Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Quang Bích
Dấu ấn trong những thời khắc lịch sử trọng đại
Có một vị tướng sinh ra trên đất Hà thành mà cuộc đời của ông đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), của đất nước. Ông đã trải qua những tháng ngày cân não quyết liệt của cuộc chiến tranh chống Pháp giữa lòng chảo Điện Biên Phủ, ghi lại dấu ấn khá đậm nét trong chiến thắng trận đầu (mùng 5/8/1964) và tỏa sáng với vai trò của người chỉ huy đánh B-52 trong ngày mở màn của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”... Đó là Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích. Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1954, Trung đoàn 367 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình binh chủng hợp thành. Khi ấy, Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri đang phụ trách đoàn cán bộ huấn luyện ở Trung Quốc; Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Bích được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị về nước chỉ huy Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Trần Đình. Mới ở tuổi 30, ông đã chỉ huy một trung đoàn pháo cao xạ lần đầu xuất quân với hai tiểu đoàn, giống như hai gọng kìm, kẹp và khống chế địch ở trung tâm Mường Thanh.
Hai tiểu đoàn với số lượng pháo cao xạ ít ỏi, đối đầu với hàng trăm máy bay hiện đại các loại của thực dân Pháp. Trong kí ức rất nhiều đồng đội của ông, suốt chiến dịch, ông Nguyễn Quang Bích luôn là người chỉ huy xuất sắc trong mọi thời điểm. Khi cần tháo gỡ những nút thắt khó khăn nhất, mở đường cho pháo cao xạ lập công, ông đã tỏ rõ được bản lĩnh và khả năng xử lý tài tình. Thành công của ông không chỉ nằm ở việc giải quyết tốt những vấn đề về chiến thuật, kỹ thuật mà còn ở cái tâm, ở sự nhân hậu. Ông Bích luôn gần gũi bộ đội, cả lúc khó khăn, gian khổ, hy sinh, cả trong những niềm vui chiến thắng. Tính cách vừa quyết đoán, nghiêm khắc, sáng tạo, vừa dịu hiền, nhân hậu của ông là yếu tố quan trọng, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay địch, bắn bị thương 153 chiếc.
Tác giả (thứ 2 từ trái qua) cùng gia đình Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. (Ảnh: HẢI HẠ)
Ngày đầu Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc (5/8/1964), Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, lúc ấy là Trung tá, Tham mưu trưởng Quân chủng trực chỉ huy Quân chủng. 12 giờ 25 phút, kết hợp phân tích tình báo của Trung đoàn Ra đa 290 và nhận điện thoại từ Trung đoàn 280 báo về Mỹ đánh Vinh, Bến Thủy và cảng Gianh, ngay lập tức ông hạ lệnh, toàn Quân chủng vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu. Đây là lần đầu tiên quân và dân miền Bắc đối đầu với máy bay phản lực Mỹ. Nhờ sự chỉ huy kịp thời từ Sở Chỉ huy Quân chủng và những nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ trên khắp các trận địa từ Quảng Ninh đến Vinh, trong ngày, 8 trong số 64 lần chiếc máy bay Mỹ đã bị bắn rơi.
Điều quan trọng không kém góp phần làm nên thắng lợi là việc bố trí trận địa. Trước đó, Tham mưu trưởng Quân chủng Nguyễn Quang Bích đã dẫn đầu đoàn cán bộ các cơ quan Quân chủng đi kiểm tra và bố trí lại đội hình của Tiểu đoàn 217 cho phù hợp với chiến thuật xạ kích. Đội hình chiến đấu của ba đại đội của Tiểu đoàn 217 đã làm thành hình tam giác, tập trung được hỏa lực tiêu diệt địch. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra vào Vinh bố trí lại đội hình Trung đoàn 280. Đoàn phân tích địch sẽ lợi dụng dãy Hồng Lĩnh bay thấp vào đánh phá thành phố Vinh, như vậy pháo 90mm sẽ khó công kích nên đoàn đã quyết định đưa một tổ súng máy 14,5mm lên núi Quyết sẵn sàng tiêu diệt địch bay ở tầm thấp. Tầm nhìn của người chỉ huy về công tác tham mưu và tác chiến luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi.
Suốt những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Quang Bích đã đảm nhiệm nhiều cương vị như Phó Tư lệnh Pháo binh miền, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không 361. Sau những chiến thắng lớn của bộ đội phòng không Hà Nội, Sư đoàn trưởng Nguyễn Quang Bích được trên điều động làm Sư đoàn trưởng đoàn phòng không cơ động 377, đơn vị có nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ giao thông vận tải trên chiến trường Khu 4. Năm 1970, ông về làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Rồi, như một cái duyên đã định, sau đó ông được ra Hà Nội làm Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 ra Hà Nội, Hải Phòng, ông, người con
Hà Nội lúc đó lại là người chỉ huy tại Sở chỉ huy Quân chủng vào đêm 18/12, khi ta đánh trận mở màn. Những giây phút hào hùng, thiêng liêng nhất trong đời binh nghiệp của ông, cũng là điều cả nước, cả nhân loại đang nín thở hướng về Hà Nội trong niềm mong đợi, là khi tại Sở chỉ huy Quân chủng, ông trực tiếp nhận được báo cáo của Chính ủy Sư đoàn 361 ngày 18/12/1972: Báo cáo, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 đã bắn cháy một B-52 lúc 20 giờ 13 phút. Để rồi, chính ông lại báo cáo lên Bộ Tổng tư lệnh: Chiếc B-52 cất cánh từ Guam đã bị bắn rơi tại chỗ tại xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh. Đó là chiếc B-52 đầu tiên bị hạ gục trên bầu trời Hà Nội …
Từ 56 ngày đêm quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đến 12 ngày đêm hào hùng của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích đã trực tiếp có mặt trong vai trò của người chỉ huy. Và ông trở thành một chứng nhân ghi những dấu ấn quan trọng trong những thời điểm trọng đại nhất của lịch sử dân tộc.
Trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT cho Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, gia đình ông đã có mặt đông đủ. Trong những giây phút thiêng liêng của buổi lễ, con trai ông, Đại tá Nguyễn Quang Nam - Phó trưởng phòng, Phòng Trang bị - Cục Quân lực (BTTM) chia sẻ: “Đây là danh hiệu cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội dành cho cha tôi. Là người nối nghiệp cha, tôi thật cảm động trước sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh PK-KQ. Và tôi tin chắc rằng, cha tôi cũng đang mỉm cười nơi thế giới những người hiền”.
HỒNG LINH