16 giờ:5 phút Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 , 2023

Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2023)

Giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực

Tháng 8-1945, trong hoàn cảnh kinh tế, tài chính của cách mạng nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”… Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc. Và ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời “Kêu gọi thi đua ái quốc”.

Giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng,
Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp và đổi công toàn Quốc tại Hà Nội ngày 23-5-1957. 
Ảnh tư liệu

Lời kêu gọi của Người không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo, động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta mà còn có giá trị chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong lời kêu gọi Thi đua ái quốc, với cách viết súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước từ mục đích, nội dung, cách làm, lực lượng đến kết quả. Người đã chỉ rõ mục đích của Thi đua ái quốc là “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trong bối cảnh tình hình đất nước lúc đó thì cả 3 loại giặc này đều nguy hiểm, phải diệt để bảo đảm cho sự giải phóng, tồn tại và phát triển của đất nước, của nhân dân và của chế độ mới. Để thực hiện được mục tiêu đó, Người yêu cầu mọi người dân Việt Nam, cả sĩ, nông, công, thương, binh phải “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”. Những yêu cầu đó không chỉ đặt ra về số lượng, chất lượng mà còn xác định cả yêu cầu về thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, Người còn chỉ rõ hoạt động Thi đua ái quốc phải được diễn ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi người dân Việt Nam đều cần phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, nhằm thực hiện khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, nguồn gốc Thi đua ái quốc phải được thể hiện trong sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ kháng chiến nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chế độ xã hội mới với nhiệm vụ kiến quốc, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chế độ xã hội mới trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Thực hiện lời kêu gọi của Người, nhân dân ta, Quân đội ta đã sôi nổi thực hiện nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua quan trọng, đem lại những kết quả to lớn. Điều đáng nói, các phong trào thi đua đã được phát động, chỉ đạo và triển khai thành những phong trào sâu rộng, sôi nổi, có sức lan tỏa, thực sự động viên, cổ vũ, khích lệ toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ truyền thống yêu nước, yêu CNXH, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội PK-KQ luôn gắn liền với lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh, các phong trào thi đua: “Ra quân đánh thắng trận đầu”; “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”; “Vạch nhiễu tìm thù”, “Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”… đã cổ vũ, động viên Bộ đội PK-KQ, tạo nên sức mạnh to lớn, củng cố niềm tin, xây  dựng ý chí quyết tâm “Dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” giặc Mỹ xâm lược. Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua quyết thắng trong toàn Quân chủng được tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát triển sôi nổi và rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực hoạt động. Trong từng cơ quan, đơn vị, các tập thể, cá nhân luôn phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong phong trào thi đua. Các đơn vị thực hiện phong trào “Luyện giỏi, rèn nghiêm”; “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”… Các học viện, nhà trường, nhà máy, xí nghiệp, kho trạm, xưởng đẩy mạnh thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng quản lý, GD-ĐT, NCKH; thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Trong các tổ chức đoàn thể, phong trào thi đua “Rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”, “Dân vận khéo”; “Phụ nữ Quân đội đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia định hạnh phúc”; “Chủ Nhật Xanh”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo tích cực thi đua góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có giá trị, ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website