Nâng tầm tri thức, chắp cánh ước mơ
Tối 10-4, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Thư viện Quân đội phối hợp với Trường Sĩ quan Không quân tổ chức Giao lưu - Tọa đàm “Nâng tầm tri thức, bay cao với những ước mơ”. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 trong Quân đội do Tổng cục Chính trị tổ chức.
Thiếu tướng Hoàng Văn Lâu - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày triển lãm sách của Nhà trường.Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nói lên vai trò to lớn của sách và khẳng định sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Ông nhắc lại câu nói của Mác-Lênin: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Theo ông Lê Doãn Hợp, sách là trường đại học tổng hợp mà mỗi người có thể tự học hỏi, tìm tòi trong suốt cuộc đời mình và đọc sách là “đãi cát tìm vàng”; đọc cả quyển sách mới tìm được một “ý vàng”, do vậy mỗi người cần đọc nhiều loại sách khác nhau để tìm được nhiều “ý vàng” và cũng là để hoàn thiện mình.
Ông cũng chia sẻ thêm với cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Không quân cách để đọc sách có hiệu quả và nhớ lâu. Trước hết phải xác định mục đích của việc đọc sách là để làm gì? Đọc sách gì? Chỗ nào và đọc như thế nào? Sau đó mới tìm hiểu địa chỉ cuốn sách, tên cuốn sách và xem cuốn sách có những nội dung gì rồi đọc lướt qua một vài đoạn để nhận định nội dung của cuốn sách, cuối cùng mới đọc toàn bộ. Ngoài ra trong quá trình đọc sách, người đọc phải biết tư duy, tập trung cao độ và đọc bằng mắt, bằng óc chứ không đọc bằng miệng. Chỗ nào hay thì gạch chân để xem lại, đây chính là “ý vàng” trong “đãi cát tìm vàng” mà ông đã đề cập đến.
Trong buổi tọa đàm, không ít học viên của Trường Sĩ quan Không quân bày tỏ sự băn khoăn: Với sự xuất hiện của nhiều loại hình đa phương tiện như hiện nay, thay vì ra nhà sách để mua hoặc lên thư viện để đọc những cuốn sách in; đa số các bạn trẻ lại dành thời gian lướt mạng xã hội và tìm kiếm thông tin trên mạng hay đọc sách trực tuyến trên Internet… Vậy làm thế nào để các bạn có sự đam mê đọc sách? Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Hoàng Đăng Khoa - Trưởng ban Lý luận phê bình - Tạp chí văn nghệ Quân đội, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình - Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Đọc sách là thể hiện giá trị nhân văn, mở rộng tầm hiểu biết, tăng cường vốn từ vựng và cải thiện sự tập trung, đồng thời trau dồi kỹ năng tư duy, phân tích, giúp bộ não thư giãn và cải thiện tâm trạng. Trong đó, vai trò của người đọc trong việc tiếp nhận văn học là rất quan trọng, bởi người đọc là yếu tố nội tại của quá trình sáng tác văn học. Tác phẩm văn học chỉ có được trong đời sống khi được người đọc tiếp nhận và chiếm lĩnh giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của nó. Nhờ đó, người đọc được mở rộng vốn hiểu biết, kinh nghiệm về đời sống, tư tưởng, tình cảm và năng lực cảm thụ, tư duy.” Anh còn cho biết, trong những năm kháng chiến, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cũng được các nhà văn, nhà thơ sáng tác in thành cuốn và chuyển vào chiến trường đã khích lệ, động viên bộ đội hăng say chiến đấu và chiến thắng như bài thơ “Hoan hô anh Giải phóng quân” của nhà thơ Tố Hữu.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Thượng tá Hoàng Đăng Khoa khuyên các bạn trẻ nên tránh xa các loại sách chứa đựng nội dung xấu, độc hại, hãy tìm đọc cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn truyện ký “Chạm vào ký ức” của nhà văn Vũ Thị Hồng… Đó là những cuốn sách mà sau khi đọc, các bạn trẻ sẽ thấy tự hào về một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, biết sống cống hiến và có trách nhiệm với dân tộc. Đồng thời hiểu rõ hơn về cuộc chiến sinh tử của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến đấu anh dũng, hy sinh chống lại kẻ thù để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” hằng năm vào ngày 21-4 trên phạm vi toàn quốc là để khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi cũng như hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, đơn vị…, góp phần xây dựng một xã hội học tập. Bên cạnh đó, thông qua “Ngày Sách và Văn hóa đọc” còn tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành, lưu trữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Đây cũng là cách để con người tự học hỏi, tiếp thu văn hóa thế giới, trau dồi và làm giàu thêm kiến thức, giúp mọi người theo kịp xu thế của thời đại, trở thành người có tri thức tiên tiến để có thể giúp ích cho bản thân và xã hội.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân khẳng định: “Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người cần chịu khó đọc sách mỗi ngày để văn hóa đọc trở thành phong trào sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị của Nhà trường. Đồng thời nhắn nhủ cán bộ, giảng viên và học viên, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Không quân rằng, sách luôn là người bạn thân thiết nhất của chúng ta và chỉ có đọc sách mới có thể giúp chúng ta nâng tầm tri thức, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa”.
Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG