6 giờ:46 phút Chủ nhật, ngày 10 tháng 4 , 2016

Báo Phòng không-Không quân những ngày đầu tái lập

Ấy là năm 2002 tôi nhận được quyết định về công tác tại Báo Phòng không-Không quân (PK-KQ). Khi đó, tôi đang là nhân viên Ban Chính trị Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Trước đó tôi đã có quá trình bốn, năm năm cộng tác thường xuyên với Tờ tin PK-KQ và đã lọt vào “tầm ngắm” của cán bộ Phòng Tuyên huấn Quân chủng. Đại tá Nguyễn Kim Sơn, khi ấy là Trưởng Phòng Tuyên huấn, trong chuyến vào công tác tại Sư đoàn 377 có tìm hỏi về tôi với ý định lấy về Tờ tin PK-KQ nhưng khi đó tôi lại vừa ra Trường Sa công tác. Hai năm sau, tôi trở lại làm việc tại Ban Chính trị.

 Cùng thời điểm giữa năm 2002 tôi nhận được 2 giấy mời dự trại sáng tác, một trại sáng tác truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trại viết kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội do Phòng Văn hóa Văn nghệ (Cục Tuyên huấn - TCCT) phối hợp với Quân chủng PK-KQ tổ chức. Tôi được đơn vị cho đi dự cả hai trại. Cũng thời gian ấy, Cục Chính trị Quân chủng đang hoàn thiện các thủ tục để tái lập Tờ tin PK-KQ. Một số cán bộ của Phòng Tuyên huấn và các nơi khác được tuyển lựa để đầu quân cho Báo.
Báo Phòng không-Không quân những ngày đầu tái lập
Các cựu cán bộ, phóng viên của Báo PK-KQ tham gia Chương trình ghi hình "Phòng viên Báo Phòng không-Không quân trong chiến dịch ĐIện Biên Phủ trên không" của Kênh Quốc phòng Việt Nam.  (Ảnh: HẢI AN)

Thượng tá Thái Văn Hòa - Giám đốc Nhà in khi đó dự kiến đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Biên tập và Trung tá Vũ Quang Huy - Trợ lí Tuyên truyền của Phòng Tuyên huấn khi đó dự kiến giữ cương vị Phó ban Biên tập. Ngoài ra còn có Trung tá Nguyễn Điền cũng của Phòng Tuyên huấn sẽ phụ trách mảng truyền hình. Hai người nữa sẽ lấy thêm từ đơn vị là tôi và Thiếu tá Đoàn Hoài Trung, khi đó là Trưởng Ban Thông tin của Sư đoàn 370.

Ngày công bố quyết định tái lập Tờ tin PK-KQ, tình cờ tôi cũng đang ở Hà Nội, vậy là tôi cũng được dự lễ trao quyết định tái lập Tờ tin và ra mắt tại phòng giao ban của Cục Chính trị. Dù có tên trong Quyết định tái lập Tờ tin gồm 5 người, đã được tổ chức giao nhiệm vụ, nhưng cơ quan quân lực vẫn chưa làm quyết định điều động tôi từ Sư đoàn 377 về Cục Chính trị. Sau lễ ra mắt, tôi được thông báo về đơn vị chờ khi nào có quyết định thì ra nhận công tác. Phải đến mãi tháng 8 năm 2002, tôi mới nhận được quyết định về Cục Chính trị công tác. Về Tờ tin, tôi thấy có thêm một nhân vật mới nữa, đó là phóng viên nữ Ma Thị Bích Phượng. Phượng tốt nghiệp Khoa Báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, về Tờ tin làm và cũng đang chờ quyết định tuyển dụng. Những số báo đầu tiên đã trôi qua, công việc đang dần vào quỹ đạo. Tôi nhanh chóng nhập cuộc.

