22 giờ:0 phút Thứ hai, ngày 12 tháng 5 , 2025

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và mũi tiến công của Phát thanh binh địch vận

Với đại thắng mùa Xuân kết thúc vào trưa ngày 30-4-1975, chúng ta đánh địch bằng nhiều phương thức, phương tiện, nhiều quân binh chủng và vũ khí có được. Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) là một phương tiện, một binh chủng, một thứ “vũ khí chiến lược” lợi hại đã góp phần tích cực, rất quan trọng vào thắng lợi lịch sử đó. Những người đã từng sống, từng trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều cảm nhận được Đài TNVN thực sự là người bạn thân thiết, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao, thúc giục chiến sĩ đồng bào cả nước tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; trong đó, không thể không nhắc đến các chương trình phát thanh binh địch vận (BĐV), một mũi tiến công lợi hại vào nền tảng chính trị, tinh thần, tư tưởng, tâm lý quân xâm lược và ngụy quân, ngụy quyền tay sai.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và mũi tiến công của Phát thanh binh địch vận

Phát thanh BĐV là một bộ phận quan trọng của công tác BĐV nói chung. Nhận rõ vị trí, vai trò, tác dụng to lớn, mang tầm chiến lược của công tác này, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Đài TNVN tổ chức nhiều buổi phát thanh dành riêng cho các đối tượng đặc biệt: Buổi phát thanh dành cho sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn, bắt đầu từ năm 1958 đến 30-4-1975. Giai đoạn từ 1973 đến 30-4-1975 còn có thêm buổi phát thanh dành riêng cho tướng lĩnh quân đội Sài Gòn. Hai chương trình phát thanh dành cho quân Mỹ xâm lược phát bằng tiếng Anh, bắt đầu từ 1962 và chương trình phát thanh dành cho quân chư hầu Nam Triều Tiên, phát bằng tiếng Hàn, bắt đầu từ năm 1964, đều kết thúc sau khi các đội quân này phải rút về nước theo Hiệp định Pa-ri về Vệt Nam ký ngày 27-1-1973. Các chương trình phát thanh ấy ban đầu phát trên sóng của Đài TNVN, sau đó phát cả trên sóng của Đài phát thanh Giải phóng. Đài này có hai bộ phận, một ở chiến trường Miền Nam (Đài B), một ở Miền Bắc (gọi là Đài A, hoặc CP90). Hai bộ phận kết hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau để có thể hoạt động liên tục trong hoàn cảnh chiến tranh.

Hồi ấy, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi vào Bộ đội và vinh dự được làm biên tập viên, phóng viên phát thanh BĐV Đài TNVN. Chương trình này lấy tên là “Hướng theo ngọn cờ cứu nước” dành cho sĩ quan, binh lính quân đội và cảnh sát Sài Gòn (do anh Hồ Dũng Sinh làm Trưởng phòng). Một thời gian sau, tôi được chuyển sang phát thanh BĐV Đài phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Chương trình này xưng danh là “Buổi phát thanh dành cho sĩ quan và binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (do anh Chu Quang Tiêu làm Trưởng phòng). Nói cho đồng bào, chiến sĩ ta nghe được, có sức thuyết phục đã là một việc không dễ. Nói cho những người thuộc hàng ngũ quân địch nghe được, hiểu được chính nghĩa, lẽ phải thuộc về ta, cảm hóa được họ, là việc càng khó khăn, phức tạp; tôi phải luôn cố gắng, vừa làm vừa học. Với đối tượng thính giả đặc biệt này, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, hiểu biết sâu sắc nhiều mặt để có cách viết, cách nói phù hợp, có lý, có tình, có tính thuyết phục. Phải nêu cao lòng nhân ái, chính sách nhân đạo của Đảng, phát huy truyền thống “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình của người nghe, khêu gợi những mặt tốt đẹp trong con người họ, hướng dẫn đường đi nước bước một cách khéo léo để khi có thời cơ thì họ biết tìm lối thoát đúng đắn, hành động phù hợp với chính nghĩa. Bởi vây, phát thanh BĐV phải vừa có tính cách mạng, tính khoa học, tính quần chúng, vừa có tính nghệ thuật, phát huy được sức mạnh của nhiều loại hình báo chí, văn học, nghệ thuật.

