20 giờ:43 phút Thứ năm, ngày 11 tháng 4 , 2019

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Lữ đoàn Phòng không 210 (25-4-1959 / 25-4-2019):

Xứng danh đơn vị phòng không anh hùng

Lữ đoàn Phòng không 210 (tiền thân là Trung đoàn Phòng không 210) được thành lập ngày 25-4-1959 theo Quyết định số 410/NĐ của Bộ Quốc phòng. Giai đoạn đầu mới thành lập, Trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ khu Gang thép Thái Nguyên, Thủ phủ khu tự trị Việt Bắc và cơ động đánh địch khi có lệnh của trên.

Xứng danh đơn vị phòng không anh hùng 
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 210 thực hành diễn tập,
bắn đạn thật tại Trường bắn TB-1, năm 2018.
Ảnh: DƯƠNG TOÀN

 Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc bằng không quân, hòng phá hoại công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210 đã hiệp đồng chặt chẽ cùng với các lực lượng của quân và dân Bắc Thái chiến đấu. Ngày 17-10-1965, Trung đoàn đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ. Đặc biệt, ngày 29-4-1966 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 999 và 1000 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, làm nức lòng quân và dân cả nước, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. Chiến công nối tiếp chiến công, từ năm 1965 đến năm 1967, Trung đoàn đã bắn cháy 31 máy bay của Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, góp phần cùng quân dân Bắc Thái bảo vệ vững chắc Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên và các cơ quan của Khu tự trị Việt Bắc.

Đầu năm 1967, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210 lên đường chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các vùng lân cận. Tháng 6-1968, Trung đoàn bước vào cuộc đọ sức đỉnh cao với giặc Mỹ nơi “chốt” lửa Ngã ba Đồng Lộc. Với tinh thần “Sống bảo vệ cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, trong 147 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Trung đoàn đã bắn cháy 14 máy bay của Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông chi viện kịp thời cho miền Nam đánh Mỹ.

Hoàn thành nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc, Trung đoàn tiếp tục cơ động bảo vệ tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, tham gia Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum trên đất bạn Lào, với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều mục tiêu của địch, trong đó bắn rơi 15 máy bay các loại. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trở lại chiến trường B2 bảo vệ căn cứ Lộc Ninh, cơ quan của Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung đoàn đã bắn cháy 6 máy bay các loại. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu, Trung đoàn đã cùng Sư đoàn bộ binh 7, Quân đoàn 4 giải phóng Bù Đăng, Đồng Xoài, La Ngà, bảo vệ đội hình đánh chiếm Tổng kho Long Bình, giải phóng Xuân Lộc, góp phần cho ngày toàn thắng thống nhất đất nước của dân tộc. Ngày thống nhất chưa trọn vẹn, một lần nữa cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn nằm trong đội hình chiến đấu thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cơ động chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia giải phóng hoàn toàn đất nước, thoát khỏi nạn diệt chủng.

Sau 20 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu trên khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, bước chân của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã trải qua hàng ngàn cây số với truyền thống “Đi nhanh, đến đủ, đánh thắng” lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đã tham gia chiến đấu 5.600 trận lớn nhỏ, bắn rơi 66 máy bay Mỹ các loại bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao.

Trong giai đoạn mới với vị thế mới, tầm vóc mới, Lữ đoàn luôn bám sát tình hình thực tiễn nhiệm vụ của Quân đội, Quân khu 1, đoàn kết nỗ lực phấn đấu giành được kết quả toàn diện, vững chắc hơn. Về nhiệm vụ SSCĐ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm nền nếp chế độ, quy định về SSCĐ. Qua các lần Bộ Quốc phòng, Quân khu 1, Quân chủng PK-KQ kiểm tra đều được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ. Kết quả huấn luyện cho các đối tượng có 100% đạt yêu cầu trong đó có trên 80% khá giỏi. Hằng năm đều đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiện toàn củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân trong đơn vị.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo trong thực hiện Phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác dạy”, đơn vị đã xây dựng, củng cố hệ thống vườn, ao, giàn, chuồng, bảo đảm chính quy thống nhất; duy trì thực hiện có nền nếp chất lượng và hiệu quả công tác tăng gia chăn nuôi. Hiện nay, đơn vị đã bảo đảm tự túc 100% rau xanh, 100% thịt lợn, gia cầm, giá trị từ tăng gia sản xuất bình quân đạt 1.600.000 đồng/người/năm. Lữ đoàn đã thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị về công tác kỹ thuật, Cuộc vận động 50, bảo đảm tốt VKTBKT cho thực hiện các nhiệm vụ. Mặt khác, Lữ đoàn luôn giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các đơn vị bạn trên địa bàn đóng quân.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn Phòng không 210 được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, ba; Nước bạn Hungari tặng 12 huân chương các loại. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua; Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng các năm (2012, 2014, 2015, 2017); cùng nhiều phần thưởng khác do Quân khu 1, Quân chủng PK-KQ và địa phương trao tặng.

Đại tá TÔ QUANG VINH -
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 210

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website