Quân chủng PK-KQ tích cực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lúc giao mùa
Theo số liệu thống kê của Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), vào thời điểm hiện nay tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong cả nước đang có những diễn biến phức tạp. Các bệnh sốt xuất huyết, quai bị, thủy đậu... đang xuất hiện ở nhiều địa phương. Đáng báo động hơn cả là số người mắc bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Riêng đối với các đơn vị quân đội, thời điểm giao mùa cũng là thời điểm bước vào giai đoạn huấn luyện nước rút, vì vậy vấn đề bảo đảm sức khỏe cho bộ đội cần phải được quan tâm hàng đầu.
Quân y Lữ đoàn 918 tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Ảnh: VŨ DUYTrong toàn Quân chủng từ đầu năm đến nay không có đơn vị nào báo cáo có dịch bệnh xảy ra, song một số địa phương trên địa bàn Quân chủng đóng quân có dịch bệnh diễn biến phức tạp, dễ có nguy cơ bùng phát thành dịch. Trước tình hình đó, Cục Hậu cần Quân chủng đã có hướng dẫn phòng chống dịch bệnh giai đoạn chuyển mùa cho các đơn vị. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, hạn chế thấp nhất khả năng phát sinh lây lan dịch bệnh trong các đơn vị thuộc Quân chủng, Cục Hậu cần yêu cầu các đơn vị rà soát triển khai kế hoạch phòng chống dịch của đơn vị mình.
Theo Thượng tá Hoàng Xuân Hải - Phó Trưởng Phòng Quân y (Cục Hậu cần), miền Bắc đang chuyển giao giữa mùa Hè sang mùa Thu, miền Nam vào mùa mưa, tình hình thời tiết có thể diễn biến bất thường, mưa bão trên diện rộng; dự báo dịch sốt xuất huyết vẫn còn có thể diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe, phòng các bệnh truyền nhiễm là việc làm phải được duy trì thường xuyên. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động giám sát chặt chẽ các nguy cơ phát sinh dịch bệnh (môi trường, khí hậu, thời tiết…). Chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh doanh trại, rèn luyện nâng cao thể lực. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh tại địa phương, đơn vị đóng quân, kịp thời có biện pháp xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp như dịch nhiễm não mô cầu, tất cả những trường hợp sốt phải được theo dõi chặt chẽ bằng cặp nhiệt độ ít nhất 2 lần/ngày đến khi hết sốt. Những trường hợp sốt trên 38 độ C phải chuyển về bệnh xá để được theo dõi. Những trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn não mô cầu hoặc có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, diễn biến nhanh mặc dù chưa chẩn đoán được phải sớm sử dụng kháng sinh phổ rộng đường tiêm và chuyển vượt tuyến ngay về bệnh viện cao nhất, gần nhất. Phòng, chống bệnh cúm, sốt phát ban, quai bị, thủy đậu... phải đảm bảo nơi ăn ngủ thông thoáng. Hằng tuần ít nhất một lần phơi toàn bộ quần áo, chăn, màn, chiếu vào ngày trời nắng. Khi đơn vị phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lây truyền theo đường hô hấp có nguy cơ thành dịch, tổ chức phun khử trùng không khí trong nhà bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 2,5% Clo hoạt tính.
Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa: Biện pháp hàng đầu là phải “ăn chín, uống sạch”, bảo đảm cung cấp đủ nước uống sạch và nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng cho bộ đội. Phối hợp cùng cơ quan quân nhu thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung của đơn vị. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm thực 3 bước, lưu nghiệm mẫu thức ăn hằng ngày đúng quy định. Không được sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Nghiêm cấm các đơn vị và cá nhân ăn các món ăn từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua). Thường xuyên thu dọn xử lý rác thải và diệt ruồi. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nấu ăn phải được học kiến thức cơ bản về Vệ sinh ATTP và định kỳ kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần.
Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và sốt rét, các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy, khơi thông cống rãnh không để các ổ đọng nước xung quanh doanh trại. Tổ chức phun, tẩm màn bằng hóa chất. Tuyệt đối phải ngủ màn chống muỗi đốt. Các đơn vị đóng quân tại vùng sốt rét lưu hành cần lưu ý những trường hợp nghi ngờ sốt rét phải được điều trị ngay bằng Arterkin, lấy máu xét nghiệm, kiểm tra nhiệt độ và theo dõi thường xuyên. Bệnh nhân sốt rét phải điều trị tại bệnh xá, bệnh viện.
Đối với đơn vị khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và báo cáo ngay cơ quan quân y cấp trên để nhận được sự tư vấn, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời. Đối với các bệnh viện, khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm có nguy cơ thành dịch phải báo cáo ngay về Cục Hậu cần (qua Phòng Quân y) và thông báo cho đơn vị có bệnh nhân truyền nhiễm được phát hiện để phối hợp chống dịch.
Bên cạnh đó, quân y các đơn vị cần tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ các yếu tố nguy cơ phát sinh dịch bệnh, trên cơ sở đó mọi người biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình; khi thấy có biểu hiện bất thường về sức khỏe như: Sốt, ho, đau đầu, đau họng, đau bụng, nôn… thì phải báo ngay cho quân y đơn vị biết để được tư vấn giúp đỡ
ÁNH TUYẾT