Thiếu tướng Đinh Văn Bồng - Người chỉ huy gần gũi và mẫu mực
Đến giữa năm 1983, Sân bay Kép đã xuống cấp rất nhanh sau nhiều năm Trung đoàn 927 tổ chức bay liên tục với cường độ cao. Tháng 5-1983, chúng tôi chuẩn bị cơ động tất cả máy bay đi Sân bay Nội Bài huấn luyện cùng Trung đoàn 921 và cơ động đi Kiến An bay biển. Đã hoàn tất công tác chuẩn bị các mặt nhưng chúng tôi phải chờ cả tuần không chuyển sân được vì thời tiết xấu. Anh Đinh Văn Bồng, lúc đó là Trung đoàn phó, tuy nhà ở ngay ngoài cổng gác mà anh vẫn chấp hành nghiêm quy định, ăn ở, sinh hoạt, công tác tại đơn vị như các anh em khác. Khi thời tiết thuận lợi, đơn vị tiến hành chuyển sân, chúng tôi nhận lệnh hạ cánh tại Sân bay Nội Bài xong lại quay lên trực thăng bay về Sân bay Kép chuyển trường nốt số máy bay về Nội Bài. Chớp thời cơ, tranh thủ thời tiết tốt trong gần 3 tiếng đồng hồ, 100% máy bay đã được chuyển về Nội Bài an toàn tuyệt đối.
Thiếu tướng Đinh Văn Bồng - Giám đốc Học viện PK-KQ kiểm tra
học viên lớp tin học (năm 2002). Ảnh tư liệu.Chuyển sân cả Trung đoàn đi Nội Bài, rồi đi Kiến An bay biển an toàn; đơn vị vào bay ổn định, anh Nguyễn Mạnh Hải - Quyền Trung đoàn trưởng đi học và bàn giao cho anh Đinh Văn Bồng làm Trung đoàn trưởng.
Đầu tháng 8-1983, Sân bay Kép đã sửa chữa xong. Trung đoàn trưởng Đinh Văn Bồng trực tiếp chỉ huy và cùng chúng tôi cơ động từ Nội Bài, Kiến An quay trở lại căn cứ chính bay huấn luyện và trực ban sẵn sàng chiến đấu. Tháng đó, thật không may Trung đoàn đã để xảy ra vụ tai nạn bay cấp 2 và một số vụ uy hiếp an toàn bay. Nguyên nhân có cả do hỏng hóc kỹ thuật, trình độ lái, chấp hành kỷ luật bay của phi công và trình độ chỉ huy... Khi ấy, anh Đinh Văn Bồng vừa nhận quyết định Trung đoàn trưởng được 3 tháng, sau vụ tai nạn ngày 28-8-1983, toàn Trung đoàn 927 dừng bay 10 ngày để kiểm điểm và kiểm tra an toàn. Nhiều cá nhân, tập thể nghiêm túc kiểm điểm nhận trách nhiệm. Anh Đinh Văn Bồng tuy chỉ liên đới trách nhiệm nhưng vẫn tự nhận khuyết điểm và nhận hình thức thôi giữ chức Trung đoàn trưởng để nhận chức vụ Trung đoàn phó huấn luyện. Sau sự việc đó, anh cùng các cán bộ, chỉ huy đơn vị tiến hành triển khai công tác mọi mặt, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện, trực ban sẵn sàng chiến đấu chặt chẽ, chính quy, an toàn. Công tác huấn luyện bay của đơn vị tiến bộ, vững chắc hơn rất nhiều. Đến cuối năm, tất cả các thành phần, lực lượng trong Trung đoàn đã chuyển loại
MiG-21Bis xong 100%. Các nhiệm vụ khác cơ bản hoàn thành và hoàn thành tốt, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Anh Đinh Văn Bồng là Trung đoàn phó huấn luyện nhưng anh vẫn tận tâm với bay, mẫn cán với công việc. Để kiện toàn tổ chức, đầu năm 1984, anh Phạm Phú Thái về nhận cương vị Trung đoàn trưởng, anh Vũ Văn Sông làm Bí thư Đảng ủy chuyên trách.
Ngày 25-4-1984, chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng, Sư đoàn điều một phi đội 8 máy bay lên Sân bay Yên Bái phối hợp với Trung đoàn 931 làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Với tinh thần rất khẩn trương, cuối tháng 4 mọi công việc chuyển sân đã hoàn tất, cả 8 chiếc máy bay và phi công đã thay nhau cùng lực lượng của Trung đoàn 931 làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu cấp 2. Sau hơn 2 tháng tăng cường cho đơn vị bạn, cấp trên cho Trung đoàn rút lực lượng ở Sân bay Yên Bái về để triển khai bay biển, bay đêm và bắn đạn thật. Thời gian đó anh Bồng là cấp phó của anh Thái, hai anh chỉ huy rất hợp ý nhau, mọi công việc khá nhịp nhàng. Họ thật sự là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi học tập.
Đầu tháng 8-1984, hôm đó vào thứ 6, tuần thứ 2 - trong ban bay huấn luyện bài bay đề cao không vực nhào lộn phức tạp độ cao cực thấp trên máy bay MiG-21UM. Bài bay được thực hiện tại đỉnh Sân bay Kép chếch về phía Bắc; Trung tá Đinh Văn Bồng - Trung đoàn phó Huấn luyện, là chỉ huy bay chính. Tôi, Phương Minh Hòa và phi công Bùi Văn Tập - hai anh em thực hiện bài bay theo đúng quy định không có sai sót gì. Kết thúc bài bay, xin bay vào hạ cánh vòng kín ngắn hẹp, Chỉ huy bay đồng ý. Khi từ vòng 3 về vòng 4 lẽ ra theo sơ đồ chuẩn là vòng về bên phải đài dẫn đường gần là đúng theo sơ đồ bài bay, nhưng khi đang vòng đối đài gần thì anh Tập nói: “Để tôi hạ cánh”. Về khoa mục hạ cánh đường băng ngắn hẹp anh Tập có trình độ thuộc loại nhất nhì Trung đoàn, và là bậc thầy của tôi nên tôi hoàn toàn yên tâm. Anh Tập điều khiển cần lái, đối đầu máy bay vào bên trái đài gần (giữa đài gần và đầu đường băng). Đến điểm chuẩn anh Tập ép cần lái bên trái vòng vào đối chuẩn đường băng vừa vòng vừa thả cánh tà 45 độ. Kiểu hạ cánh này, ở Trung đoàn chúng tôi được tiếp thu học tập của thế hệ các anh đã tham gia chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ thường làm. Anh Phạm Phú Thái và anh Đinh Văn Bồng rất thích bay kiểu này mỗi khi có điều kiện!
Vòng 4 chúng tôi vào hơi muộn, chỉ huy bay nhắc:
- “Chú ý, vòng 4 muộn!”.
Chúng tôi cũng đã nhận biết nên hai anh em ép hết cần lái đối chuẩn thẳng đường băng, vừa cải bằng máy bay đã ở đầu đường băng, thu hết cửa dầu, máy bay tiếp đất hơi mạnh một chút nhưng đúng chữ “T”. Chỉ huy bay hô:
- “Chuẩn! Tiếp đất tốt, kiểm tra tốc độ thả dù giảm tốc”.
Hội nghị rút kinh nghiệm sơ bộ sau ban bay, anh Bồng không nhắc gì về cú hạ cánh tuy an toàn nhưng hơi mạo hiểm. Khi chuẩn bị lên xe ca, anh Bồng với nét mặt nghiêm nghị vừa châm điếu thuốc lá cuộn, vừa nhắc nhẹ chúng tôi về bài bay và cách hạ cánh mạo hiểm chỉ khi cần trong “chiến tranh”, xong anh cũng không quên chúc mừng tôi đã có quyết định được đi học tại Học viện Không quân Gagarin - Liên Xô.
Thời gian được là cấp dưới và công tác với anh Đinh Văn Bồng không dài, nhưng trong tôi mãi ấn tượng về anh với dáng người to cao, khỏe mạnh, khuôn mặt phúc hậu. Anh là một phi công dày dạn kinh nghiệm, người thủ trưởng đôn hậu, ít nói, ưa nói thẳng, thật; sống nội tâm, thương người và đặc biệt là người dám đứng ra gánh vác và nhận trách nhiệm cá nhân về mình khi đơn vị xảy ra vụ việc!
Thượng tướng TS. PHƯƠNG MINH HÒA
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam