13 giờ:23 phút Thứ ba, ngày 18 tháng 6 , 2024

Xây dựng Luật Phòng không nhân dân tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc - Bài 1: Yêu cầu cấp thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới

Quân chủng Phòng không-Không quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND). Việc xây dựng Luật PKND là rất cần thiết, nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, đặc biệt là quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không trong tình hình mới.

 “Việc xây dựng dự án Luật PKND bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời bổ sung những quy định mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn yêu cầu về công tác PKND đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”. Đó là khẳng định của Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó trưởng ban soạn thảo Luật PKND.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí Tư lệnh cho biết tại sao phải xây dựng Luật PKND trong thời điểm hiện nay?

Xây dựng Luật Phòng không nhân dân tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc - Bài 1: Yêu cầu cấp thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền. 

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền: PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng.

Việc xây dựng Luật PKND nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), nhằm luật hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ (DQTV) năm 2019... và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác PKND, công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mà hiện nay mới chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc.

Mặt khác, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, BVTQ hiện nay đã khẳng định, PKND là một bộ phận của chiến tranh nhân dân, một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong KVPT, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm thực hiện phòng tránh, đánh địch đột nhập, tiến công đường không và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch gây ra, chủ động BVTQ từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Qua nghiên cứu thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây cho thấy, tiến công đường không đang là phương thức tác chiến chủ yếu, nhất là việc sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng được sử dụng rộng rãi như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao. Được sử dụng ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, làm thay đổi phương thức tác chiến truyền thống; thậm chí, bằng tác chiến đường không, có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Mặt khác, ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không được cấp phép bay đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu mất kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không.

Vì vậy, việc xây dựng Luật PKND là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về PKND, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu BVTQ trong mọi tình huống.

Xây dựng Luật Phòng không nhân dân tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc - Bài 1: Yêu cầu cấp thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới

Kiểm tra công tác huấn luyện phòng không của lực lượng dân quân tự vệ huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh: VĂN LONG 

PV: Sự liên quan của các chủ trương, chính sách về khu vực phòng thủ (KVPT), thế trận quốc phòng toàn dân đối với công tác PKND ra sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền: PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Do đó, PKND là nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự trong KVPT. Thế trận PKND là hình thái bố trí, tổ chức, triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công trình PKND và nguồn lực cần thiết cho từng địa bàn trong KVPT trên phạm vi cả nước để thực hiện nhiệm vụ PKND. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng toàn dân trong KVPT. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

Ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, có vai trò quyết định làm thay đổi cục diện chiến trường; trong đó, tác chiến PKND đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí trong một số giai đoạn của cuộc chiến, tác chiến PKND giữ vai trò chủ đạo. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng PKND, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh.

PV: Đề nghị đồng chí làm rõ mối quan hệ giữa lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân với lực lượng PKND và sự phân định nhiệm vụ giữa các lực lượng này?

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền: Quản lý, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện, ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, trong đó nòng cốt là lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng phòng không lục quân, cùng với sự tham gia của lực lượng PKND. Các lực lượng này được tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.

Lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và PKND có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời. Các lực lượng trên đều được phân định nhiệm vụ rõ ràng, không làm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của nhau, cụ thể:

Lực lượng phòng không quốc gia là lực lượng phòng không chủ lực, nòng cốt trong thế trận phòng không của cả nước, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, có nhiệm vụ phát hiện, thông báo báo động cho các lực lượng khác và thực hành đánh địch hiệu quả ở mọi độ cao khác nhau. Lực lượng phòng không lục quân là lực lượng phòng không chủ lực của các đơn vị binh chủng hợp thành, có nhiệm vụ cơ động, đi cùng bảo vệ đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành trong các loại hình tác chiến.

Lực lượng PKND là lực lượng đánh địch rộng khắp trong KVPT ở địa phương và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch (trong đó, nòng cốt là bộ đội địa phương, DQTV, quân nhân dự bị và lực lượng rộng rãi huy động từ nhân dân).

3 lực lượng trên hợp thành lực lượng phòng không 3 thứ quân, tạo nên thế trận PKND liên hoàn, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều hướng, đủ khả năng quan sát, phát hiện và đánh địch từ xa đến gần.

PV: Đề nghị đồng chí làm rõ sự khác nhau về thẩm quyền huy động lực lượng PKND với thẩm quyền điều động DQTV trong Luật DQTV; huy động lực lượng dự bị động viên trong Luật Lực lượng dự bị động viên?