Những ngày đầu Báo PK-KQ tái lập với tôi là những ngày tràn đầy kỉ niệm về những gương mặt thân quen. Trưởng ban Biên tập Thái Hòa thì luôn say sưa với công việc, làm ngày, làm đêm, làm ngày nghỉ. Ông luôn coi việc cơ quan như việc nhà, không có khái niệm ngày nghỉ và có vẻ như cũng muốn mọi người như vậy. Một điều “ám ảnh” tôi đến tận giờ là vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, ông vẫn vào cơ quan làm việc và thường đập cửa phòng gọi tôi “dậy đi, dậy đi, giờ này mà còn ngủ à”. Tôi thức làm việc khuya nên hay dậy muộn, với lại ngày nghỉ cũng ưa ngủ nướng chút nên rất khó chịu, tuy vậy cũng chẳng dám nói ra. Ông rất tốt tính và quan tâm đến cấp dưới, tuy gọi to tiếng là vậy nhưng khi tôi mắt nhắm mắt mở dậy thì đã thấy ông dúi cho một gói xôi ăn sáng và “công việc” của ngày nghỉ đôi khi cũng chỉ là những câu chuyện phiếm về nghề cũng như làm thế nào để báo hay hơn. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Tổng Biên tập Thái Hòa tại tòa soạn, mỗi khi đến số báo, ông thường vẽ ma két và tính chữ, khi cần một tấm ảnh minh họa ông thường dốc tuột những túi nilon đựng ảnh ra chiếc giường trong phòng để chọn ảnh. Vốn liếng ảnh của tòa soạn vừa tái lập khi ấy chỉ có thế. Sau này chúng tôi xông pha đi đơn vị, chụp các hoạt động và tích cực “sản xuất” thì quỹ ảnh mới nhiều dần lên, có nhiều lựa chọn hơn.

Cả Ban biên tập ngày ấy ai cũng nhiệt huyết và yêu nghề. Thiếu tá Đoàn Hoài Trung thì gần như con dao pha của Ban biên tập. Thời gian đầu anh còn ở Hà Nội để quen việc, sau này mới vào đại diện phía Nam. Anh đi khắp các đơn vị, sẵn sàng xả thân vì công việc. Tầm hoạt động của Hoài Trung khá rộng, dù ở trong Nam nhưng khi ra Hà Nội là anh sẵn sàng xuống đơn vị ngay, nhoắng một cái đã xong tin bài, bất kể đâu có sự kiện là anh đến, đâu có gì viết được là anh đi.

Để tiết kiệm tiền công tác, đi lại liên tục giữa Sài Gòn - Hà Nội, anh thường xin đi máy bay quân sự. Mỗi lần như vậy tôi thường là người chở anh ra sân bay bằng chính chiếc xe Dream của anh, sau đó anh lên máy bay, còn tôi lại mang xe về để dưới chân cầu thang nhà làm việc và tùy nghi sử dụng như thể xe của tòa soạn. Có lần, trước khi ra máy bay phải dự giao ban, anh Hoài Trung vừa giao ban vừa tranh thủ… ăn, vì vừa từ đơn vị về chưa có gì vào bụng, vừa nghe Tổng Biên tập phổ biến công việc vừa rón rén thò đũa vào chiếc bánh chưng làm một miếng. Những số báo cũ ra, thừa bao nhiêu anh Hoài Trung gom mang về hết, có lần tôi phải chở anh cùng cả bao tải báo cũ ra máy bay để về Sài Gòn. Đi đến đâu, gặp ai anh cũng tặng Báo PK-KQ, đi đơn vị nào anh cũng mang theo báo tặng. Có thể nói anh là “nhà phát hành” tích cực nhất của Báo. Sau này anh Hoài Trung còn tham gia sáng tác nhạc và lo sáng tác ca khúc truyền thống cho Báo, bài hát ấy giờ vẫn được mọi người hát như bài ca truyền thống của Báo. Ngày ấy tòa soạn chỉ có một chiếc máy tính cà khổ mang từ nhà in qua khi Báo tái lập. Tôi và anh Hoài Trung là hai người thường xuyên ở lại cơ quan và làm việc tối, không phân công mà cũng như phân công, vì tôi thường làm việc đêm khuya, có khi đến một hai giờ sáng, giờ ấy anh Hoài Trung còn đi nhậu và “nuôi” các mối quan hệ cũng như bạn bè thân hữu của anh, về đến cơ quan lăn đùng ra ngủ li bì thì tôi là người đang ôm máy, nhưng có khi đến một hai giờ sáng, tôi tắt máy đi ngủ thì tầm ba bốn giờ sáng anh Hoài Trung đã dậy tắm và bật máy viết, tỉnh như chưa hề có một cuộc rượu khi tối. Sau này khi tòa soạn được mua máy mới thì Trung tá Nguyễn Điền gỡ chiếc bàn phím của máy cũ mang về nhà để học đánh máy.

Trung tá Nguyễn Điền dù làm mảng truyền hình tôi không có cơ hội làm việc gần gũi và cọ xát nhiều, nhưng cũng có những kỉ niệm. Mỗi buổi chiều khi xong công việc, anh và những người khác thường xuống sân chơi bóng chuyền, còn tôi thường nằm nghe nhạc. Hai phòng sát nhau, có cửa hành lang sau có thể đi thông sang nhau. Anh hay đùa bằng cách, đang mùa đông, tôi đang nằm thì anh nhẹ nhàng thò tay bật quạt trần rõ to, khi quạt quay tít mù làm tôi rét phát hiện ra thì anh cười khùng khục. Hoặc khi tôi nghe đài mơ màng thì anh thò tay vặn âm lượng cho to đùng rồi chạy biến.

Trung tá Vũ Quang Huy thì lặng lẽ hơn. Là Phó Trưởng ban biên tập, anh chủ yếu chăm lo việc “bếp núc”, làm việc với nhà in, tổ chức đọc mo rát cho từng số báo. Mọi người đều nhận thấy sự tỉ mỉ và tận tụy của anh không chỉ trong công việc mà trong cả đời thường. Tâm lí và quan tâm đến đời sống riêng của từng người, anh thường dùng cái tình để quy tụ anh em. Đặc biệt, các chị nhà in đều quý cả hai lãnh đạo và anh chị em trong Ban Biên tập. Mỗi số báo ra là những buổi làm việc vui vẻ, không khí sôi nổi và chan hòa. Ban Biên tập ngày ấy dân chủ và đầm ấm, người cũng còn rất ít nên anh em chú cháu coi nhau như người một nhà. Được sự khuyến khích của lãnh đạo Báo chúng tôi đã đề xuất ra những chuyên mục đầu tiên của Báo như tìm hiểu khoa học kĩ thuật, khám phá không gian, có những chuyên mục vẫn duy trì cho đến hôm nay.

Sáu năm gắn bó với Tờ tin PK-KQ, sau này là Báo PK-KQ, tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan vừa đi học Đại học Báo chí, vừa viết bài cộng tác với các báo ngoài và vẫn dành một khoảng không gian nhỏ cho sáng tác văn học. Tôi rời khỏi Quân chủng năm 2008, về làm việc tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sau đó chuyển về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau này tôi chọn đi theo con đường văn chương nhiều hơn, việc làm báo chủ yếu tập trung cho mảng văn học, còn lại dành thời gian sáng tác. Bây giờ Báo có lực lượng đông hơn, chuyên nghiệp hơn, mọi điều kiện hoàn cảnh cũng khác trước, chỉ sự nhiệt huyết say nghề thì vẫn như thuở nào. Bởi làm báo, với chúng tôi không chỉ là nhiệm vụ mà còn là đam mê.

NGUYỄN XUÂN THỦY

(Tạp chí Văn nghệ Quân đội)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website