5 giờ:43 phút Thứ năm, ngày 6 tháng 7 , 2017

Ngăn ngừa tình trạng nói và viết không đúng quan điểm, đường lối của Đảng

Một trong những nổi cộm của biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ là một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Muốn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhất thiết phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn biểu hiện suy thoái nghiêm trọng này.

 Nhiễu loạn thông tin bởi những phát ngôn không chính xác

Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất về ý chí và hành động. Đây là một vấn đề thuộc về bản chất, truyền thống và là một trong những yếu tố cơ bản làm nên sức mạnh của Đảng. Vì vậy, những ai đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhất thiết phải chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và khi nói, viết cần bám sát, dựa trên cơ sở các quan điểm, đường lối của Đảng. Điều cơ bản này đã được phổ biến, giáo dục sâu sắc ngay từ khi mỗi người học lớp đối tượng Đảng và đã được người đảng viên tuyên thệ trước Đảng kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ kết nạp Đảng.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong khi phần đông CB, ĐV một lòng kiên định với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tự giác gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, thì vẫn còn một bộ phận CB, ĐV có những phát ngôn không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Điều này đã được Đại hội XII của Đảng cảnh báo: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số CB, ĐV”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ hơn: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. 

Những CB, ĐV nói và viết không đúng quan điểm, đường lối của Đảng thường có chung đặc điểm là "tiền hậu bất nhất". Trên diễn đàn, trong hội nghị, khi sinh hoạt Đảng thì họ nói đúng tinh thần, nội dung, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, không “nghĩ vênh, hiểu sai, nói trái” với quan điểm, đường lối của Đảng, thậm chí có người tỏ vẻ “tiền hô hậu ủng” mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, của cấp ủy và tổ chức đảng cấp mình. Thế nhưng, phía sau diễn đàn, bên ngoài hội nghị, khi xa cuộc họp, chính họ lại có những ý kiến nửa vời, trái chiều, thậm chí lệch lạc với tinh thần nghị quyết. Có những đảng viên dù đã được quán triệt, học tập, phổ biến về nghị quyết của Đảng, nhưng do thái độ lơ là, chểnh mảng, nên chỉ ít lâu sau đã không nhớ nội dung nghị quyết nói gì, thế nên họ đã nghĩ sai, hiểu không đúng về tinh thần nghị quyết. Ví như thời gian gần đây, một số ít người làm báo cố ý thông tin, tuyên truyền, cổ vũ cho quan niệm “quân đội không được làm kinh tế” là trái với tinh thần các văn kiện Đại hội của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng năm 2011.

Đáng nói hơn, một số ít đảng viên là nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nghệ sĩ (trong đó có người có học hàm, học vị), tức là những người có trình độ học vấn cao so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng đã có những phát ngôn, quan niệm trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Lợi dụng internet, facebook, blog, một số đảng viên là trí thức đã tán phát, khuếch trương những thông tin, bài viết, bình luận các vấn đề xã hội dưới góc nhìn chủ quan. Họ xem xét vấn đề theo kiểu “thầy bói xem voi”, chỉ nhìn cây mà không thấy rừng, chỉ thấy hiện tượng rồi quy chụp thành bản chất, mà thực chất là thổi phồng khuyết điểm, khoét sâu những mặt trái, tiêu cực của xã hội để bôi đen hình ảnh đất nước.

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng, những lời nói, thông tin của đảng viên không phù hợp với tinh thần đường lối, quan điểm của Đảng sẽ tác động không tốt đến việc giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Còn những thông tin, phát ngôn sai trái, lệch lạc với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước không chỉ gây nhiễu thông tin xã hội, mà còn phương hại đến an ninh tư tưởng-văn hóa của quốc gia, từ đó tạo thêm cớ cho các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng nước ta ngày càng ráo riết, xảo quyệt hơn.

Đảng viên cần chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn

Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống các chủ trương, chính sách về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của cách mạng Việt Nam. Là đảng viên, trước hết phải có suy nghĩ, nhận thức đúng về quan điểm, đường lối của Đảng, làm cơ sở cho những hành vi đúng đắn, ứng xử chuẩn mực và việc làm phù hợp với cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. 

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu pháp luật, Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị) cho rằng, CB, ĐV của Đảng cũng là con người và có rất nhiều mối quan hệ xã hội. Trước một vấn đề xã hội, CB, ĐV có quyền nhận định, xem xét, phân tích, bình luận, đánh giá, nhưng những thông tin đó cần phải được thẩm định qua “lăng kính chính trị” và soi chiếu qua “góc nhìn văn hóa” của CB, ĐV để góp phần làm lành mạnh môi trường thông tin xã hội. Những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta được xây dựng, ban hành bởi tập thể những người có trình độ hiểu biết cao, kiến thức sâu rộng và được kiến tạo theo một quy trình chặt chẽ, khoa học. Đây là những “sản phẩm” tập hợp, quy tụ tinh hoa trí tuệ xã hội và có giá trị như “cẩm nang” để góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Do vậy, đối với CB, ĐV nói, viết và làm theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không chỉ thể hiện thái độ chuẩn mực về chính trị, mà còn là hành vi ứng xử văn hóa của người công dân. Khi đã là thành viên của một tổ chức, đòi hỏi yêu cầu cao về ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh như tổ chức Đảng, nếu tùy tiện nói trái, viết lệch hay phê phán chủ trương, đường lối của Đảng là sai cả về lý và tình.   

Theo ông Nguyễn Quang Dung, Vụ trưởng Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương), thì với tư cách chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đảng viên nhất thiết phải tự giác học tập, thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng. Vì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đảng viên đã được quy định tại Điều 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, là: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước” và: “Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”. Mặt khác, “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương” như quy định tại Điều 9, Điều lệ Đảng.

Nói như thế không có nghĩa là Đảng ta hạn chế quyền tự do thông tin của đảng viên. Về quyền thông tin, thảo luận của đảng viên đã được quy định tại Điều 3 và khẳng định tại Điều 9, Điều lệ Đảng: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với Nghị quyết của Đảng”. Sở dĩ quy định như vậy, vì theo ông Hà Hữu Đức, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), không riêng đảng viên, mà bất cứ thành viên trong một tổ chức chính trị-xã hội nào khi tham gia tổ chức đó cũng phải tự giác tuân thủ điều lệ, quy định mà tổ chức đã ban hành. Tổ chức đảng là tổ chức có tính chất chặt chẽ cao nhất, thì đương nhiên đảng viên phải chấp hành những quy định của Điều lệ Đảng. Bên cạnh đó, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, cũng đã yêu cầu đảng viên không được “nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Thế nên, đối với những đảng viên cố tình vi phạm kỷ luật phát ngôn, phải xử lý theo Điều 9, Quyết định số 81/QĐ-TW, ngày 30-3-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI “Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất về mặt ý chí và hành động trong toàn Đảng là cơ sở tạo sự thống nhất về suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi của đội ngũ đảng viên. Do đó, việc nói, viết và làm theo quan điểm, đường lối của Đảng không chỉ là yêu cầu đòi hỏi để góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, mà còn góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng-cội nguồn tạo nên sức mạnh trường tồn của Đảng ta.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website