7 giờ:15 phút Thứ ba, ngày 24 tháng 1 , 2017

Bên cánh sóng canh trời Tây Bắc

Mùa Xuân ở vùng cao thật đẹp. Khắp núi rừng, hoa đào, hoa mơ, hoa mận đồng loạt bung tỏa. Cung đường Hà Nội - Mộc Châu - Sơn La lúc uốn lượn mềm mại như dải lụa, khi vắt ngang qua những sườn đồi mờ ảo sương giăng, rồi lại len lỏi giữa những khe núi đá dựng đứng. Để mặc chúng tôi mải mê ngắm nẻo đường Xuân, chiếc xe cứ mải miết leo dốc, đổ đèo. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Trạm ra đa 37 nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cao thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Bên cánh sóng canh trời Tây Bắc
Chiến sĩ Trạm Ra đa 37, Trung đoàn 293 bảo dưỡng khí tài.

Từ quốc lộ rẽ vào chừng non cây số, trước cửa Trạm, quanh khuôn viên, dọc đường lên đài ra đa… nơi nào cũng thấy hoa đào hiện diện. Nếu không có những cánh sóng ra đa bình thản xoay đều, chúng tôi ngỡ mình vừa lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Thượng tá Trần Công Hùng - Chính ủy Trung đoàn 293 hồ hởi giới thiệu: “37 là Trạm ra đa xa nhất của Trung đoàn chúng tôi. Ngày trước, muốn lên với bộ đội, phải chạy xe mất cả ngày đường. Khí hậu trên này cũng rất đặc biệt, nắng thì rát rạt, mà lạnh thì thấu xương. Nhiều hôm sương mù dày đặc, chỉ cách vài bước chân cũng không nhận rõ mặt nhau”. Nói rồi anh cùng Đại úy Lê Văn Huấn - Trạm trưởng và Đại úy Hồ Đức Mạnh - Chính trị viên dẫn chúng tôi đi bộ gần nửa cây số đường dốc mới lên được đài ra đa bảng lảng sương giăng. Chỉ tay vào những bậc đá cheo leo, dựng đứng, Trạm trưởng Huấn thủ thỉ: “Lát nữa nhà báo sẽ trở xuống bằng con đường này. Tổng cộng có 147 bậc thôi”. Và trong câu chuyện với các anh, tôi được biết, để có được con đường bậc thang dốc ngược kia, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã phải mang vác hàng chục tấn xi măng, cát đá … vất vả đến thế nào.

Bên cánh sóng canh trời Tây Bắc, chúng tôi lan man đủ thứ chuyện trên đời. Nhiều nhất, say sưa nhất vẫn là chuyện hậu phương gia đình và những kỷ niệm vui Xuân, đón Tết. Chính trị viên Mạnh bộc bạch: “Đơn vị chỉ vẻn vẹn vài chục cán bộ, chiến sĩ nên chúng tôi gắn bó với nhau như trong một gia đình. Ngoài giờ canh trực, anh em rất tích cực tăng gia chăn nuôi. Vì vậy, gần như Tết nào chúng tôi cũng tự cung, tự cấp đủ cơ số thịt lợn, gà vịt và rau xanh phục vụ bộ đội. Ngoài ra, đơn vị luôn bảo đảm tiêu chuẩn mỗi người 4 chiếc bánh chưng gói làm 2 lần. Riêng cảnh quan môi trường, Trạm luôn bảo đảm không chỉ chính quy mà còn phải sạch, đẹp để đón các đoàn khách địa phương và các đơn vị kết nghĩa lên vui Tết với bộ đội chứ”.

Bất chợt ngoài cổng gác lao xao tiếng cười con gái. Thì ra hai cô giáo Hà Thị Cương và Trần Thị Hồng Anh (Trường Trung học cơ sở Nà Sản) đã lên Trạm chúc Tết sớm. Cô giáo Hồng Anh dạn dĩ trải lòng: “Bộ đội ra đa không chỉ thú vị mà còn luôn gây cho chúng em nhiều sự bất ngờ. Ấn tượng nhất là đêm Giao thừa. Các anh ấy bình thường thì rất nghiêm nghị, nhưng khi dẫn dắt các tiết mục văn nghệ, hái hoa dân chủ lại rất dí dỏm, thông minh. Lần nào nghe bộ đội thể hiện hát bài “Chiến sĩ ra đa trên điểm chốt biên thùy” em cũng thấy xúc động như lần đầu…”. Đài trưởng Bùi Xuân Đào từ nãy đến giờ cứ mủm mỉm cười nhẹ. Về Trạm công tác đã gần 9 năm, anh cũng chỉ có đôi cái Tết được sum họp với gia đình. Vì nhiệm vụ canh trực một phần, phần nữa do cán bộ trên Trạm khá mỏng. Để hoàn thành nhiệm vụ trên giao, cán bộ, chiến sĩ nơi đây thường nhường nhịn nhau không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hàng ngày. Tổ ấm của Đào ở trung tâm Hà Nội, cung đường khoảng 300 cây số thôi, nhưng để bắt xe khách về với vợ con, anh phải đi 9-10 tiếng đồng hồ. Vì vậy, Đào thường chọn cách về nhà vào ban đêm để tiết kiệm tối đa thời gian.

