Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Trung đoàn Không quân 921 (3-2-1964 / 3-2-2019):
Xứng danh Đoàn Không quân Sao Đỏ anh hùng
Cách đây 55 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn cam go ác liệt, Mỹ đưa quân và vũ khí vào chiến trường miền Nam; đồng thời, chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân ra miền Bắc. Trước tình hình đó, ngày 30-5- 1963, được sự ủy nhiệm của Trung ương và Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái đã ký quyết định số 18/QĐ thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân (KQND) Việt Nam. Ngày 3-2-1964, tại căn cứ không quân Mông Tự, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn.
Các phi công Trung đoàn 921 trao đổi kinh nghiệm sau ban bay huấn luyện. Ảnh: CTV Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn đã nhanh chóng ổn định mọi mặt và tích cực tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ các cấp. Ngày 6-8-1964 - một ngày sau khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Trung đoàn được lệnh cơ động lực lượng về Sân bay Nội Bài. Phi công Đào Đình Luyện - Trung đoàn trưởng đầu tiên trực tiếp dẫn biên đội đầu tiên về hạ cánh an toàn tại Sân bay “đất mẹ” trong niềm hân hoan, xúc động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Chiều 6-8-1964, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cơ động lực lượng về nước, các biên đội chính thức nhận nhiệm vụ vào trực ban chiến đấu.
Ngày 9-11-1964, Trung đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Người đã nói chuyện, động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và căn dặn: “Tổ tiên ta từ xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay ta đã có không quân, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú”. Thực hiện lời Bác dạy, cả Trung đoàn sôi nổi thi đua, tích cực chuẩn bị mọi mặt SSCĐ. Ngày 3-4-1965, Biên đội MiG-17 đầu tiên gồm các đồng chí: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương được lệnh xuất kích chiến đấu, với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chỉ trong 8 phút Biên đội đã bắn rơi 2 chiếc F-8U của Không quân - Hải quân Mỹ trên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hóa, lập công xuất sắc, mở mặt trận trên không thắng lợi.
Từ âm vang chiến thắng trận đầu, ngày hôm sau 4-4-1965, biên đội thứ 2 gồm các phi công: Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm, cũng được lệnh xuất kích chiến đấu và tiếp tục lập công: Bắn rơi 2 máy bay F-105D của đế quốc Mỹ. Ngày 3-4-1965 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của KQND Việt Nam.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 5-4-1965, Trung đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Trong thư Bác viết: “Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu đã đánh là thắng, như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta”. Khắc sâu lời dạy của Người, phát huy những chiến công đã đạt được, cả Trung đoàn dấy lên phong trào thi đua, tìm nhiều cách đánh hay, có nhiều trận đánh giỏi. Tháng 12-1965, Trung đoàn được trang bị máy bay MiG-21 thay thế MiG-17. Với loại vũ khí mới này, ngay từ trận đầu, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ vào ngày 4-3-1966. Trải qua hơn 7 năm trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, lập công xuất sắc.
Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, tháng 12-1972, cùng với các lực lượng của Quân chủng, lực lượng Phòng không ba thứ quân, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận chiến đấu và giành thắng lợi, góp phần đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.
Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP của Trung đoàn đã kế thừa và phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam, góp phần tô đẹp và làm phong phú thêm truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Bộ đội Không quân Anh hùng. Trung đoàn đã tham gia chiến đấu trên 200 trận, bắn rơi 137 máy bay Mỹ gồm 14 kiểu loại, trong đó có cả máy bay chiến lược B-52. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 22-12-1969, Trung đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”, 3 phi đội, 1 tiểu đoàn bảo đảm, 24 cá nhân được tuyên dương “Anh hùng LLVT nhân dân”, trong đó Phi đội 1 được tuyên dương “Anh hùng LLVT nhân dân” lần thứ 2; được tặng thưởng 19 Huân chương Quân công, 150 Huân chương Chiến công, 137 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Mới đây, lịch sử Đoàn Không quân Sao Đỏ đã bước sang một trang mới khi thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, toàn bộ con người và vũ khí, trang bị của đơn vị đã chuyển sân từ Nội Bài về Yên Bái làm nhiệm vụ canh trời Tây Bắc của Tổ quốc. Sau một thời gian chuẩn bị, đúng 8 giờ 23 phút ngày 2-11-2018 chiếc máy bay Su-22 đầu tiên mang số hiệu 8502 đã hạ cánh xuống Sân bay Yên Bái trong niềm hân hoan, chào đón của chính quyền, nhân dân địa phương. Đây là bước chuyển mình lịch sử, đánh dấu sự hiện diện của Trung đoàn tại Sân bay Yên Bái, góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của Đoàn Không quân Sao Đỏ Anh hùng, bay lên canh giữ vùng trời Tây Bắc của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quân ủy Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn 371; được sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; các xã vành đai, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng quân, với truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Trung đoàn sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, là động lực quan trọng để Trung đoàn vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục vươn lên lập nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thượng tá NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921