"Cẩn tắc vô áy náy"
Thời gian qua, trên internet, đặc biệt là mạng xã hội như facebook, zalo… thi thoảng lại xuất hiện những hình ảnh chưa đẹp, không đúng quy định của quân nhân. Người đưa hình ảnh của mình và đồng đội lên cơ bản để giao lưu, giải trí… với động cơ trong sáng. Tuy nhiên, lợi dụng những hình ảnh đó, kẻ xấu triệt để suy diễn, bóp méo với động cơ đen tối, khó lường.
Nét đẹp tình quân dân. Ảnh: THIÊN AN.
Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là hình ảnh đẹp, in đậm trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Để chống phá cách mạng nước ta, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều thủ đoạn, trong đó có tham vọng “phi chính trị hóa” Quân đội. Để thực hiện tham vọng này, chúng dùng nhiều thủ đoạn, trong đó lợi dụng triệt để các clip, hình ảnh chưa đẹp của quân nhân ta trên mạng xã hội để xuyên tạc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi với những quân nhân “bị” đưa hình ảnh chưa đẹp lên mạng xã hội vừa qua, đa phần do lỗi vô tình, chủ quan. Phần lớn các hình ảnh được đưa lên bởi bạn bè, người thân, những người không hoạt động trong lực lượng vũ trang.
Tìm hiểu những người đưa hình ảnh đó lên, chúng tôi nhận được phản hồi chỉ đơn giản là họ yêu quý màu áo lính, đưa lên cho đẹp chứ không hề có ác ý gì và cơ bản họ cũng không hiểu tận tường về quy định mang mặc, tác phong, phong cách quân nhân trong Quân đội.
Hai vấn đề trên đặt ra cho chúng ta cần có những nhìn nhận khách quan. Đó là một số quân nhân vẫn còn chủ quan, chưa ý thức sâu sắc được rằng khi khoác trên mình bộ quân phục, đồng nghĩa với trách nhiệm mình phải ý thức được hình ảnh đó không phải chỉ của bản thân, mà đó còn là hình ảnh chung, chứa đựng đầy đủ thể diện của Quân đội, của lực lượng nơi chúng ta đang thực thi nhiệm vụ. Để ý thức được điều đó, theo chúng tôi, quân nhân phải tỉnh táo và luôn chú ý giữ gìn hình ảnh của mình mọi lúc, mọi nơi. Vậy nên, “Cẩn tắc vô áy náy” là lời khuyên thật đúng với chúng ta trong mọi sự, nhất là việc gìn giữ hình ảnh.
Trong hoạt động hàng ngày, không thể tất cả đều theo đúng được khuôn phép, quy định. Nói như thế là bởi, trong quy định không cấm chúng ta cúi, nghiêng, ngoáy tai, hắt xì hơi, ho, ngáp… Tuy nhiên, chỉ một cử động nhỏ như vậy cũng có thể lọt vào “ống kính” và chúng dễ dàng được phát tán lên internet. “Khoảnh khắc” ấy sẽ vừa không hề đẹp chút nào vừa có nguy cơ làm “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu sử dụng để suy diễn theo hướng xấu.
Những người đưa hình ảnh đó, cơ bản là họ chỉ muốn đưa lên “cho vui” chứ không hề có ác ý. Như vậy, để họ không đưa những hình ảnh “độc” khi chúng ta mặc quân phục, theo chúng tôi, ngoài sự cảnh giác cần thiết, chúng ta cũng có những cách để những hình ảnh đó không “bị” đưa lên internet. Đó là thường xuyên tuyên tuyền cho gia đình, bạn bè, người thân của mình về đặc thù công việc và quy định của Quân đội, đơn vị khi làm việc.
Bên cạnh ý thức của mỗi quân nhân, việc thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trong giao ban, hội họp, học tập và sinh hoạt tập thể của người chỉ huy các cấp về lễ tiết tác phong quân nhân nói chung và mang mặc quân phục khi tham gia các hoạt động xã hội và ra ngoài doanh trại nói riêng đóng vai trò quan trọng. Đó là biện pháp nhằm xây dựng ý thức gìn giữ hình ảnh cho mỗi quân nhân trong cuộc sống cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
SÔNG HỒNG