Đêm vùng biên thật cô liêu, u tịch. Nhiệt độ ngoài trời xuống thấp đột ngột, gió lạnh rít từng cơn. Cuộn mình trong tấm chăn bộ đội, lòng tôi chợt ấm lại khi được nghe câu chuyện tình cảm động của Chính trị viên Mạnh. Trong một lần đi thuê băng đĩa cho đơn vị, anh tình cờ quen cô gái Bùi Thị Thanh Ngà trên xe buýt. Lúc ấy cô đang học ở Trường Sư phạm Tây Bắc. Suốt 4 năm trời quen và yêu nhau, ngay cả khi đã nên vợ thành chồng rồi có bé Thanh Huyền, thời gian anh ở bên vợ con cũng rất ít ỏi. Là người Sơn La, nhưng Thanh Ngà lại bằng lòng mang con về sống ở Lai Châu để tiện chăm sóc bố mẹ chồng. Mạnh bảo, sự hy sinh thầm lặng ấy khiến anh càng yêu và trân trọng vợ hơn. Chả phải riêng anh, trên Trạm ra đa 37 này, rất nhiều anh em đồng chí, đồng đội cũng đang phải chấp nhận sự xa cách ấy.

… Đã 6 giờ sáng, sương mù vẫn đặc quánh, gió lạnh thổi ù ù bên tai; chúng tôi bịn rịn tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 37, ngược hành trình về với Trạm ra đa 35 nằm trên Cao nguyên Mộc Châu. Giống như đang lạc vào vườn cổ tích, cả đất trời “nhuộm” trắng một màu hoa mận trang nhã, xinh đẹp.

Nắm chặt tay như muốn truyền hơi ấm cho khách, Đại úy Trần Trọng Tuấn - Trạm trưởng chia sẻ: “Lạnh thấu xương” chính là “đặc sản” của riêng Trạm ra đa 35 đấy ạ. Có mùa Đông, nhiệt độ xuống dưới âm 0 độ, hiện tượng hoa tuyết bao phủ, mặt nước đóng băng mỏng không hiếm. Thêm vào đó, sương giá dày đặc cũng khiến quần áo luôn ẩm ướt. Còn mùa Hạ, gió Tây tràn về, nhiệt độ ở Trạm có khi lên đến 40-45 độ C. Tuy thời tiết khắc nghiệt là thế, nhưng mỗi độ Xuân về, nơi này lại trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất Sơn La”.

Theo chân anh, chúng tôi tản bộ trên những con đường thắm sắc hoa đào. Trước vẻ uy nghi hùng vĩ của núi rừng, hình ảnh từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ giữa thảo nguyên xanh mênh mông càng khiến bức tranh mùa Xuân thêm phần sống động. Ghé thăm sở chỉ huy, đài quan sát mắt rồi lên đài ra đa… Nơi nào cũng toát lên vẻ chính quy, nền nếp. Tuy đóng quân trên điểm cao gần 2 ngàn mét so với mực nước biển, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng Bộ đội Ra đa 35 vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Cứ nhìn khoảnh vườn, khuôn viên doanh trại của họ thì rõ. Nó không chỉ xanh, sạch, mà còn rất sinh động bởi các loại hoa muôn hồng ngàn tía. Theo Thiếu úy Mã Văn Hào - Chính trị viên thì nhiều năm qua, không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; Trạm ra đa 35 còn là điểm sáng về môi trường văn hóa của Trung đoàn 293.

Được tận mắt chứng kiến công việc thầm lặng của những người lính ra đa miền Tây Bắc, tôi càng thấm thía lời chia sẻ của Đại tá Phan Chí Thành - Chính ủy Sư đoàn 361: “Đối với những người lính ra đa chúng tôi, không có khái niệm ngày hay đêm. Theo yêu cầu nhiệm vụ, một ngày thông thường mỗi trạm trực ba phiên và sẵn sàng mở máy tăng cường khi có lệnh. Để Tổ quốc không bị bất ngờ bởi các tình huống trên không, những đôi “mắt thần” luôn sẵn sàng canh trực 24/24. Càng những ngày lễ, Tết, càng phải trực nghiêm túc”.

Trong bữa cơm toàn sản phẩm tăng gia của bộ đội, tiếng cười nói rôm rả của anh em trong đơn vị làm cho không khí ngày cuối năm ấm áp lạ thường. Vì nhiệm vụ, dẫu phải ăn Tết xa nhà nhưng những người lính ra đa vẫn luôn sát cánh bên nhau trên trận địa canh trời.

Tạm biệt những con “mắt thần” miền Tây Bắc, chúng tôi đi ngược dòng người tấp nập du Xuân. Những chiếc váy đủ sắc màu tung xòe trên những con đường bản hun hút, rồi cả tiếng leng keng của những đồng bạc họa theo bước chân thiếu nữ dập dìu... càng khiến cao nguyên Mộc Châu nồng ấm sắc Xuân.

Bút ký của QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website