10 giờ:20 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 8 , 2018

Phía sau tấm Huân chương Chiến công

Có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, huân chương Chiến công hạng nhì của ngành Kỹ thuật là một hiện vật quý được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ. Phần thưởng này do Chủ tịch hồ Chí Minh ký tặng Phòng Kỹ thuật Pháo Cao xạ thuộc Cục hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ các đơn vị chiến đấu năm 1967.

Phía sau tấm Huân chương Chiến công
Huân chương Chiến công hạng nhì của Phòng Kỹ thuật Pháo Cao xạ,
ngày 18-5-1967 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng PK-KQ.

Tìm hiểu sâu hơn về tấm Huân chương Chiến công này, chúng tôi được Đại tá Vương Thái Vũ - Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng, cho biết: “Đây là phần thưởng cao quý của ngành Kỹ thuật được Phòng Pháo Phòng không - Tên lửa tầm thấp, Cục Kỹ thuật Quân chủng lưu giữ tròn nửa thế kỷ. Gần đây, hiện vật này đã được đơn vị ủy thác cho Bảo tàng PK-KQ lưu giữ và trưng bày. Chỉ là một tấm bằng nhỏ nhắn, nhưng đó là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành Kỹ thuật Quân chủng trong suốt cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước”.

Ngày 22-10-1963, Quân chủng PK-KQ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Lực lượng Kỹ thuật Phòng không trước năm 1963 gồm nhiều ngành Kỹ thuật như: Pháo cao xạ và súng máy cao xạ, kỹ thuật thông tin, ra đa, khí tượng, trinh sát phòng không, kỹ thuật tên lửa, xe máy xăng dầu… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngành Kỹ thuật đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nổi bật là sáng kiến chế tạo dụng cụ tính toán tham số bắn bằng thước, rất thuận tiện cho việc tính toán lượng sửa các tham số cho pháo cao xạ, thay cho cách tính 3 lần trên bảng bắn trước đây, vừa nhanh vừa chính xác; phù hợp với việc bắn máy bay phản lực có tốc độ nhanh của Mỹ. Tiếp đó là sáng kiến chế tạo máy ngắm bắn trực tiếp của pháo cao xạ 90mm rất thuận tiện cho việc bám sát mục tiêu và tăng độ chính xác về xạ kích của pháo cao xạ, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng trận đầu ngày 5-8-1964.

Năm 1967, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó các mục tiêu cơ bản mà chúng nhắm tới là điện lực, công nghiệp, giao thông, cơ sở quân sự, kho nhiên liệu, hệ thống phòng không, sân bay trên miền Bắc, kể cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng. Để đảm bảo kỹ thuật cho các lực lượng phòng không đánh máy bay địch, ngành Kỹ thuật bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch đảm bảo kỹ thuật cho chiến dịch. Các đoàn cán bộ kỹ thuật của Quân chủng thay phiên nhau đến các sư đoàn phòng không và các binh chủng để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện kế hoạch bảo đảm kỹ thuật và tiến hành công tác kỹ thuật cho bộ đội chiến đấu; tiếp nhận và triển khai khí tài, vũ khí… Các cơ quan kỹ thuật chỉ đạo, tổ chức các đội sửa chữa lưu động để phục vụ các đơn vị chiến đấu, điều chỉnh, bổ sung cán bộ, thợ sửa chữa và nhân viên kỹ thuật cho các đơn vị; tổ chức các đội ứng cứu nhanh để đảm bảo kỹ thuật cho đơn vị bị hỏng hóc kéo dài hoặc bị địch đánh vào trận địa… Do bảo đảm tốt về kỹ thuật, ngành Kỹ thuật đã góp phần cho các lực lượng đánh bại các đợt đánh lớn của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng trong tháng 4 và tháng 5-1967. Đặc biệt, sau trận thắng ngày 19-5-1967, quân và dân Hà Nội vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Cán bộ, kỹ sư, thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật của Quân chủng tự hào được đóng góp vào chiến công chung của quân và dân Hà Nội, trong đó Quân chủng PKKQ làm nòng cốt.

Cùng với nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho chiến đấu, ngành Kỹ thuật còn tổ chức đợt kiểm tra, hiệu chỉnh đồng bộ 2 lần cho pháo cao xạ, kiểm nghiệm máy đo được 32 lần cho tiểu đoàn tên lửa và tổ chức bắn thử đạn pháo cao xạ để kiểm tra ở 3 sư đoàn phòng không 361, 363, 367; tổ chức tiếp nhận 35 đài ra đa cảnh giới và dẫn đường, 273 khẩu súng pháo… Hầu hết các xưởng đều vượt mức kế hoạch sửa chữa, sản xuất năm 1967: xe, súng pháo vượt 70%. Toàn khối xưởng có 131 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 40 sáng kiến có giá trị phục vụ cho công tác sửa chữa. Hệ thống kho tàng của Quân chủng được hình thành và khá hoàn chỉnh, đội hình bố trí có ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch, chiến lược và bảo đảm an toàn cao.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác kỹ thuật; ngành Kỹ thuật còn trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ các lực lượng phòng không ba thứ quân, nòng cốt là các binh chủng trong Quân chủng bảo đảm kỹ thuật tốt nhất, nâng cao hiệu suất chiến đấu để tiêu diệt máy bay Mỹ. Kết quả, năm 1967, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 1.067 máy bay Mỹ, riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 538 chiếc.

Sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của ngành Kỹ thuật Quân chủng thể hiện ở việc tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cho các đợt tác chiến tập trung và chiến dịch phòng không; xây dựng và bố trí hệ thống kho, xưởng tốt kịp thời sửa chữa trang bị cho các đơn vị; làm tham mưu cho cấp trên hiệp đồng với các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương bổ sung, tăng cường vũ khí, trang bị bị hư hao trong chiến đấu để bảo đảm chiến đấu liên tục và lâu dài…

 Với những cố gắng vượt bậc trong công tác đảm bảo kỹ thuật cho Quân chủng chiến đấu thắng lợi; ngày 18-5-1967, ngành Kỹ thuật Pháo Cao xạ thuộc Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh PK-KQ đã vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Bài, ảnh: QUỲNH VÂN, MINH HẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website