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền: Nếu chiến tranh xảy ra thì những tình huống tác chiến trên không diễn ra rất nhanh chóng, đòi hỏi việc huy động sức mạnh của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ PKND như sơ tán phòng tránh, đánh địch đột nhập, tiến công đường không của địch, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả trận chiến đấu là rất cần thiết; tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa thẩm quyền huy động lực lượng PKND với thẩm quyền điều động DQTV trong Luật DQTV; huy động lực lượng dự bị động viên trong Luật Lực lượng dự bị động viên, đó là:

Thứ nhất, DQTV là một thành phần của LLVT, do đó, ngoài việc tổ chức lực lượng DQTV chiến đấu rộng khắp trong KVPT, khi có tình huống khẩn cấp về quốc phòng có thể được điều động tăng cường lực lượng để thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn khác. Vì vậy, thẩm quyền điều động lực lượng DQTV theo quy định tại Luật DQTV không chồng chéo với thẩm quyền huy động lực lượng PKND.

Thứ hai, huy động lực lượng dự bị động viên là nhằm huy động quân nhân dự bị, phương tiện dự bị để tăng cường cho lực lượng thường trực khi có tình huống động viên cục bộ, tổng động viên hoặc diễn tập động viên trong thời bình. Vì vậy, thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên trong Luật Lực lượng dự bị động viên hoàn toàn khác về tính chất nhiệm vụ so với huy động lực lượng PKND.

Xây dựng Luật Phòng không nhân dân tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc - Bài 1: Yêu cầu cấp thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới
Huấn luyện phòng không của lực lượng tự vệ Hà Nội. Ảnh: HỮU THU 

Thứ ba, dự thảo Luật PKND đang quy định thẩm quyền huy động lực lượng PKND theo hướng huy động những người không thuộc thành phần lực lượng nòng cốt của lực lượng PKND (bộ đội địa phương, DQTV, quân nhân dự bị) để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, tại chỗ trong KVPT. Thẩm quyền huy động lực lượng PKND quy định:

Trong huấn luyện, diễn tập, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng bộ CHQS cấp tỉnh, ban CHQS cấp huyện, xã quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia thực hiện nhiệm vụ PKND trong địa bàn quản lý sau khi nhận được sự nhất trí bằng văn bản của chủ tịch UBND cùng cấp; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ PKND theo kế hoạch.

Khi đất nước có chiến tranh hoặc khi ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng bộ CHQS cấp tỉnh quyết định huy động lực lượng thuộc quyền tham gia thực hiện nhiệm vụ PKND theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc mệnh lệnh của tư lệnh quân khu.

Như vậy, việc quy định thẩm quyền huy động lực lượng PKND trong dự thảo luật với điều động DQTV theo quy định của Luật DQTV và huy động lực lượng dự bị động viên theo quy định của Luật Lực lượng dự bị động viên là hoàn toàn phù hợp, không chồng chéo, xung đột lẫn nhau.

PV: Đối với xây dựng lực lượng PKND tại các doanh nghiệp thì sao, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền: Theo đề xuất nêu tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật thì tất cả nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia đều tổ chức xây dựng lực lượng PKND. Như vậy, không phụ thuộc vào việc nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp hoặc các công trình năng lượng lớn của quốc gia có tổ chức lực lượng tự vệ hoặc không tổ chức lực lượng tự vệ thì đều phải tổ chức lực lượng PKND. Quy định theo hướng trên có thể sẽ gây nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới tính khả thi triển khai thực hiện khi chưa có sẵn lực lượng tự vệ.

Tiếp thu góp ý của các bộ, ngành về đề nghị đối với quy định yêu cầu tất cả nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp hoặc các công trình năng lượng lớn của quốc gia (trong đó, đặc biệt là quy định đối với doanh nghiệp), Bộ Quốc phòng đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng chỉ quy định các doanh nghiệp có tổ chức lực lượng tự vệ mới tổ chức lực lượng PKND để kiêm nhiệm thực hiện. Quy định như trên sẽ bảo đảm không làm phát sinh nguồn kinh phí đối với loại hình tổ chức lực lượng PKND trong doanh nghiệp.

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ PKND bao gồm lực lượng PKND nòng cốt và lực lượng PKND huy động. Trong đó, lực lượng PKND huy động do nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân kiêm nhiệm thực hiện; được tổ chức thành tổ hoặc đội phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả, bảo đảm PKND. Điều này cũng phù hợp với quy định xây dựng thế trận PKND.

Mặt khác, thực tiễn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang trên thế giới gần đây cho thấy, không còn phân biệt tiền tuyến, hậu phương, phía trước, phía sau, vì diễn ra toàn diện trên bộ, trên không, trên biển... Trong chiến tranh BVTQ, lực lượng PKND huy động đã phát huy tốt vai trò trong thế trận PKND. Trong thời bình, các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn có tổ chức lực lượng tự vệ theo quy định của Luật DQTV thì phải tổ chức lực lượng PKND do lực lượng tự vệ kiêm nhiệm thực hiện để tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời và sẵn sàng xử lý các tình huống trên không có thể xảy ra.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website