Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Trung đoàn Không quân 923 (4-8-1965 / 4-8-2022)
Đoàn Không quân Yên Thế xứng danh anh hùng
Bước vào năm 1965, ở miền Nam, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ thất bại thảm hại, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã từng mảng và đang trên đà sụp đổ. Để cứu vãn tình hình, Tổng thống Mỹ Johnson và tập đoàn cầm quyền Mỹ quyết định đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Mục đích của chúng nhằm làm lung lay ý chí, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tuyền tuyến miền Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức điều chỉnh bố trí lực lượng phòng không trên toàn miền Bắc. Miền Bắc thực sự chuyển vào trạng thái thời chiến, khẩn trương chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Ngày 4-8-1965, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 137/QĐ-QP thành lập "Trung đoàn máy bay lấy phiên hiệu là Trung đoàn 923 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân”. Đây là trung đoàn không quân tiêm kích thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng quân tại Sân bay Kép (Bắc Giang), với tên gọi là “Đoàn Không quân Yên Thế”. Trung tá Nguyễn Phúc Trạch được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng, Trung tá Nguyễn Ngọc Phiếu làm Chính ủy Trung đoàn.
Từ những ngày đầu thành lập, mặc dù vũ khí, khí tài còn nhiều hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ, phi công của Trung đoàn đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, vận dụng linh hoạt các cách đánh độc đáo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Chỉ 7 tháng sau ngày thành lập, ngay trong lần đầu tiên xuất kích ngày 4-3-1966, Trung đoàn 923 sử dụng một biên đội 4 chiếc MiG-17 do các phi công: Phạm Thành Chung (đội trưởng), Ngô Đức Mai (số 2), Trần Minh Phương (số 3), Nguyễn Thế Hôn (số 4) đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn rơi 1 máy bay F-4 và phá tan đội hình của máy bay Mỹ trên bầu trời Vạn Yên - Mộc Châu. Ngày 4-3-1966 được lấy làm ngày đánh thắng trận đầu của Trung đoàn Không quân 923.
Phi công Trung đoàn 923 tiếp thu máy bay trước khi bay huấn luyện.
Sau đó liên tiếp là những chiến công: Bắn rơi 3 máy bay địch trong trận đánh trên vùng trời Hải Phòng ngày 25-4-1967; ngày 12-5-1967, biên đội Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai, Hoàng Văn Kỷ chiến đấu với 24 máy bay F-4 và F-105, bắn rơi 3 chiếc F-4, trong đó có chiến công của phi công trẻ Ngô Đức Mai (số 3) bắn rơi chiếc F-4 do viên Đại tá Norman Gadixow - Một phi công lão luyện của không quân Mỹ.
Ngày 19-4-1972, biên đội Lê Xuân Dị (số 1) và Nguyễn Văn Bảy B (số 2) cất cánh từ sân bay dã chiến Quảng Bình, ném bom đánh hỏng 2 tàu khu trục thuộc hạm đội 7 của Mỹ. Trận thắng này mở ra cách đánh mục tiêu trên biển của các loại máy bay phản lực thuộc biên chế Không quân ta.
Đặc biệt, ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng gồm các phi công của Trung đoàn 923: Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Thành Trung chấp hành mệnh lệnh của trên chỉ trong vòng 5 ngày chuyển loại máy bay A-37 thu được của địch đã bất ngờ tập kích vào Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đã hoảng loạn càng hoảng loạn hơn. Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào Sân bay Tân Sơn Nhất quy mô tuy không lớn nhưng đó là kết quả trí tuệ sáng tạo của tập thể, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Bộ đội Không quân. Qua đó, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã bắn rơi 107 máy bay các loại của không quân Mỹ, đánh hỏng 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ, phá hủy 24 máy bay của quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 3-9-1973, Trung đoàn 923 được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”. Trung đoàn được Bác Hồ tặng 3 cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 1 lẵng hoa và 92 huy hiệu của Người tặng phi công bắn rơi máy bay Mỹ và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các tập thể được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân gồm: Phi đội 4 (3 lần); Phi đội 2 (2 lần); 28 phi công của trung đoàn được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý này.
Đầu năm 1980, tình hình biên giới phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng. Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang nói chung, không quân nói riêng rất nặng nề. Tháng 2-1980, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Trung đoàn 923 được trang bị loại máy bay hiện đại Su-22 và trở thành đơn vị không quân tiêm kích bom đầu tiên của Không quân Việt Nam. Cuối năm 1980, Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc chuyển toàn bộ lực lượng, phương tiện của Trung đoàn 923 từ Sân bay Đà Nẵng ra Sân bay Thọ Xuân thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo khu vực phía Bắc của Tổ quốc.
Biên đội Su-30MK2 của Trung đoàn 923 cất cánh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Cuối năm 1987, tình hình khu vực Biển Đông càng trở nên căng thẳng, đặc biệt là ở Quần đảo Trường Sa. Nhiều vụ đụng độ xảy ra ở một số hòn đảo thuộc chủ quyền của ta. Lực lượng Hải quân và các chiến sĩ canh giữ đảo đã quyết tâm đánh trả các vụ lấn chiếm, tranh chấp của hải quân quân đội nước ngoài. Để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Bộ Quốc phòng điều một số đơn vị tăng cường bảo vệ cho khu vục Quần đảo Trường Sa, trong đó lực lượng hải quân và không quân giữ vai trò quan trọng. Chấp hành mệnh lệnh của trên, tháng 11-1987, Trung đoàn 923 cơ động một bộ phận lực lượng và máy bay Su-22 vào Sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu vực Quần đảo Trường Sa và vùng kinh tế biển. Chỉ sau một thời gian ngắn tổ chức huấn luyện bay biển, ngày 10-2-1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên ra đảo Trường Sa. Đến năm 1989, 100% phi công của Trung đoàn đã hoàn thành các chuyến bay ra Quần đảo Trường Sa, mở ra một triển vọng mới về khả năng tác chiến của không quân ta nhằm bảo vệ vùng kinh tế biển và các đảo xa của Tổ quốc.
Tháng 12-2011, Trung đoàn được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện, chuyển loại, khai thác, sử dụng máy bay, trang bị khí tài mới hiện đại Su-30MK. Phát huy truyền thống khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật trước đây; cán bộ, phi công và các thành phần bảo đảm của Trung đoàn đã tích cực học tập, chuyển loại, huấn luyện, từng bước làm chủ loại máy bay mới và trang thiết bị huấn luyện hiện đại, nhanh chóng đưa vào làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu. Trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn ngày càng được củng cố và nâng cao. Các phi công của Trung đoàn đã thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 923 bay tuần tiễu bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 923 luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ngày nay, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế, Bộ đội Phòng không - Không quân là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 923 nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng đơn vị “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo và làm chủ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá NGUYỄN TRƯỜNG NAM - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 923