Các buổi phát thanh BĐV hồi ấy thường được tổ chức, dàn dựng khá công phu như một “bữa ăn tinh thần” cho đối tượng đặc biệt với nhiều món, nhiều thể loại, bài vở, như: Tin tức thời sự, bài viết chính luận, thơ ca, truyện ngắn, phóng sự thu thanh, phỏng vấn, tọa đàm. Phần văn nghệ cũng rất phong phú, bao gồm tân nhạc và nhiều thể loại ca nhạc dân tộc, nhất là ca Huế, Bài chòi Liên khu Năm và ca kịch cải lương Nam Bộ. Cách viết, cách nói, kết cấu chương trình, các thể loại đều phải bám sát “đối tượng đặc biệt” để có tác dụng, hiệu quả cao. Một trong những “món ngon nhất”, hấp dẫn nhất của phát thanh BĐV hồi ấy là dùng tiếng nói của tù, hàng binh để tác động vào hàng ngũ của họ. Đó là những nhân chứng, người thật việc thật nên có sức thuyết phục cao. Hàng trăm tù binh Mỹ (gồm số bị bắt trên chiến trừờng Miền Nam và “giặc lái” Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Miền Băc), hàng chục ngàn sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn là tù, hàng binh đã được ghi âm phát biểu, cảm nghĩ hay nhắn tin về cho gia đình, đồng đội được phát trên Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng.

Hình ảnh người chiến sĩ ngày ấy ra trận là “chiếc ba lô và cây súng trên vai”, đầu đội mũ cối hay mũ tai mèo. Ngoài những thứ đó ra, chiến sĩ Phát thanh BĐV chúng tôi còn có vũ khí chính là cây bút và chiếc máy ghi âm (của Liên Xô hoặc Hung-ga-ri viện trợ, to và nặng đến 3-4 kg). Tôi có vinh dự được tham gia các chiến dịch lớn như Đường 9 Nam Lào (1971); “Mùa hè đỏ lửa” (Quảng Trị 1972), cuối cùng là chiến dịch mùa Xuân đại thắng năm 1975. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải chiến đấu bằng cây súng mà chủ yếu bằng cây bút để ghi chép lấy tư liệu làm tin, viết bài và tìm cách tiếp cận, ghi âm tiếng nói tù, hàng binh càng sớm càng tốt để kịp thời phát thanh BĐV. Chúng tôi đã từng gặp, tiếp xúc, ghi âm tiếng nói của rất nhiều sĩ quan quân đội Sài Gòn ra hàng Cách mạng hay bị bắt làm tù binh. Trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng và Trung tá Nguyễn Văn Huế - Lữ đoàn phó Lữ đoàn dù 3 bị bắt trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971; Đại tá Vi Văn Bình - chỉ huy Sư đoàn 22 bị bắt ở mặt trận Đăc Tô - Tân Cảnh (Tây Nguyên). Đặc biệt, Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng và Trung tá Vĩnh Phong - Trung đoàn phó Trung đoàn 56, Sư đoàn 1, do tác động của công tác BĐV nói chung, phát thanh BĐV nói riêng và áp lực quân sự đã phản chiến, dẫn cả Trung đoàn ở căn cứ Tân Lâm (Quảng Trị) ra hàng Quân Giải phóng, trở về với Cách mạng. (Sau dó Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong được giữ nguyên quân hàm Trung tá và được phân công làm nhiệm vụ thích hợp). Tiếng nói của những sĩ quan đó được phát nhiều lần trên các buổi phát thanh BĐV và một số buổi phát thanh như: Thời sự, Phát thanh dành cho thính giả thành thị Miền Nam. Để có được chất lượng, hiệu quả tốt, đòi hỏi người ghi âm phải có bản lĩnh, có “nghệ thuật” khai thác tâm lý, làm “công tác tư tưởng” cho tù, hàng binh để họ được tự nhiên, thoải mái nói lên sự thật theo yêu cầu đặt ra. Riêng với tù, hàng binh là lính, vì số lượng nhiều, trình độ hạn chế (đại đa số bị bắt buộc đi quân dịch) nên chỉ yêu cầu họ nói, nhắn tin thật ngắn gọn cho gia đình hoặc bạn bè, gồm: Họ tên, đơn vị, số lính, quê quán, sau khi bị bắt hoặc ra hàng Quân Giải phóng được đối xử tử tế theo chính sách khoan hồng, nhân đạo của Cách mạng.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và mũi tiến công của Phát thanh binh địch vận

