Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Trung đoàn Ra đa 291 (21-3-1958 / 21-3-2018):
Trung đoàn Ra đa 291: Tiếp nối truyền thống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
Cách đây 60 năm, khi miền Bắc nước ta mới được giải phóng, với mưu đồ đen tối, đế quốc Mỹ cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trước tình hình đó, ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 47/NĐ thành lập Trung đoàn cần vụ đối không đầu tiên, lấy phiên hiệu là Trung đoàn 260 (đó là phiên hiệu đầu tiên của Trung đoàn 291 ngày nay). Và cũng từ đây, ngày 21-3 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn Ra đa 291.
Bảo quản khí tài tại Trạm Ra đa 61, Trung đoàn 291. Ảnh: QUỲNH VÂNSau ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định tổ chức, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, huấn luyện làm chủ khí tài trang bị. Tháng 1-1959, toàn bộ 7 đại đội ra đa và 45 vọng quan sát mắt của Trung đoàn đã chiếm lĩnh triển khai khí tài. Đúng 0 giờ ngày 1-3-1959 được lệnh của trên, Trung đoàn chính thức phát sóng, canh giữ bầu trời miền Bắc XHCN. Chỉ sau 2 ngày phát sóng, lúc 0 giờ 15 phút ngày 3-3-1959, Đại đội 4 của Trung đoàn đã phát hiện chính xác và thông báo kịp thời chiếc máy bay C-47 xâm phạm vùng trời Thanh Hóa. Mùa Xuân năm 1961, Trung đoàn 260 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 300; tháng 5-1961, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu ký quyết định đổi phiên hiệu Trung đoàn 300 thành Trung đoàn 291.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Trung đoàn đã hành quân chiến đấu trên khắp các địa bàn trọng điểm đánh phá của địch; triển khai lực lượng trên phạm vi rộng, chiến đấu liên tục và tham gia hầu hết các chiến dịch lớn ở các thời điểm lịch sử quan trọng trên các chiến trường khác nhau.
Trong suốt 4 năm (từ năm 1968 đến 1972), Trung đoàn vừa củng cố xây dựng mọi mặt, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm tình báo cho các lực lượng PK-KQ khu vực đồng bằng Bắc bộ và ven biển, đánh bại các thủ đoạn của máy bay tầm thấp không người lái của Mỹ. Trong 12 ngày đêm lịch sử tháng 12 năm 1972, trong điều kiện địch dùng nhiều thủ đoạn, nhiều phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại, thả nhiều loại nhiễu; song do có bản lĩnh vững vàng và trình độ tinh nhuệ nên trong ngày đầu tiên của Chiến dịch, lúc 16 giờ 40 phút ngày 18-12, lần đầu tiên đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh ra Hà Nội; Trung đoàn đã không để Tổ quốc bị bất ngờ, Đại đội 45 và Đại đội 16 đã phát hiện B-52 cách Hà Nội 500km, báo động kịp thời cho các lực lượng PK-KQ vào vị trí chiến đấu sớm 35 phút. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý báu để quân và dân ta chủ động tiêu diệt địch. Trong điều kiện chiến đấu và xây dựng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, hi sinh, mặc dù phải đối phó với đối tượng tác chiến có ưu thế về binh khí kỹ thuật, có âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt; nhưng với ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn vừa chiến đấu, vừa xây dựng trưởng thành, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, Trung đoàn đã vận dụng linh hoạt cách đánh và các hình thức tác chiến phòng không, góp phần xây dựng nghệ thuật đảm bảo ra đa của Bộ đội Phòng không luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã tham gia đánh nhiều trận, phát hiện 556.980 tốp máy bay địch, thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng không và dẫn đường cho không quân ta bắn rơi 1.089 máy bay và đánh chìm 4 tàu chiến Mỹ.
Sau khi hòa bình thống nhất đất nước, Trung đoàn luôn phát huy truyền thống vẻ vang trong chiến đấu, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ quản lý chặt chẽ vùng trời, vừa tích cực xây dựng Trung đoàn vững mạnh về mọi mặt.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng, ngày 3-6-1976, Trung đoàn Ra đa 291 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 4 tập thể và 3 cá nhân thuộc Trung đoàn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trung đoàn đã được tặng thưởng 6 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; 6 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 90 cờ thưởng các loại. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, “Chiến sĩ thi đua” và các phần thưởng khác.
Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, nhằm đánh bại các cuộc tiến công đường không hiện đại bất ngờ bằng vũ khí công nghệ cao; Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn luôn quan tâm giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức huấn luyện làm chủ VKTBKT; duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ canh trực SSCĐ, QLVT, quản lý bay từ SCH Trung đoàn đến các trạm, đài ra đa; kế thừa vận dụng những kinh nghiệm cách đánh của cha anh vào huấn luyện, SSCĐ trong thời kỳ mới; chuẩn bị đầy đủ mọi kế hoạch, phương án, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, tập trung xây dựng các tổ chức trong đơn vị vững mạnh, bản lĩnh tâm lý vững vàng, cảnh giác SSCĐ cao, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng phát hiện thông báo kịp thời các phương tiện tập kích đường không, góp phần bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc. Xây dựng mối đoàn kết nhất trí cao, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, xây dựng nhiều phong trào mới, nhiều điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng Trung đoàn 291 và Sư đoàn 365 “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, viết tiếp trang sử vẻ vang của Đoàn Ba Bể anh hùng trong thời kỳ mới.
Thượng tá NGUYỄN VĂN ĐƯỢC - Chính ủy Trung đoàn 291