Nga thử hệ thống giếng phóng mới cho tên lửa đạn đạo
Ngày 18-10, Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) đã bí mật thử nghiệm hệ thống giếng phóng cố định mới dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tại căn cứ Dombarovsky, vùng Orenburg. Trong vụ thử nghiệm trên, SMF Nga đã phóng tên lửa ICBM từ giếng phóng mới với mục tiêu nhắm đến là bãi thử Kura ở Kamchatka.
Các thông tin liên quan tới hệ thống giếng phóng mới, lẫn ICBM trang bị đều được giữ bí mật.
“Vụ phóng thử nằm trong chương trình thử nghiệm hệ thống giếng phóng mới tại Yasny thuộc căn cứ Dombarovsky”, tướng Oleg Kislov, Chỉ huy trưởng Trung tâm thử nghiệm Kapustin Yar cho biết.
Hệ thống giếng phóng cố định cho ICBM.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, hệ thống giếng phóng mới nhiều khả năng là dành cho ICBM thế hệ mới Sarmat sẽ được SMF Nga trang bị đại trà từ năm 2020. Với những yêu cầu kỹ thuật mới, ICBM Sarmat cần hệ thống giếng phóng tiêu chuẩn mới thay vì các giếng phóng cũ trang bị cho ICBM Topol-M hay Voevoda.
So với ICBM Voevoda, Sarmat chỉ nặng bằng một nửa (khoảng hơn 100 tấn), nhưng có sức tấn công tương đương với 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá cỡ Megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT). Điểm đặc biệt là tầm bắn của ICBM mới vượt quá ngưỡng 11.000km giúp nó tấn công bất kỳ vị trí nào trên Trái Đất theo nhiều quỹ đạo bay khác nhau.
Đánh giá về khả năng chiến đấu của Sarmat, ông Y. Borisov cho biết, việc sử dụng các quỹ đạo phóng qua hai cực của Trái đất buộc Mỹ phải tái triển khai lại hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Đây là việc làm cực kỳ phức tạp và tốn kém và chưa chắc đã có hiệu quả.
Tướng Nga nghỉ hưu, Pavel Zolotarev nhận định, bên cạnh các dòng ICBM phóng nhanh như Bulava, Yars, Topol-M, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga cần ICBM hạng nặng sử dụng như những đòn đánh quyết định cùng các đòn tấn công phủ đầu. Điều này là cần thiết để đối trọng với chương trình nâng cấp quy mô lớn lực lượng hạt nhân của Mỹ bắt đầu từ năm 2020. Theo kế hoạch mới của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump, “bộ ba” hạt nhân của Mỹ sẽ được chi tới 1.000 tỷ USD cho quá trình nâng cấp quy mô.
Theo qdnd.vn