Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Trung đoàn tên lửa 250 (21-9-1954 / 21-9-2024)
70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 21-9-1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 34 thành lập Đại đoàn pháo cao xạ hỗn hợp mang phiên hiệu 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh. Theo quyết định trên, Đại đoàn pháo cao xạ 367 được biên chế các cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Cung cấp và 3 Trung đoàn pháo cao xạ 681, 685, 689, trong đó Trung đoàn Pháo cao xạ 685 (tiền thân của Trung đoàn Tên lửa 250 ngày nay) gồm có 3 tiểu đoàn pháo trung cao 88 mm: Tiểu đoàn 83, 84, 86 và Tiểu đoàn 43 pháo 40mm.
Đại đội 2, Tiểu đoàn 151, Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 huấn luyện tháo, nạp đạn tên lửa. Ảnh: ĐÌNH KÝ
Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn khẩn trương ổn định biên chế tổ chức, vừa huấn luyện, vừa xây dựng củng cố doanh trại. Chỉ sau gần một năm, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bắn đạn thật dưới chân núi Tam Đảo. Tháng 12-1955, Trung đoàn được lệnh rời Thái Nguyên về triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, trung tâm đầu não chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 10-6-1958, Bộ Tư lệnh phòng không ra Quyết định số 235 đổi tên Trung đoàn Pháo cao xạ 685 thành Trung đoàn Pháo cao xạ 250 mang tên Đoàn Thăng Long.
Cuối năm 1960, Trung đoàn cơ động về bảo vệ thành phố Nam Định, được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định, chỉ trong thời gian ngắn, Trung đoàn đã ổn định và triển khai xong đội hình chiến đấu. Ngày 2-7-1965, trên bầu trời Nam Định, Trung đoàn đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, lập công xuất sắc, bắn rơi 3 máy bay địch (có 1 chiếc RB-57, 2 chiếc A.4D) viết nên truyền thống chiến thắng trận đầu của Trung đoàn.
Trong suốt những năm chiến tranh ác liệt chống đế quốc Mỹ, Trung đoàn liên tục hành quân cơ động bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn Quân khu 4, các địa danh như: Hàng Thao, Đò Lèn, cầu Cấm, cầu Bùng, Phương Tích, thành cổ Quảng Trị… gắn liền với cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, với nhiều hy sinh, gian khổ và những chiến công oanh liệt của Trung đoàn. Một số trận đánh điển hình, đạt hiệu suất cao như: Trận ngày 31-5-1966, bảo vệ Ga Đò Chè và Cầu phao Đò Quang, các đơn vị đồng loạt nổ súng đánh địch liên tục, quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, trong đó có 1 chiếc rơi ở cửa Đáy. Trận đánh ngày 30-7-1967, với 12 viên đạn bắn rơi tại chỗ chiếc A.4D, bắt sống giặc lái. Đây là chiến công xuất sắc trong quá trình làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ cầu Đò Lèn - Thanh Hóa. Trận ngày 31-7-1968, Trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Cấm, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4 ngay chính trên bầu trời quê hương Bác Hồ; Trận đánh ngày 28-11-1971, bắn rơi 1 chiếc F4, đây là chiến công xuất sắc đầu tiên trên tuyến hành lang 559; ngày 4-2-1973 Trung đoàn bắn rơi chiếc A-37 của ngụy quân Sài Gòn trên vùng trời Quảng Trị. Đây là chiếc máy bay thứ 190 và cũng là chiếc cuối cùng mà Trung đoàn bắn rơi. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành, bảo vệ bộ binh, các vùng mới giải phóng, khi vào tiếp quản TP Đà Nẵng, Trung đoàn đã góp phần cùng với các lực lượng ở địa phương, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn, xây dựng cuộc sống văn hoá mới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã tham gia đánh hơn 3.800 trận, bắn rơi 190 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, được tặng thưởng 98 huân huy chương các loại. Sau ngày Miền Nam giải phóng, Tổ quốc thống nhất, theo yêu cầu mới, ngày 19-11-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định giải thể 12 Trung đoàn pháo phòng không, trong đó có Trung đoàn 250
Ngày 11-4-1979, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 476 thành lập Sư đoàn phòng không 369, và hai Trung đoàn tên lửa 255 và 258. Ngày 18-8-1979, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không ra quyết định số 1259 tổ chức và điều động Trung đoàn tên lửa 258 về trung tâm chuyển loại vũ khí tại Đà Nẵng thuộc Sư đoàn phòng không 375, huấn luyện chuyển loại tên lửa S-125M. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Trung đoàn 258 đã nhiều lần hành quân, cơ động lực lượng nằm trong đội hình chiến đấu của các Sư đoàn 363, 367, 375, 377. Ngày 3-7-1987, Trung đoàn 258, Sư đoàn 377 được điều về trực thuộc Sư đoàn 361, triển khai đội hình chiến đấu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ, có nhiệm vụ chặn đánh địch từ xa, bảo vệ phía Tây - Tây Nam Thủ đô Hà Nội và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ngày 6-5-1997, theo đề nghị của Quân chủng Phòng không, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Trung đoàn tên lửa 258 thành Trung đoàn tên lửa 250.
Trong tiến trình xây dựng Trung đoàn theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Trung đoàn tiếp nhận hai bộ khí tài tên lửa S-125-2TM về triển khai chiến đấu tại bảo đảm chặt chẽ, an toàn. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, QLVT, chất lượng huấn luyện, XDCQ, QLKL ngày càng thực chất; hoạt động CTĐ, CTCT được tiến hành có nền nếp, chất lượng, hiệu quả; công tác hậu cần, kỹ thuật được quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, bảo đảm đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ. Tham gia các đợt hội thi, hội thao, bắn đạn thật do Quân chủng, Sư đoàn tổ chức đều đạt giỏi, diệt mục tiêu, an toàn tuyệt đối.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Tên lửa 250 được Đảng, Nhà nước và cấp trên tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ngày 23-5-2005, Trung đoàn được Chủ tịch nước ký quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Ngày 5-7-2006, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đây là niềm vinh dự, tự hào, ghi nhận những đóng góp hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 250 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá ĐINH TRỌNG TUỆ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 250