Nhớ anh hùng, liệt sĩ Đinh Tôn
Nhớ anh hùng, liệt sĩ Đinh Tôn
Trong quãng đời 45 năm quân ngũ mà phần lớn thời gian là gắn bó với những cánh bay giữa bầu trời, tôi đã được sống và chiến đấu bên những đồng đội mưu trí, bản lĩnh, sáng tạo. Một trong những người đồng chí, người anh mà tôi vô cùng khâm phục, đó là Đại tá, anh hùng, liệt sĩ Đinh Tôn.
Màn hạ cánh ngoạn mục
Ở Sân bay Vinh, tối ngày 21 tháng 8 năm 1974, tôi nhận được thông báo của sở chỉ huy: “Hôm sau, Trung đoàn trưởng Đinh Tôn sẽ vào và trực tiếp giao nhiệm vụ cho phi đội”.
Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1974, đang suy nghĩ về nhiệm vụ sắp tới, bỗng điện thoại từ sở chỉ huy phía trước của Trung đoàn 921 réo vang. Tôi cầm máy nghe. Tham mưu Phó trung đoàn Nguyễn Phụng Dương thông báo, chuẩn bị đón máy bay của Trung đoàn trưởng Đinh Tôn. Tôi lệnh cho trực ban thông tin bật máy ở chế độ thu - canh. Tôi trèo lên nóc chòi chỉ huy cao khoảng 1.5m, nhắc mấy anh em trực tăng cường quan sát về phía Bắc và Tây Bắc sân bay để sớm phát hiện và trợ giúp phi công khi cần thiết. Trong chiến tranh, chúng tôi đi cơ động các sân bay dã chiến thường không sử dụng liên lạc vô tuyến điện để giữ bí mật và bay rất thấp để tránh ra đa địch, vì vậy không dám hỏi xem máy bay của Trung đoàn trưởng đến đâu rồi. Theo kế hoạch thì máy bay đã phải tới sân bay, nhưng chưa thấy tăm hơi đâu.
Phi công Đinh Tôn (ngoài cùng, bên phải) tại Sân bay Thọ Xuân năm 1971: (Ảnh: XUÂN ÁT)
Tôi vừa định lấy chiếc ống nhòm TZK để quan sát thì giật mình vì tự nhiên, như vừa chui lên từ trong lòng đất hình khối khổng lồ của chiếc máy bay MiG-21, cùng lúc với tiếng động cơ rít như xé màng tai, ập xuống căn chòi, tưởng như giơ tay là với tới được. Mấy anh em vội nằm rạp xuống, còn kịp nhìn rõ từng hàng, từng chiếc ốc vít chữ thập trên thân và cánh máy bay. Tôi lắc đầu và bật cười: “Ông anh còn gân guốc, cường tráng lắm” (năm đó anh Đinh Tôn mới tròn 38 tuổi, đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang từ tháng 12 năm 1973). Chiếc MiG-21 được điều khiển bởi đôi tay điêu luyện của phi công cự phách, tiếp tục bay dọc đường băng ở độ cao vài mét kéo theo đám bụi cuốn lên sau luồng phụt từ ống phản lực. Đến giữa đường băng, chiếc máy bay đột ngột dựng đứng lên, lao thẳng vào bầu trời, tiếp theo là liên tục xoay tròn hai vòng (từ kỹ thuật gọi là “khoan lên” với góc tới 60 ...), rồi lần lượt các động tác lộn xuống, thắt vòng đứng, vòng chiến đấu ở độ cao cực thấp. Một đồng chí trong kíp trực chỉ huy nói: “Bay kiểu nớ, phi Đinh Tôn ra, nỏ còn ai nựa”.
Trận không chiến thần tình
Nghĩ về anh, tôi cũng không thể nào quên trận không chiến kỳ lạ, duy nhất trong chiến tranh Không quân trên bầu trời Việt Nam. Đó là trận chiến đấu ngày 11 tháng 9 năm 1972. Anh Đinh Tôn lúc đó là Trung đoàn phó. Do ngồi trực sở chỉ huy khá lâu nên anh phải lên Sân bay Nội Bài để bay hồi phục kỹ thuật. Người bay kèm anh hôm đó là chuyên gia Liên Xô, Thiếu tá Vaxili Motlop.
Đây là trận không chiến (nếu có thể gọi được là như vậy) giữa một máy bay huấn luyện, không mang vũ khí với biên đội máy bay F-4J của Hải quân Mỹ bí mật đột kích vào Sân bay Nội Bài vào chiều ngày 11 tháng 9 năm 1972. Lại là trận đánh với sự có mặt lần đầu tiên và duy nhất của một phi công nước ngoài, mà cụ thể là phi công chuyên gia Liên Xô trong suốt cuộc chiến tranh. Điều kỳ lạ là trong trận này, đối tượng tấn công của biên đội F-4J chỉ là 1 chiếc MiG-21U hai chỗ ngồi dùng để huấn luyện, không đeo vũ khí. Các máy bay F-4J đã phát hiện và chủ động vào công kích trước mà không có cách gì bắn rơi được chiếc MiG-21! Biên đội F-4J đã hoàn toàn làm chủ tình thế, nhưng chỉ đến khi chiếc MiG-21 hết dầu, động cơ ngừng hoạt động, không thể điều khiển máy bay theo ý muốn nữa, hai thầy trò mới chủ động rời máy bay, để cho phi công Mỹ bắn trúng chiếc máy bay đã cạn dầu và không có phi công điều khiển...
