15 giờ:17 phút Thứ bảy, ngày 8 tháng 7 , 2017

Thượng úy CN Lê Xuân Hiền:

Những sáng kiến trên Buồng tập lái máy bay Su-30MK2

Thượng úy CN Lê Xuân Hiền là Kỹ thuật trưởng Buồng tập lái máy bay Su-30MK2 thuộc Tiểu đoàn bảo đảm KTHK, Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370). Trong thời gian qua, anh và các đồng nghiệp đã nhanh chóng làm chủ công nghệ, khai thác sử dụng, sửa chữa có hiệu quả Buồng tập lái máy bay Su-30MK2; góp phần bảo đảm tình trạng ổn định của khí tài phục vụ công tác huấn luyện chiến đấu tại đơn vị.

Những sáng kiến trên Buồng tập lái máy bay Su-30MK2
Thượng úy CN Lê Xuân Hiền (người đứng ngoài) cùng đồng nghiệp
hiệu chỉnh trên Buồng tập lái Su-30MK2.

Những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ thường xuyên huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay, trực ban SSCĐ, Trung đoàn 935 còn phải đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo phi công Su-30MK2 cho các đơn vị bạn và phi công mới tốt nghiệp ra trường. Do đó, các máy bay của đơn vị thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, khí tài liên tục được thay thế, chuyển đổi, dẫn đến việc theo dõi giờ hoạt động và đồng bộ lý lịch gặp nhiều khó khăn; công tác thống kê, báo cáo tốn nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót. Vì vậy, Thượng úy CN Lê Xuân Hiền đã tập trung nghiên cứu và thiết kế thành công phần mềm quản lý giờ hoạt động của máy bay Su-30MK2. Qua đó đã phát huy được hiệu quả tích cực và hiện tại đang tiếp tục được cải tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Sau một thời gian khai thác, sử dụng khí tài, anh nhận thấy, Buồng tập lái còn tồn tại một số vấn đề bất cập đó là: Địa hình, địa vật mô phỏng không gian bay của buồng tập có phạm vi mô phỏng hẹp, dẫn đến không phát huy hết tính năng, kỹ thuật của Buồng tập so với yêu cầu nhiệm vụ ngoài thực tế của máy bay Su-30MK2. Các phần mềm mô phỏng cũng chỉ sử dụng được cơ sở dữ liệu (CSDL) bản đồ có khuôn dạng do Nga sản xuất. Các đối tượng địa hình, địa vật được mô phỏng có độ chi tiết thấp, các đối tượng 3D được mô phỏng không phù hợp với địa hình thực tế của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều khối máy chuyên dụng của Buồng tập không có hướng dẫn sử dụng và thuyết minh kỹ thuật, dẫn đến công tác sửa chữa và khai thác sử dụng gặp nhiều khó khăn, có nhiều hỏng hóc phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài với kinh phí sửa chữa lớn.

Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi khuôn dạng bản đồ, quy trình xây dựng CSDL địa hình, địa vật cho Buồng tập từ dữ liệu bản đồ do Việt Nam sản xuất và cách thức sữa chữa các hỏng hóc từ các khối máy chuyên dụng của Buồng tập để từ đó từng bước làm chủ công nghệ là vô cùng cần thiết. Lê Xuân Hiền đã tranh thủ mọi thời gian để học tập nghiên cứu. Anh học thêm các kiến thức về tin học, ngoại ngữ, tự động hóa và các kiến thức về trắc địa bản đồ, sau đó đi sâu vào nghiên cứu quá trình sản xuất bản đồ 3D và tiến hành thử nghiệm. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm và chỉnh sửa, anh đã cùng với Cục Bản đồ (Bộ Tổng tham mưu) nghiên cứu và sử dụng thành công dữ liệu bản đồ theo tiêu chuẩn Việt Nam để sản xuất CSDL địa hình, địa vật cho Buồng tập lái máy bay Su-30MK2. Tháng 4-2016, anh tiếp tục phối hợp với Cục Bản đồ tiến hành sản xuất và cài nạp CSDL địa hình, địa vật mới cho 3 Buồng tập lái máy bay Su-30MK2 tại các Trung đoàn 935, 923 và 927 với phạm vi mô phỏng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và 10 sân bay cất hạ cánh.

Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả Buồng tập lái máy bay, từng bước làm chủ các khí tài hiện đại đã giúp phi công tập trên buồng lái thêm phần trực quan, sinh động sát với điều kiện huấn luyện, chiến đấu ngoài thực tế. Các sáng kiến của Thượng úy CN Lê Xuân Hiền được cấp trên đánh giá cao. Không dừng ở đó, anh còn tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công phần mềm 3D mô phỏng các bài bay phục vụ huấn luyện phi công Su30-MK2, dự kiến sẽ được nghiệm thu vào đầu năm 2018. Đây là một công cụ hữu ích, một giáo trình trực quan nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu tại các đơn vị không quân.

THANH BÌNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website