Trong đại thắng mùa Xuân  năm 1975, cùng với các mũi tiến công quân sự “thần tốc, táo bạo hơn nữa” theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công tác BĐV nói chung, phát thanh BĐV nói riêng cũng “hoạt động hết công suất”. Các chiến sĩ phát thanh BĐV chúng tôi được phân công đi theo các đoàn quân, các mũi, các hướng tấn công quân sự, từ Tây Nguyên, Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng đến Sài Gòn. Khi quân ngụy bị đánh tơi bời, bị bắt sống, ra hàng, tan rã từng mảng lớn, chúng tôi “bội thu thanh” tiếng nói tù, hàng binh phát liên tục trên Đài TNVN và Đài phát thanh Giải phóng. Khi quân ta tiến đánh giải phóng Phan Rang, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi - Tư lệnh phòng tuyến Bắc Sài Gòn và một số sĩ quan cao cấp quân ngụy, cấp trên ra lệnh dùng máy bay trực thăng vào sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đưa ngay số này ra Bắc để kịp thời khai thác phục vụ tác chiến và ghi âm tiếng nói phát trên Đài TNVN và Đài phát thanh Giải phóng, trước khi quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để có chất lượng cao, phát thanh BĐV đã tập hợp được những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và cộng tác viên có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Đình Tiên, Tạ Hữu Yên, Thanh Thảo; các nhạc sĩ Trọng Loan, Nguyễn Thành, Huy Sô… từng là cán bộ, biên tập viên phát thanh BĐV. Các phát thanh viên nổi tiếng như Tuyết Mai, Kim Cúc, Hoàng Yến, Việt Khoa, Nguyễn Thơ, Kiên Cường (giọng Bắc), Trần Phương (giọng Nam)…; các ca sĩ nổi tiếng như Thanh Huyền, Thanh Hoa (tân nhạc); Thương Huyền (chèo);  Châu Loan, Lài Tâm, Hoàng Thanh (ca Huế), vợ chồng Thanh Hùng - Ngọc Hoa  vốn là ca sĩ cải lương ở Sài Gòn cũng ra vùng giải phóng, hát nhiều bài cải lương trên sóng phát thanh BĐV. Nhiều giáo sư, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như các Giáo sư Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Trần Văn Giàu; các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…từng là cộng tác viên tích cực trên sóng phát thanh BĐV. Nhà thơ Huy Cận đã từng viết những câu thơ mộc mạc, dễ nhớ, dễ làm cho đối tượng mềm lòng: “Binh lính Miền Nam, anh nghĩ gì, mỗi khi đêm về, mặt trời tắt, lòng anh không tắt, ngày mai đừng để chúng lôi đi”. Nhiều bài hát, vở kịch BĐV mà “quân ta” cũng thích nghe, như bài hát “Thấy mùa Xuân trong trái tim” do ca sĩ Thanh Hoa hát, nói lên tâm trạng của một anh lính Việt Nam Cộng hòa thấy được đâu là chính nghĩa của Cách mạng đã bỏ ngũ trở về với Nhân dân mà vui sướng như “thấy mùa Xuân trong trái tim”.

Chương trình phát thanh BĐV là một trong những chương trình phát thanh có chất lượng cao của Đài TNVN. Nhiều bài vở chương trình phát thanh BĐV được đánh giá tốt và được khen thưởng của Bộ Biên tập Đài TNVN và của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến cho người làm phát thanh BĐV phấn khởi, tự hào hơn nữa là thấy được tác động, hiệu quả và ý nghĩa to tớn của công việc mình làm, đã góp phần xứng đáng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975. Những đồng nhiệp làm phát thanh cho chiến sĩ, đồng bào mình nghe thấy được tác động, hiệu quả và ý nghĩa to lớn của công việc là điều không khó. Những người làm phát thanh BĐV chúng tôi chỉ khi tiếp xúc được với tù, hàng binh hay gia đình, người thân của họ và báo chí địch trong chiến tranh, nhất là sau khi ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ, tan rã hoàn toàn trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 mới thấy rõ được tác động, hiệu quả và ý nghĩa to lớn của công việc mình làm. Rất nhiều sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn cho biết, dù bị quản lý, cấm đoán, nhưng họ vẫn tìm mọi cách nghe lén, chịu tác động tích cực bởi phát thanh BĐV của ta...

Đặc biệt, qua tù binh Mỹ và dư luận báo chí Mỹ cũng như phương Tây, chúng ta thấy được tác động rất lớn của buổi phát thanh dành cho quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam. Lính Mỹ đã gọi nữ phát thanh viên có giọng nói tiếng Anh đặc biệt hấp dẫn, truyền cảm của Đài TNVN là “Hà Nội - Ha Na”. Cái tên mà lính Mỹ ưa thích ấy là chị Trịnh Thị Ngọ, bút danh Thu Hương gắn với chuyên mục “Thu Hương tâm tình cùng lính Mỹ” trên Đài TNVN. Nhà cầm quyền Mỹ phải dùng nhiều biện pháp đối phó, hạn chế tác động, ảnh hưởng của “Hà Nội - Ha Na”. Họ cử nữ diễn viên điện ảnh Krit Nô-en sang Sài Gòn để “chống lại Hà Nội - Ha Na trên làn sóng phát thanh”. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bắt báo cáo những quân nhân Mỹ đã nghe Đài Hà Nội...

Khác với các chương trình phát thanh đối nội, đối ngoại của Đài TNVN còn tồn tại và liên tục phát triển, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc vào trưa ngày 30-4-1975 cũng là lúc chương trình phát thanh BĐV trên Đài TNVN và Đài phát thanh Giải phóng chấm dứt hoạt động. Chúng tôi - những chiến sĩ làm phát thanh BĐV “thất nghiệp” mà lòng vui sướng tột cùng. Ngoài niềm vui chung “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của cả dân tộc, “thất nghiệp” phát thanh BĐV ngày ấy còn cho chúng tôi cảm giác mình đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

NGUYỄN TRUNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website