Giữ tốt, dùng bền ở Tiểu đoàn 170
Là đơn vị kỹ thuật làm nhiệm vụ đảm bảo đạn tên lửa cho các tiểu đoàn hỏa lực trong Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, QLVT; tổ chức huấn luyện dây chuyền lắp ráp đạn; bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và đạn tên lửa... Trong nhiều năm qua, Tiểu đoàn 170 (Trung đoàn 276, Sư đoàn 367) luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ bảo quản định kỳ đạn tên lửa.
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 kiểm tra kỹ thuật đạn tên lửa tại Bãi 21.Có mặt tại khu kỹ thuật của Tiểu đoàn, chúng tôi được “mục sở thị” quy trình bảo quản định kỳ đạn tên lửa tuyến 5 (đạn thường xuyên bảo quản trong kho đạn, được kiểm tra, bảo quản định kỳ 1 năm, 1 lần) hết sức công phu, tỉ mỉ của cán bộ, chiến sĩ. Tại khu vực thực hiện nhiệm vụ của Đại đội 1 (Bãi 21), cán bộ, chiến sĩ đang tập trung cao độ cho bước kiểm tra riêng phần các khối máy trong quả đạn. Đạn tên lửa được cố định chắc chắn trên các giá đỡ, còn các trắc thủ, theo nhiệm vụ được phân công, đang cẩn thận tháo mở, kiểm tra từng khối máy bên trong thân đạn... Hạ sĩ Vòng Quyền Huy - Trắc thủ Kíp, Đại đội 1 bộc bạch: “Tôi đảm nhiệm số 4 trong tổ. Sau khi triển khai đạn, tôi có nhiệm vụ lắp ráp hệ thống cáp để kiểm tra tham số điện của đạn tên lửa theo chức trách; tiến hành đọc tham số của cánh lái theo các giá trị kiểm tra của số 1, số 2; điều chỉnh giá trị điện áp theo lệnh của chỉ huy kíp... Công việc này đòi hỏi phải nắm vững các giá trị chuẩn và sai số cho phép của các thang đo để báo cáo và điều chỉnh khi có lệnh của số 1. Trong quá trình kiểm tra, tôi vừa phải tập trung nắm các chỉ số, vừa phải chú ý nghe lệnh của chỉ huy kíp và hiệp đồng ăn ý với các số khác”.
Trong khi đó, tại khu vực của Đại đội 2 (Bãi 22), cán bộ, chiến sĩ đang tất bật với công việc đưa đạn vào hòm bảo quản (Hòm số 1) trong kho đạn, sấy khô, hút chân không, bơm khí khô để niêm cất các quả đạn đã qua các bước bảo quản định kỳ. Theo Trung tá Vũ Quang Tú - Tiểu đoàn trưởng, việc bảo quản định kỳ và niêm cất đạn tên lửa tuyến 5 ở đơn vị luôn tuân thủ theo quy trình hết sức nghiêm ngặt. Do đó, đạn tuyến 5 của đơn vị luôn có chất lượng tốt, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển tuyến hoặc trực tiếp lắp nạp đầy đủ cho nhiệm vụ SSCĐ. Theo đó, trước khi tổ chức định kỳ, đơn vị phải tiến hành lập kế hoạch báo cáo cấp trên phê chuẩn, tiến hành khảo sát lại toàn bộ tình trạng vũ khí trang bị kỹ thuật và đạn tên lửa của đơn vị. Khi thực hành định kỳ, đạn sẽ được rút ra khỏi hòm số 1, được kiểm tra tình trạng kỹ thuật bên ngoài tại Bãi 21, sau đó chuyển sang Bãi 22 để kiểm tra tham số điện. Sau khi kiểm tra đánh giá tình trạng kỹ thuật và tiến hành bảo quản bảo dưỡng, quả đạn sẽ được đưa trở lại Bãi 21 và tiếp tục được bảo quản, bảo dưỡng, sau đó được đưa trở lại vào hòm số 1, tiến hành sấy không khí nóng cả hòm và đạn với nhiệt độ nhỏ hơn 60 độ C, trong khoảng thời gian từ 45 đến 50 phút. Sau khi sấy khô xong sẽ dùng khí khô để đuổi ẩm. Đuổi ẩm xong đồng bộ, đạn được đưa vào trong hòm, thay các túi đựng chất hút ẩm, đóng kín hòm sau đó tổ chức hút chân không cho hòm và bơm khí khô vào để bảo quản. Quy trình bơm, hút được thực hiện lặp lại 3 lần, khi kết thúc lần cuối cùng thì bơm khí khô vào với áp suất 0,03 đến 0,07 kg/cm3. Áp suất trong hòm được kiểm tra thường xuyên, thông qua chỉ thị màu được gắn trên hòm... Nếu chỉ thị màu không đổi qua thời gian chứng tỏ áp suất không thay đổi, ngược lại nếu chỉ thị màu thay đổi, chứng tỏ hòm không kín, lúc đó đơn vị sẽ tổ chức khắc phục để bảo đảm độ kín cho hòm bảo quản.
Trực tiếp chứng kiến những người lính kỹ thuật của Tiểu đoàn 170 chăm chút cho những quả đạn tên lửa, chúng tôi lý giải được vì sao những quả đạn đã trải qua hàng chục năm khai thác, sử dụng vẫn có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
Bài, ảnh: CÔNG GIANG