính như một con “dao pha”, từ Tư lệnh khu chuyển lên Cục Dân quân, từ dân quân chuyển sang tác chiến, rồi làm công tác đấu tranh với địch trên bàn đàm phá. Trong các lĩnh vực kể trên con “dao pha” ấy đều tỏ ra sắc bén”.
Trong các bài viết của cựu chiến binh về Chính ủy Đặng Tính đều nhấn mạnh: Ông là một con người đức độ, mẫu mực, sắc sảo, nhạy bén, giàu trí tuệ và là hạt nhân đoàn kết trong Đảng, trong Quân chủng PK-KQ. Ông biết khơi dậy trong mọi người niềm tin ở chiến thắng trong những thời khắc khó khăn. Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam viết: “Với chúng tôi, những lớp phi công được sống, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chính ủy Đặng Tính luôn nhớ đến ông như một người cha hiền từ mà nghiêm khắc. Ông biết khơi dậy trong chúng tôi niềm tin ở chiến thắng trong những thời khắc khó khăn. Và điều làm mọi cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ khắc ghi: Ông là người đặt nền móng cho Bộ đội Không quân phát triển và là kiến trúc sư cho những thắng lợi vang dội của Bộ đội PK-KQ trong giai đoạn 1 của cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra Miền Bắc”.
Ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí Đặng Tính đã góp phần cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn và toàn diện của quân và dân ta trong năm 1972. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn viết: “Anh Đặng Tính là một cán bộ quân sự, chính trị song toàn, xuất sắc; một đồng chí kiên định lập trường, quan điểm vì Đảng, vì dân, dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng Đảng và công tác chính trị, dày dạn kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, xây dựng tổ chức. Anh là con người tiêu biểu về đạo đức, liêm khiết, chí công vô tư; tiêu biểu cho đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; sống trong sạch, giản dị, thương yêu, gần gũi quần chúng”.
Thật thương tiếc khi ông sớm hi sinh ngay tại tuyến đường Trường Sơn vào ngày 4-4-1973 tại Pắc Soòng, Nam Lào trong chuyến đi công tác. Cả Trường Sơn lặng đi trước mất mát này. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ, Nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không viết: “Đồng chí Đặng Tính hi sinh khi thời điểm thắng lợi của cuộc kháng chiến đến gần, ở tuổi 53, để lại cho chúng ta - những cán bộ, chiến sĩ PK-KQ, gia đình và tất cả những ai đã từng quen biết, gặp gỡ anh sự tiếc thương, đau xót khôn nguôi. Anh đi xa đã 50 năm, nhưng hình ảnh anh - người Chính ủy thân thương còn sống mãi trong lòng Bộ đội PK-KQ. Một Chính ủy như anh sẽ là bất tử”.
NGUYỄN THÀNH TRUNG