Anh Đinh Tôn sau này kể lại: “Khi đã hoàn tất các động tác kỹ thuật cần thiết, hai thầy trò đang cơ động nhẹ nhàng đưa máy bay về vòng 3 để chuẩn bị vào hạ cánh, đột nhiên, anh có linh tính thế nào đó, mới quay lại quan sát, giật mình thấy hai làn khói vừa xịt ra từ hai chấm đen phía sau khoảng 2 - 3km. Anh lập tức kéo giật máy bay chéo xuống đất để tránh tên lửa, đồng thời, tống tay ga lên mở tăng lực. Hai quả tên lửa sượt ra phía sau đuôi, không trúng. Đúng lúc đó, anh nghe được tiếng nói từ đài chỉ huy bay thông báo và hướng dẫn anh cơ động tránh tên lửa. Hai chiếc F-4J bắn trượt xong, thấy chiếc MiG-21 cơ động gấp quá, tránh được tên lửa lại kéo vọt lên vòng chiến đấu gắt, tạo ngay thế đối đầu. Và, chiếc MiG-21 hoàn toàn chủ động, cơ động, có lúc còn bám được vào phía sau một chiếc F-4J chỉ để giữ thế chiến thuật thôi vì có vũ khí đâu mà bắn. Thế là thành thế chân kiềng, chiếc MiG-21 của ta kẹp giữa hai tốp F-4J kia. Mỗi lần thấy một tốp dãn ra vòng ngoài, để tạo thế chuẩn bị bắn tên lửa, anh lại “nghiến răng nghiến lợi” kéo cần lái, xoay máy bay vào thế đối đầu, không cho chiếc máy bay nào của địch có đủ điều kiện bắn trúng, mặc dù những chiếc F-4J đã cố bắn nhiều loạt tên lửa nhưng đều trượt”. Khi chúng tôi hỏi anh về phản xạ của phi công Liên Xô, anh nói: “Ông ấy, sau khi thấy máy bay đột ngột vòng gấp tránh tên lửa mới biết là đang bị máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ bám đuôi, và, vì vậy, hoàn toàn thả cần lái để anh chủ động cơ động, thực hiện các động tác không chiến”...
Nhưng rồi việc gì phải đến cũng đã đến, khi thấy đèn tín hiệu đỏ báo sắp hết dầu liệu sáng lập lòe trong buồng lái, anh biết là dầu bay sắp hết, nhẩm tính, với chế độ “tăng lực” như thế này thì chỉ còn trên dưới một phút nữa phải thoát khỏi máy bay, trước khi bị tên lửa địch bắn trúng, hai thầy trò sẽ rơi vào thế nguy hiểm. Nếu bị tên lửa bắn trúng, có nhảy dù ra được thì cũng khó mà toàn vẹn vì những động tác cơ động tránh tên lửa diễn ra ở độ cao rất thấp. Hơn nữa, như anh nói sau này: Mình còn phải lo bảo đảm an toàn cho ông bạn Liên Xô ngồi sau nữa chứ, còn mình thì quen rồi”... Và thế là, bằng một động tác kỹ thuật tuyệt đỉnh, anh cho máy bay dựng thẳng lên, sau đó lộn xuống và lại làm động tác nửa vòng chiến đấu thật gấp và báo cho ông thầy ngồi sau: “Chuẩn bị, nhảy dù nhé!”, đồng thời, thả cần lái, cầm tay kéo chốt nhảy dù giật mạnh. Hai tiếng nổ phát ra từ hai quả đạn phóng ghế của hai thầy trò, hai chiếc dù bung ra ở độ cao không quá 150 - 200m. Cùng lúc đó, hai quả tên lửa từ một chiếc F-4J phóng đến trúng vào chiếc MiG-21 không người điều khiển, đang chòng chành, và nổ tung. Chiếc MiG-21 rơi cách chỗ hai phi công tiếp đất vài trăm mét. Một cách tình cờ, hai chiếc dù của hai thầy trò lại rơi vào đúng địa điểm trú quân bí mật của đoàn chuyên gia Liên Xô. Thế là hai phi công vừa trải qua trận không chiến có một không hai rẽ luôn vào phòng nghỉ của vị chuyên gia. Thầy Vaxili đập một chai vodka ra để “uống mừng” thoát nạn trong trận không chiến kỳ lạ. Đồ nhắm là cá khô được mang sang từ Liên Xô.
Trung tướng PHẠM PHÚ THÁI