Lính thợ đam mê sáng tạo
Chúng tôi đến Trung đoàn 224, Sư đoàn 375, khi Thiếu tá QNCN Phạm Khắc Nghĩa - Kỹ thuật viên máy chỉ huy K59-03, Ban Kỹ thuật đang cùng đồng đội hoàn thiện mô hình “Thiết bị phần mềm bắt mục tiêu của pháo thủ số 1, 2 pháo phòng không 57mm”.
Anh cho biết: “Trước đây, trong huấn luyện, để bắt được mục tiêu trên không, đơn vị sử dụng mô hình ròng rọc kéo bằng tay quay. Vì thế, tốc độ góc thay đổi và hướng của mục tiêu sẽ bị hạn chế nhất định, nhất là trong điều kiện trời tối. Mỗi lần huấn luyện pháo thủ luyện tập hiệp đồng chiến đấu, từng phân đội phải cử 2 sĩ quan đến mỗi khẩu pháo để kiểm tra pháo thủ số 1, 2 về góc tà, phương vị, thời cơ bắn để sau đó tổng hợp từng khẩu đội và rút kinh nghiệm cho toàn đơn vị. Làm như vậy mất rất nhiều thời gian lại thường hay sai lệch về số liệu. Để khắc phục nhược điểm đó, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo thiết bị phần mềm bắt mục tiêu của pháo thủ số 1, 2, thiết bị này giúp chỉ huy kiểm tra quá trình ngắm bắt mục tiêu và thời cơ bắn của pháo thủ. Khi các pháo thủ huấn luyện thì thiết bị sẽ truyền phần tử từ kính ngắm ra phần mềm về máy tính để cán bộ kiểm tra được khả năng bám sát của nhiều khẩu đội trong cùng một lần huấn luyện. Thiết bị đã được ứng dụng rộng rãi trong Trung đoàn, giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả huấn luyện, hội thao, bắn đạn thật và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu”.
Thiếu tá QNCN Phạm Khắc Nghĩa (ngoài cùng bên trái) giới thiệu “Thiết bị phần mềm bắt mục tiêu của pháo thủ số 1, 2 PPK 57mm”.
Năm 1999, tốt nghiệp Chuyên ngành khí tài Pháo phòng không tự hành Zcy-23, Trường Trung cấp kỹ thuật PK-KQ (nay là Trường Cao đẳng kỹ thuật PK-KQ), Phạm Khắc Nghĩa được biên chế về Trung đoàn 224. Mặc dù đã được đào tạo bài bản về kỹ thuật, song ở đơn vị mới với nhiều chủng loại khí tài lúc đầu cũng gây không ít khó khăn cho anh. Quá trình sửa chữa, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật cũng như tham gia các đợt trực ban chiến đấu, anh nhận thấy các đơn vị chủ yếu huấn luyện bằng cơ học, kinh nghiệm, trong khi đó khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ. Anh tự nghĩ phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào huấn luyện, bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật; từ đó, ý tưởng phát minh các sáng kiến kỹ thuật của anh được nhen nhóm. Nghĩ là làm, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh lại tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu và mày mò, sáng chế. Tuy nhiên, lúc đầu gặp không ít khó khăn vì kinh nghiệm ít, lại chưa tiếp xúc với khí tài nhiều, tài liệu khan hiếm… Các sản phẩm ban đầu làm ra cũng không được như ý, phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng với sự quyết tâm, lòng đam mê, anh đã sáng tạo ra nhiều sáng kiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn. Trong hơn 20 năm công tác tại đơn vị, Phạm Khắc Nghĩa đã cho ra đời hơn 10 sáng kiến phục vụ công tác huấn luyện, chiến đấu. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: “Sa bàn bắt mục tiêu M96 tính toán về tốc độ, cự ly và quỹ đạo bay của mục tiêu theo các bài bắn của Quân chủng”, “Cấu tạo mặt máy và quy trình tắt đài ra đa K8-60”, “Mô hình huấn luyện cụm trắc thủ máy chỉ huy”, “Thiết bị kiểm tra kết quả bắn kẹp nòng bằng camera ngày và đêm”, “Thiết bị huấn luyện đêm pháo thủ số 1, 2 pháo 37mm bằng tia lase”… Đặc biệt, sáng kiến “Tổ hợp phần mềm tiêu đồ 5x5” của anh đã đạt giải nhì Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” cấp Quân chủng”.
Thượng tá Từ Dương Trung - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 224 cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng chí Nghĩa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các sáng kiến kỹ thuật của anh có giá trị thiết thực trong ứng dụng nâng cao trình độ kíp chiến đấu, giúp đơn vị luôn đạt thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, hội thao, hội thi, bắn đạn thật”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nỗ lực hết mình cho sáng kiến cải tiến kỹ thuật, những cống hiến của Thiếu tá QNCN Phạm Khắc Nghĩa được cấp trên ghi nhận và nhiều lần khen thưởng. Trong đó phải kể đến thành tích 12 năm liên tiếp (2012-2023) đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, 4 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.
Bài, ảnh: LÊ HỮU LỆ