5 giờ:54 phút Thứ năm, ngày 15 tháng 6 , 2017

Báo Phòng không - Không quân: Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đầu năm 1958, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của BCH Trung ương Đảng về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng giai đoạn mới, ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị quyết thành lập Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không, gồm các trung đoàn pháo cao xạ, ra đa cảnh giới… có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời miền Bắc. Lúc đó, theo quy định của Tổng cục Chính trị, các quân, binh chủng được phép ra bản tin. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không đã ra bản “Tin Phòng không”, xuất bản hàng tuần và lưu hành nội bộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Mai được điều từ đơn vị pháo cao xạ về làm Bản tin và do Ban Tuyên huấn Binh chủng Phòng không phụ trách. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc là tháng 4-1959.

Báo Phòng không - Không quân: Trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Nhiều hình ảnh do Báo PK-KQ cung cấp đã trở thành nguồn tư liệu lịch sử
trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ và Nhà truyền thống các cơ quan, đơn vị.
Ảnh: THÀNH TRUNG

Sang năm 1961, thực hiện chỉ đạo của trên, Bộ Tư lệnh được phép nâng cấp tờ “Tin Phòng không” lên sắp chữ chì, in máy tại Nhà máy in Quân đội, khổ rộng 27cm x 39cm với nhiều thể loại phong phú hơn, hình thức tương đương một tờ báo địa phương. Đến ngày 22-10-1963, khi hai lực lượng Phòng không và Không quân hợp nhất thành Quân chủng PK- KQ, tờ “Tin Phòng không” được đổi thành “Tập san Phòng không” nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và phát triển Quân chủng. Biên chế tòa soạn có 5 người: Đồng chí Nguyễn Minh Đức - chịu trách nhiệm phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Xuân Mai - Thư ký tòa soạn; đồng chí Trần Duy Hợi - biên tập nội dung mảng Không quân; đồng chí Nguyễn Duy Khán - biên tập mảng Văn hóa, văn nghệ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thục- phụ trách hành chính - trị sự kiêm biên tập viên về pháo cao xạ và ra đa. Tập san ra định kỳ mỗi tháng 1 lần và số đầu tiên ra mắt bạn đọc là tháng 4-1964. Tháng 2-1965, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc, Cục Chính trị đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng nâng cấp Tập san thành tờ báo và phát hành mỗi tuần 1 kỳ. Để có mô hình báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân chủng, các phóng viên, biên tập viên của tòa soạn đã không quản ngại bom đạn, xuống tận các trận địa pháo, các trạm ra đa và có những bài viết phản ánh những sự kiện nóng hổi nơi chiến tuyến, truyền tải được hơi thở của những trận đánh then chốt. Các bài viết và hình ảnh tường thuật chân thật trận đánh của các lực lượng trong Quân chủng đã gây được nhiều tiếng vang, thu hút sự quan tâm theo dõi của bạn đọc và được Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh nhất trí nâng cấp thành tờ báo.

Ngày 30-9-1965, Quân chủng chính thức nhận được quyết định từ Sở Báo chí Trung ương nhất trí với đề nghị của Quân chủng chuyển từ Tập san Phòng không thành Báo PK-KQ ra hàng tuần, khổ rộng 27cm x 93cm, lưu hành nội bộ với số lượng phát hành 4.000 bản mỗi kỳ. Báo PK-KQ xác định rõ tôn chỉ mục đích là công cụ CTĐ, CTCT của Quân chủng. Nhiệm vụ của báo phải bám sát cuộc sống chiến đấu ở cơ sở, thông tin kịp thời những thành tích, gương điển hình, kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị, động viên cổ vũ phong trào thi đua nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Báo ra số đầu tiên và mở đầu cho phong trào “Bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay Mỹ và bắn tiết kiệm đạn” do Quân chủng phát động.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn, Báo PK-KQ dần đi vào nền nếp. Các chế độ làm kế hoạch, rút kinh nghiệm, đi cơ sở, thâm nhập thực tế tại các sân bay, trận địa; chế độ học tập chuyên môn, rút kinh nghiệm được tổ chức và duy trì đều đặn. Tòa soạn cũng thường xuyên cử người lên các cơ quan báo chí cấp trên và trung ương để học về cách trình bày báo, lưu trữ và bảo quản phim ảnh. Nhiều trang thiết bị như máy ảnh, ống kính tele, xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, máy ghi âm, máy phóng ảnh… đã được trang bị.

Trong những thời điểm Không quân Mỹ đánh phá rộng khắp miền Bắc, cơ quan phải đi sơ tán, nhưng phóng viên Báo thường xuyên bám sát trận địa. Lực lượng của tòa soạn luôn có mặt ở các khu vực bị đánh phá ác liệt, kịp thời phản ánh tình hình chiến sự và cuộc sống, chiến đấu của người lính PK-KQ.

Lực lượng của tòa soạn cũng không ngừng được bổ sung, từ đó Báo cũng hình thành các tổ chuyên trách: Tổ báo, tổ viết gương, tổ sách kinh nghiệm, tổ ảnh và tổ hành chính-trị sự. Đồng chí Phạm Quế Dương là Tổng Biên tập, điều hành chung. Đến cuối năm 1968, tổ quay phim được thành lập thêm. Hầu hết anh chị em được điều về làm báo trong điều kiện chưa ai được học hành, đào tạo bài bản chính quy về nghiệp vụ, họ chỉ là những người có năng khiếu viết báo, học tại chức và học ngay từ thực tế chiến đấu, nhưng tất cả đều tiến bộ rất nhanh. Năm 1970, đồng chí Nguyễn Xuân Mai được bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phóng viên Báo PK-KQ luôn bám rất sát các trận địa, sân bay chiến đấu theo 3 nhiệm vụ tác chiến phòng không của Quân chủng: Bảo vệ miền Bắc; bảo vệ giao thông vận chuyển chi viện cho chiến trường; chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành. Đặc biệt, những đơn vị cơ động chiến đấu trên chiến trường miền Nam đều có phóng viên đi cùng. Báo PK-KQ có một phóng viên hi sinh trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, một phóng viên bị thương khi đang làm nhiệm vụ tại trận địa pháo. Báo cũng được Quốc hội, Chính phủ trao tặng một Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều phóng viên được giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam; nhiều đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được Quân chủng tặng bằng khen…

BÍCH PHƯỢNG
(Theo Hồi ký của Đại tá Nguyễn Xuân Mai - nguyên Tổng biên tập Báo PK-KQ)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website