Chuyện chăn nuôi của lính Kho “ba một hai”
Về công tác tại Kho K312, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi nền nếp xây dựng chính quy, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất vũ khí, trang bị, vật tư kỹ thuật được duy trì nghiêm túc, mà còn bởi sự chăm chỉ, tận tâm, nỗ lực của những người lính kho trong công tác chăn nuôi, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Bình - Nhân viên Hậu cần, Ban Hậu cần - Kỹ thuật chăm sóc đàn bò sữa.Khu chăn nuôi tập trung của Kho K312 có diện tích hơn 1.000m2, được xây dựng chính quy, bố trí khoa học, hợp lý, vệ sinh sạch sẽ. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Bình - Nhân viên Hậu cần, Ban Hậu cần - Kỹ thuật, phụ trách khu chăn nuôi đang cho đàn bò sữa ăn cỏ. Các loại cỏ được anh Bình lấy về, cắt nhỏ và đưa vào máng đã được vệ sinh sạch sẽ. Nhìn đàn bò sữa to béo ăn ngon lành những đám cỏ xanh mướt từ tay “ông chủ”, chúng tôi hiểu rằng, để có được kết quả này thì sự nỗ lực chăm sóc của những người lính kho là rất lớn.
Ngắm nhìn những thành quả của mình, ánh mắt lấp lánh niềm vui, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Bình nhớ lại những khó khăn trong những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi. Chuyện là năm 2011, thấy khoảng đất trống quanh khu vực của đơn vị đang bỏ không, anh mạnh dạn báo cáo với chỉ huy Kho để xây dựng khu chăn nuôi tập trung. Được cấp trên đồng ý, lúc đầu, anh đầu tư khai hoang để nuôi dế mèn và trồng cây công trình để bán cho các công ty cây xanh trồng trên các trục đường giao thông. Sau một thời gian thấy không hiệu quả, anh quyết định đầu tư xây dựng 400m2 chuồng nuôi lợn và 400m2 chuồng nuôi bò sữa. Xây chuồng xong rồi, việc lựa chọn mua giống tốt cũng là một “bài toán” khó. Nhiều ngày trời, rong ruổi hết ngược lên Vĩnh Phúc lại về Ba Vì, TP Hà Nội, cứ ở đâu có địa chỉ mua giống tốt là anh Bình liền tìm đến. Không phụ lòng người, anh cũng tìm và mua được 20 con bò giống và 300 con lợn giống hiệu quả.
Mua về rồi, việc chăm sóc, phát triển chúng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng đất Sơn Tây cũng khiến anh hết sức lo lắng. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi lợn từ khi còn ở nhà, cộng thêm tính cẩn thận, chu đáo, không ngừng học hỏi kiến thức từ sách vở và những người đi trước nên công việc cũng diễn ra thuận lợi, số lượng bò sữa và lợn đều phát triển tốt, cho thu nhập cao. Trung bình mỗi tháng, anh Bình thu được 8 tấn sữa bò; đàn lợn hơn 300 con, đạt trung bình mỗi con 120-130kg thì sẽ xuất chuồng. Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Bình tâm sự: “Hằng ngày, tôi đều phải thức dậy từ 4 giờ sáng để lấy cỏ về cho bò ăn, sau đó, 5 giờ sẽ vắt sữa để kịp nhập về công ty sữa đúng 6 giờ theo hợp đồng. Sau khi nhập sữa về, tôi mới chuẩn bị cỏ cho bò ăn thêm rồi lại cơ động xuống khu vực nuôi lợn để vệ sinh chuồng, chuẩn bị thức ăn cho chúng. Nhà cách đơn vị có vài ki lô mét nhưng nhiều hôm không về được, tôi phải bố trí cả nơi ăn, ở tại đây để tiện cho việc chăm sóc. Làm nhiều thành quen, giờ tôi lại thấy rất yêu mến và gắn bó với việc chăn nuôi”.
Chia tay anh Bình, chúng tôi đến khu chăn nuôi tập trung của Phân kho 1. Ấn tượng đầu tiên là hàng chục con dê đang ăn cỏ và lá cây trước khoảng sân rộng được rào chắn cẩn thận. Thấy người lạ đến, chúng chạy tán loạn. Chỉ đến khi Thượng úy QNCN Đặng Thế Đắc - Nhân viên Bảo quản, Tổ Xe - Máy, Phân kho 1, phụ trách khu chăn nuôi bước ra, chúng mới yên tâm ăn tiếp số cỏ và lá cây còn lại. Trao đổi với anh Đắc, chúng tôi được biết, đầu năm 2023, khi được chỉ huy Phân kho giao nhiệm vụ phát triển khu chăn nuôi tập trung, anh rất băn khoăn, lo lắng, phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa thời tiết, khí hậu khu vực Sơn Tây khắc nghiệt, sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc. Rồi đến khi tiếp nhận 13 con lợn đen, 10 con lợn trắng và 50 con gà giống của đơn vị, anh Đắc càng như “ngồi trên đống lửa”. Song với tâm niệm “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, anh đã nỗ lực tìm hiểu kỹ thuật nuôi, quan tâm, theo sát và rút kinh nghiệm hằng ngày, nhất là cách phòng, trị bệnh. Lứa đầu tiên phát triển, xuất xuồng cho thu nhập tốt đã tạo niềm tin để anh tiếp tục duy trì những lứa tiếp theo. Không chỉ nuôi lợn và gà, nhận thấy môi trường thuận lợi, anh Đắc còn tham mưu với cấp trên tổ chức nuôi dê. Đến nay, đàn dê đã lên tới 25 con, tất cả đều khỏe mạnh và phát triển tốt.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Hậu cần - Kỹ thuật, Kho K312 cho biết: “Mặc dù “khoán” việc cho từng cá nhân, song cơ quan cũng thường xuyên cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn, giúp đỡ các khu chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống nóng, rét đậm, rét hại, dịch bệnh… cho gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Ban cũng triển khai xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu công tác Hậu cần cụ thể và phù hợp với thực tế của từng đơn vị; hằng tháng, Ban đều kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức thực hiện của các ban, phân kho để chấm điểm thi đua, đồng thời hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện bảo đảm đủ các chỉ tiêu được giao. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Kho đã nuôi được 25 con bò sữa, 14 con bò thịt, 360 con lợn, 25 con dê, 1.800 con gà. Kết quả thu về từ chăn nuôi sau khi trừ chi phí là hơn 250 triệu đồng”.
Bài, ảnh: ĐỨC LƯU, THỦY TIÊN