14 giờ:6 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Đại tá, phi công Lê Xuân Dị:

Người góp phần viết nên huyền thoại

Trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam có một trận đánh được cho là độc đáo nhất từ trước tới nay. Đó là trận chiến MiG-17 của không quân ta đánh tàu Higbee của Hạm đội 7 vào ngày 19/4/1972. Trận đánh đã làm hỏng 2 tàu khu trục địch, trong đó tàu Higbee bị hư hỏng nặng, trong khi 2 máy bay ta về hạ cánh an toàn. Một trong hai phi công đã làm nên chiến công huyền thoại đó là Đại tá, phi công Lê Xuân Dị.

 Đại tá Lê Xuân Dị sinh năm 1938 tại xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1959, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Đến tháng 11 năm 1961, ông được chọn đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô (cũ). Cuối năm 1965 về nước ông được biên chế ở Đại đội 2, Trung đoàn 921. Năm 1965, ông tiếp tục được cấp trên điều sang Trường Không quân Việt Nam 910 đóng tại Tường Vân, Trung Quốc làm giáo viên. Cuối năm 1966 ông về nước và được biên chế vào Đại đội 4, Trung đoàn 923.
Người góp phần viết nên huyền thoại

Một trong hai chiếc MiG-17 tham gia trận đánh tàu khu trục Mỹ ngày 19/4/1972, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.

Trong thời gian ở Trung đoàn 923, Phi công Lê Xuân Dị đã tham gia nhiều trận đánh. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh ngày 5/10/1967, biên đội MiG-17 gồm Dương Trung Tân, Lê Hồng Điệp, Lê Xuân Dị, Nguyễn Đình Phúc đánh địch trên vùng trời Kiến An. Trong trận không chiến này hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Đình Phúc mỗi người đã bắn rơi 1 chiếc A-4, biên đội thoát ly về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn.

Đặc biệt, với trận đánh ngày 19/4/1972 tại vùng biển Quảng Bình, Lê Xuân Dị cùng với Nguyễn Văn Bảy B đã góp phần viết nên một chiến công huyền thoại cho Không quân nhân dân Việt Nam trên biển. Đó là vào lúc 16 giờ 5 phút, ngày 19/4/1972, Lê Xuân Dị (số 1) và Nguyễn Văn Bảy B (số 2) được lệnh xuất kích tấn công chiến hạm của Hải quân Mỹ. Sau khi vượt qua cửa Lý Hòa, biên đội giữ độ cao 500m trên mặt biển, tốc độ 800km/giờ và tập trung quan sát tìm mục tiêu. Cách khoảng 10 đến 12km, biên đội nhìn thấy hai vệt sáng trắng di chuyển trên mặt biển xanh và xác định đó là 2 chiếc tàu địch đang chạy. Lê Xuân Dị thông báo cho sở chỉ huy đã phát hiện mục tiêu và xin phép công kích. “Cho phép công kích!” - lệnh của cấp trên vừa dứt, số 1 chỉnh lại đường ngắm rồi cắt bom, cả hai quả bom nổ sát thân tàu. Vòng máy bay về, số 1 nhìn rõ cột nước vọt lên cao. Sau loạt bom đó địch phát hiện bị MiG đánh, chúng phóng tên lửa và báo động toàn Hạm đội 7. Vì giãn cách đội hình hơi xa nên Nguyễn Văn Bảy B không quan sát được số 1, Bảy tiếp tục bay vòng ra phía biển. Khi bay qua cửa Dinh, phát hiện 2 tàu địch phía dưới, Nguyễn Văn Bảy B lập tức vòng lại công kích. Cách mục tiêu 750m, Nguyễn Văn Bảy B báo cáo về sở chỉ huy và cắt bom. Đúng vào lúc Bảy vừa cắt bom thì 2 máy bay mới bắt liên lạc được với nhau. Sau đó, biên đội được dẫn về hạ cánh xuống sân bay Gát lúc 16 giờ 22 phút. Trận chiến này đã đánh bị thương 2 chiến hạm của Hải quân Mỹ. Chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho Hải quân Mỹ không dám đưa tàu đến gần bờ biển Quân khu 4 để đánh phá trục giao thông chiến lược.

Chiến tranh kết thúc, Đại tá Lê Xuân Dị tiếp tục phục vụ trong Quân chủng PK-KQ và qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng như: Chính ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923; Chủ nhiệm Chính trị, Sư đoàn phó Chính trị Sư đoàn 371; Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370, 376; Chánh Thanh tra Không quân thuộc Thanh tra Bộ Quốc phòng. Đại tá Lê Xuân Dị nghỉ hưu năm 1998 và sống tại quê nhà ở Phù Chẩn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông đã được tặng tưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…

Hơn 40 năm công tác, gần 30 năm tham gia hoạt động bay, Đại tá Lê Xuân Dị đã thực hiện hàng ngàn chuyến bay xuất kích chiến đấu, bay huấn luyện an toàn, đào tạo được nhiều thế hệ phi công, giáo viên, chỉ huy bay trên máy bay MIG-17, MIG-21, bản thân ông đã bay được trên 1000 giờ bay an toàn và được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 2015.

TRUNG THÀNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website