15 giờ:28 phút Thứ ba, ngày 27 tháng 2 , 2024

Để cánh sóng ra đa luôn vươn xa

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Ra đa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình báo trên không, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống. Điều đó đòi hỏi công tác bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng ra đa càng phải được coi trọng, để cánh sóng luôn vươn xa, quản lý chặt chẽ tình hình trên không, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Để cánh sóng ra đa luôn vươn xa
Bảo quản khí tài tại Trạm Ra đa 35, Trung đoàn 293, Sư đoàn 361. Ảnh:
ĐÌNH KÝ

Trao đổi với Đại tá Trần Quốc Việt - Trưởng Phòng Ra đa, Cục Kỹ thuật chúng tôi được biết, những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng đã đầu tư mua sắm nhiều loại ra đa thế hệ mới, hiện đại; đồng thời thực hiện nhiều chương trình, dự án sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đạt hiệu quả cao. Song, cùng với khó khăn chung của ngành Kỹ thuật toàn Quân chủng, công tác bảo đảm kỹ thuật cho lực lượng ra đa cũng gặp không ít trở ngại, nhất là việc khan hiếm vật tư, linh kiện đặc chủng để thay thế trong sửa chữa, phục hồi khí tài và gửi đi sửa chữa ở nước ngoài. Bên cạnh đó, phần lớn các đơn vị ra đa của Quân chủng đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, điểm cao hay biển, đảo, nên việc chỉ đạo về công tác kỹ thuật còn hạn chế; ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu cũng tác động xấu đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát sóng canh trời của Bộ đội Ra đa, đồng thời làm giảm tuổi thọ của khí tài. Bằng sự năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên ngành Ra đa Quân chủng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bảo đảm khí tài ra đa đủ số lượng, chất lượng và đồng bộ, với hệ số kỹ thuật vượt chỉ tiêu được giao; đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trực ban chiến đấu, quản lý vùng trời (QLVT), quản lý điều hành bay, huấn luyện của Quân chủng.

Đối với nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT, Phòng Ra đa đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của đài ra đa ở các đơn vị, duy trì nghiêm các nền nếp công tác kỹ thuật, nắm vững chuyên môn kỹ thuật ra đa, kịp thời chỉ đạo đơn vị khắc phục, sửa chữa các hỏng hóc xảy ra, bảo đảm cho các đài ra đa thường xuyên trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất, thực hiện nhiệm vụ mở máy quản lý vùng trời. Cán bộ, nhân viên Phòng đã tham gia các đoàn khảo sát đánh giá tình trạng kỹ thuật nhằm đề xuất công tác sửa chữa các loại ra đa thế hệ mới; tham gia hội đồng nghiệm thu các bộ ra đa RV-02 do Viện Kỹ thuật PK-KQ sản xuất và trực tiếp hiệu chỉnh, sửa chữa bảo đảm kỹ thuật cho khí tài ra đa tham gia các cuộc diễn tập, bắn đạn thật đạt kết quả tốt. Đồng thời, Phòng còn thực hiện tốt công tác chỉ đạo tiếp nhận, điều chuyển, thu hồi VKTBKT giữa các đơn vị phòng không, không quân để thực hiện nhiệm vụ; tích cực hướng dẫn các đơn vị trong công tác bảo đảm kỹ thuật và tổ chức nhiều đợt kiểm tra sửa chữa vật tư, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Quân chủng để khắc phục một số hỏng hóc trên các loại ra đa mới. Ngoài ra, ngành đã phối hợp, theo dõi, chỉ đạo Nhà máy Z119, Viện Kỹ thuật PK-KQ sửa chữa thực trạng tại các đơn vị; tổ chức nghiệm thu các đài ra đa và các vật tư sau sửa chữa, sản xuất.

Phòng Ra đa đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm tốt kỹ thuật cho nhiệm vụ, SSCĐ, QLVT, huấn luyện và các nhiệm vụ đột xuất khác, đặc biệt trong các dịp trực ban chiến đấu cao điểm bảo vệ các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, Quân đội, Quân chủng. Công tác tiếp nhận - thu hồi vật tư bổ sung bảo đảm cho sửa chữa, dự phòng tại các đơn vị luôn được ngành thực hiện chặt chẽ, kịp thời khắc phục các hỏng hóc, các nhà máy bảo hành tốt các sản phẩm ra xưởng. 

Để đạt được những kết quả đó, theo Đại tá Trần Quốc Việt, bên cạnh việc chú trọng lựa chọn và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho các thành phần để nhanh chóng nắm bắt, làm chủ VKTBKT mới; ngành Ra đa đã củng cố và hoàn thiện đầy đủ tài liệu, giáo án huấn luyện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ sở nghiên cứu tổ chức huấn luyện khai thác sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho 100% thành phần nắm chắc nội dung, kiểm tra đạt chứng chỉ của nhà sản xuất. Sau tiếp nhận khí tài mới về, đây cũng là lực lượng nòng cốt bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật ở đơn vị mình để bảo đảm kỹ thuật cho khí tài trong quá trình khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên Phòng cũng làm tốt công tác đạo diễn, theo dõi, hướng dẫn giúp đỡ các thành phần tham gia hội thao, hội thi, diễn tập tại các đơn vị để đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Để khai thác hiệu quả các loại ra đa thế hệ mới, ngành Ra đa cũng tăng cường nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, sửa chữa vật tư phụ tùng đáp ứng kịp thời cho yêu cầu công tác bảo đảm kỹ thuật. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các đơn vị tích cực phát huy nhiều đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sát thực tế, có hiệu quả giúp khắc phục các khó khăn trong quá trình khai thác, sử dụng VKTBKT; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ số trong quản lý, biên soạn, khai thác tài liệu. Đặc biệt là thực hiện tốt các nội dung Dự án “Thiết kế, chế tạo trạm sửa chữa, bảo dưỡng cơ động ra đa thế hệ mới tại các trung đoàn ra đa trong Quân chủng” theo kế hoạch.

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nói trên đã không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật cho khí tài ra đa, góp phần để “mắt thần” của Quân chủng luôn vươn xa cánh sóng, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.

THÁI SƠN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website